Vị trí việc làm là một quan niệm mới, được chính thức sử dụng lần đầu tiên tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, là căn cứ quan trọng để quản lý cán bộ (Điều 5), xác định số lượng người làm việc và thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ như tuyển dụng (Điều 35, Điều 38), nâng ngạch (Điều 44, Điều 45), điều động (Điều 50). Xác định vị trí việc làm là một công việc mới, khó, lần đầu tiên thực hiện nên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề cần có sự nghiên cứu, trao đổi để bổ sung và tiếp tục hoàn thiện.
Một trong những vấn đề được đặt ra trong quá trình triển khai xác định vị trí việc làm thời gian qua là quy định “cứng” yêu cầu vị trí việc làm phải được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cụ thể, độc lập, riêng có của từng đơn vị, tổ chức thuộc Bộ. Quy định này làm cho người ta có xu hướng chỉ thuần túy tập trung xác định vị trí việc làm để triển khai thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn cơ bản của đơn vị mà lãng quên đi những công việc chung của cả tổ chức, cả Bộ, ngành, những công việc chung “của làng, của nước”, những công việc mang tính chất vun trồng những giá trị cộng đồng, tập thể, những công việc chăm lo, bồi đắp đời sống tư tưởng, tinh thần đúng đắn cho mỗi công chức. Có lẽ, đây chính là điều mà các quy định về xác định vị trí việc làm còn đang bỏ ngỏ, chưa quan tâm và bao quát hết.
1. Mới chỉ thuần túy tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn
Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức quy định: Vị trí việc làm được hiểu là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định vị trí việc làm là “phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Trên cơ sở đó, Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25 tháng 6 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ yêu cầu trong quá trình thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ để làm căn cứ xác định vị trí việc làm thì “không thống kê những việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đơn vị”.
Với quy định nêu trên, trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, các đơn vị thường có xu hướng căn cứ trực tiếp vào Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình để đề xuất các nhóm vị trí việc làm cụ thể của đơn vị mình. Ví dụ Đề án vị trí việc làm của Vụ Thi đua-Khen thưởng sẽ chỉ tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ đặc trưng và xuyên suốt của tổ chức này là (1) Quản lý công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp, (2) Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng ngành Tư pháp; hay Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Lý lịch tư pháp sẽ chỉ tập trung vào hai nhiệm vụ (1) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp, (2) Lập lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Với cách tiếp cận như vậy, đề án vị trí việc làm của các đơn vị sẽ chỉ tập trung phân tích, làm rõ yêu cầu về thời gian, lao động dành cho việc triển khai những nhiệm vụ chuyên môn thuần túy. Những công việc khác tuy vẫn được thường xuyên tổ chức thực hiện nhưng không nằm trong Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó sẽ không được coi là căn cứ cho việc tính toán, xác định thời gian, lao động của đơn vị.
2. Vị trí việc làm của Bộ Tư pháp không nên chỉ là sự “cộng dồn cơ học” Đề án vị trí việc làm riêng lẻ của 35 đơn vị thuộc Bộ
Điều 9 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ yêu cầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình. Vụ Tổ chức cán bộ giúp Lãnh đạo Bộ thẩm định Danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc; tổng hợp Danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Bộ, gửi Bộ Nội vụ phê duyệt theo quy định. Như vậy, trong quá trình triển khai thực hiện cơ quan Bộ Tư pháp sẽ có 35 bản Đề án vị trí việc làm riêng lẻ của 35 đơn vị.
Việc chia tách một “thực thể” thống nhất như cơ quan Bộ Tư pháp với các quy định về chức năng nhiệm vụ riêng có tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 và những nhiệm vụ, nghĩa vụ chính trị, pháp lý mà chỉ cơ quan Bộ, cơ quan của Chính phủ mới được giao tiềm ẩn dẫn đến một bản Đề án thiếu tính tổng thể, “thấy cây mà không thấy rừng”. Có thể nói, việc xây dựng 35 bản Đề án vị trí việc làm của 35 đơn vị tuy giúp làm cho các bản Đề án sát với thực tế cụ thể của từng đơn vị nhưng lại mang lại một xu hướng “lơ là” những nhiệm vụ chung của cả cơ quan Bộ Tư pháp. Chính vì vậy, cần quan niệm rằng vị trí việc làm của Bộ Tư pháp không nên chỉ là sự “cộng dồn cơ học” các Đề án vị trí việc làm của 35 đơn vị thuộc Bộ.
3. Ai sẽ làm “việc làng, việc nước”?
Một ví dụ được nêu ra cho những lập luận trên là việc triển khai các nhiệm vụ công tác đảng, đoàn thể tại cơ quan Bộ Tư pháp.
Theo quy định tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Hiện nay, các chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở được thành lập và hoạt động ở tất cả các đơn vị thuộc Bộ với hơn 800 đảng viên. Một trong những nhiệm vụ hoạt động cơ bản của các tổ chức cơ sở đảng là tổ chức, duy trì công tác sinh hoạt đảng cho mọi đảng viên.
Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02 tháng 3 năm 2013 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định mục đích, ý nghĩa lớn lao của sinh hoạt chi bộ như sau: “giúp mỗi đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên và các nhiệm vụ được chi bộ phân công; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình; tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong chi bộ; cấp ủy nắm chắc tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên; có biện pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ đảng viên và xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh”.
Theo quy định nêu trên, việc sinh hoạt chi bộ được thực hiện hàng tháng, bên cạnh đó sinh hoạt chuyện đề ít nhất là hàng quý. Sinh hoạt đảng được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, nội dung phong phú, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, chu đáo của cấp ủy cơ sở. Trong khi đó, tất cả lãnh đạo cấp ủy cơ sở đều làm công tác kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, theo các quy định về xác định vị trí việc làm hiện nay thì các hoạt động tổ chức sinh hoạt nêu trên không thuộc phạm vi quy định về chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, công tác tổ chức, duy trì sinh hoạt đảng của lãnh đạo chi ủy, công tác tham gia sinh hoạt đảng của công chức đảng viên sẽ không đươc ghi nhận là một nhiệm vụ, chức trách với những tính toán về chi phí thời gian, lao động cụ thể. Việc không ghi nhận, quy định chính thức các hoạt động sinh hoạt đảng, cũng như các công tác khác như đoàn thanh niên, công đoàn, nữ công, cựu chiến binh… vào quỹ thời gian, lao động trong quá trình xác định vị trí việc làm của từng đơn vị dường như đang làm cho những công việc “của làng, của nước” là những việc không chính thức, làm thêm, tranh thủ, làm mất đi ý nghĩa tư tưởng, tinh thần lớn lao của những công tác này. Vậy thì ai sẽ làm những “việc làng, việc nước” đó?
Ths. Nguyễn Việt Anh-Phó trưởng Phòng Tổ chức Nhà xuất bản Tư pháp
Ths. Nguyễn Xuân Tùng-Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp