Pháp luật Việt Nam về kết hôn có yếu tố nước ngoài – một số bất cập và kiến nghị

09/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

 

 

1. Căn cứ pháp lý của việc kết hôn có yếu tố nước ngoài

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng, bảo vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Nhà nước ta đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này. Sau khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ra đời, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cụ thể như:

- Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 02/01/2003);

- Quyết định số 15/2003/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 12/2/2003 về việc ban hành biểu mẫu, Sổ hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

- Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

- Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

- Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về kết hôn có yếu tố nước ngoài

Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, thì người nước ngoài còn phải tuân theo những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam về điều kiện kết hôn. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về điều kiện kết hôn.

Theo Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thì việc kết hôn có yếu tố nước ngoài có những nội dung cơ bản và có những điểm thay đổi so với Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP như sau:

2.1. Về thẩm quyền đăng ký kết hôn

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn.

Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại; trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau thì Cơ quan đại diện thực hiện đăng ký việc kết hôn, nếu có yêu cầu.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký kết hôn, theo đó Nghị định số 24/2013/NĐ-CP bỏ quy định phải công chứng, chứng thực bản sao sổ hộ khẩu và giấy tờ chứng minh về nhân thân

Thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ: Theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn hai bên phải có mặt, nếu một trong hai bên vắng mặt phải có giấy ủy quyền cho bên kia nộp hồ sơ. Còn Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định: Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện.

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn: Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn được rút ngắn hơn so với Nghị định số 68/2002/NĐ-CP. Theo đó, thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày (trong khi theo Điều 15 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 30 ngày), kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện không quá 20 ngày (theo Điều 15 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì thời hạn 30 ngày cũng được áp dụng để giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam) kể từ ngày cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.

2.2. Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam và cơ quan đại diện được rút ngắn hơn so với trước đây (theo Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thì thời hạn là 20 ngày), còn Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định là trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp và cơ quan đại diện có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo luật định. Theo đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm: a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ. Trường hợp cần phiên dịch để thực hiện phỏng vấn thì Sở Tư pháp chỉ định người phiên dịch; b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam, nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện xác minh làm rõ.

Cơ quan đại diện có trách nhiệm: Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện đối với hai bên nam, nữ; nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, cơ quan đại diện thực hiện xác minh làm rõ;  Nếu xét thấy các bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, người đứng đầu cơ quan đại diện ký giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, cơ quan đại diện có văn bản thông báo cho hai bên nam, nữ, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Ngoài ra, Nghị định số 24/2013/NĐ-CP còn có một số điểm thay đổi so với Nghị định số 68/2002/NĐ-CP như: Bỏ quy định niêm yết việc kết hôn; bổ sung quy định đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận về việc đã ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2.3. Từ chối đăng ký kết hôn

Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp: Một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam; Bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú đối với người không quốc tịch; Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định; Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn; Một hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng; Một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Các bên kết hôn là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời; Các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng; Các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).

Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.

3. Một số bất cập và kiến nghị

Sự ra đời của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 24/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 22/2013/TT-BTP) đã tạo ra cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và chi tiết cho vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật về lĩnh vực này, bên cạnh những thuận lợi, còn gặp không ít khó khăn, bất cập, cụ thể:

3.1. Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 22/2013/TT-BTP quy định: Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu đương sự thuộc trong các trường hợp sau thì phải có giấy xác nhận công dân Việt Nam đã được tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên; người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với công dân Việt Nam; hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước. Giấy xác nhận này do trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cấp. Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định, các trung tâm này trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố.

Thực tế, khi Thông tư số 22/2013/TT-BTP có hiệu lực, cả nước chỉ có 18 trung tâm đang hoạt động, hoặc đang đổi giấy phép, tên gọi. Tại TP. Hồ Chí Minh, những ngày đầu, người làm thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài rơi vào trường hợp phải có giấy xác nhận cũng phải chờ. Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Trưởng Phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp, TP.HCM thì: “Với những trường hợp yêu cầu có giấy xác nhận, chúng tôi phải hướng dẫn họ chờ thêm vài ngày, vì trung tâm trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa sửa đổi xong giấy phép hoạt động”. Bà Trần Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi đang ráo riết hoàn thành các thủ tục để xin cấp lại giấy phép (giấy phép cũ được cấp căn cứ theo Nghị định số 68/NĐ-CP nay không còn phù hợp)”[1].

Cán bộ làm công tác này cảm thấy rối và lúng túng khi phải thực hiện quy định nói trên của Thông tư. Các đơn vị chưa có trung tâm, thì rơi vào tình cảnh “nước đến chân mới nhảy”. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc phải có một trung tâm hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài là yêu cầu bức thiết. Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng chưa kịp “đón đầu” thì thông tư đã có hiệu lực thi hành. Suốt hai ba tuần nay, Hội phải nhiều lần làm việc với Sở Tư pháp để cùng gỡ rối nhằm cho ra đời trung tâm này sớm nhất”.

Qua đây có thể thấy, chỉ một điều khoản nhỏ trong thông tư (đã có hiệu lực thi hành) mà khắp nơi đều cập rập; cơ quan chức năng có liên quan còn lúng túng thì người có nhu cầu đăng ký kết hôn sẽ gặp khó khăn ra sao?

Để khắc phục bất cập nói trên, thiết nghĩ, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ cần ban hành công văn để hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố đăng ký với Sở Tư pháp để cấp giấy phép, đổi tên, tăng thêm chức năng hoạt động tư vấn, cấp giấy chứng nhận...

3.2. Việc xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư số 22/2013/TT-BTP cũng gặp vướng mắc khi thực thi trong thực tiễn. Theo đó, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đồng thời có quốc tịch nước ngoài) phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đây là điểm mới của Thông tư số 22/2013/TT-BTP). Điều khoản này thật sự gây khó khăn cho công dân lẫn cán bộ tư pháp. Do quy định không rõ ràng “cơ quan có thẩm quyền” là cơ quan nào nên công dân có quốc tịch nước ngoài không xin được giấy chứng minh tình trạng hôn nhân ở nước họ. Thông tư cũng yêu cầu công dân đó phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, nhưng không quy định đó là Uỷ ban nhân dân xã, phường như Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và xã phường đó có phải là nơi cư trú ở Việt Nam của công dân ấy trước khi định cư ở nước bạn không? Theo đại diện của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh thì, khi thông tư có hiệu lực, Sở Tư pháp nhận được phản hồi là nhiều công dân không xin được giấy chứng minh tình trạng hôn nhân, vì những đối tượng là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài cần bổ sung giấy chứng minh mà không biết phải xin ở đâu[2].

Để giảm bớt thủ tục rườm rà, chúng tôi cho rằng, khi công dân đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nên thực hiện theo trình tự là: Qua Sở Tư pháp để được hướng dẫn thủ tục, sau đó, sang trung tâm để được tư vấn, học những lớp tiền hôn nhân nhằm hiểu biết văn hóa, phong tục, trau dồi thêm ngôn ngữ của nhau. Song song, họ làm các giấy tờ cần thiết để cuối cùng lấy phiếu đã được tư vấn, hướng dẫn do trung tâm cấp trở về Sở Tư pháp đăng ký kết hôn. Quy trình như vậy, vừa chặt chẽ, vừa giảm thiểu được những rủi ro có thể phát sinh trong thực tiễn khi kết hôn có yếu tố nước ngoài.

3.3. Như trên đã nói, khi Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và Thông tư số 22/2013/TT-BTP có hiệu lực, thì trên cả nước có 18 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân thuộc các Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành đang hoạt động các Trung tâm này bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi tên gọi, xin lại giấy phép... tuy nhiên việc này cho đến nay vẫn “đang được tiến hành” và không nhiều Trung tâm đã thực hiện chuyển đổi xong. Điều đó có nghĩa là công dân thuộc những trường hợp nêu trên không còn cách nào khác phải chờ đợi các Trung tâm hoàn tất thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, chỉ với 18 trung tâm (hiện một số tỉnh thành đang có đề nghị lập thêm một số Trung tâm mới) thì vấn đề đặt ra là với những địa phương không có Trung tâm thì giải quyết nhu cầu của người dân ra sao? Không lẽ họ cư trú ở một nơi lại bắt họ phải đến một nơi khác có Trung tâm để xin hỗ trợ, tư vấn và cấp giấy xác nhận? Đây cũng là một vấn đề để các cơ quan quản lý phải tính đến để làm sao người dân không bị làm khó[3].

Quy định cấp giấy xác nhận của Trung tâm nói trên là quy định mới của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP. Khi xây dựng nên những quy định này, chắc chắn các nhà làm luật kỳ vọng nó sẽ là điều kiện then chốt để loại bỏ những cuộc hôn nhân vì mục đích lợi nhuận, đồng thời bảo hộ quyền lợi cho công dân trong nước. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai chưa lâu đã xuất hiện những lo ngại khi người đi đăng ký kết hôn bị từ chối ở Sở Tư pháp thì sẽ tìm đến các Trung tâm xin xác nhận để hợp thức hóa hồ sơ. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động của các Trung tâm thực sự lành mạnh, đúng pháp luật thì cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các trung tâm này[4].

Từ những phân tích trên có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng được hoàn chỉnh, nhưng cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện trong cuộc sống. Vì vậy, cần có những hướng dẫn và sửa đổi kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân khi kết hôn có yếu tố nước ngoài.

 
Huyền Trang

[1] Nguồn: Http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai-lung-tung-duoi-theo-thong-tu/a114083.html.

[2] Http://phunuonline.com.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai-da-roi-cang-them-roi-/a114216.html.

[3] Http://baophapluat.vn/su-kien/thu-tuc-ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai-can-thong-thoang-hon-183603.html.

[4] Theo http://baophapluat.vn/su-kien/thu-tuc-ket-hon-co-yeu-to-nuoc-ngoai-can-thong-thoang-hon-183603.html.

 

Bộ soạn thảo văn bản có định dạng, NoiDung

Danh sách bình luận

Xem thêm »
@!-/#Chào mỪng1
@!-/#Chào mỪng1