Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung, PBGDPL đối với các đối tượng đặc thù nói riêng, trong những năm qua, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục phù hợp, giúp đối tượng đặc thù hiểu rõ các quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu các vi phạm, phục vụ tốt việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Năm 2018, thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo thuộc các giáo xứ trên địa bàn tỉnh; phạm nhân tại trại giam; người mãn hạn tù về địa phương; người khuyết tật; người dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển; người lao động trong các doanh nghiệp.
Công an tỉnh đã tổ chức cho 100% số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân được phổ biến học tập nội quy, quy chế giam giữ; các chính sách pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân, tổ chức tuyên truyền, trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho 312 lượt phạm nhân; phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo các cấp vận động chức sắc, chức việc tôn giáo hưởng ứng tham gia các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật cho 576 giáo dân, tín đồ phật tử, người theo đạo chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, góp phần tích cực tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai tôn giáo, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa đạo lạ như: "Pháp luân công", "Hội thánh Đức Chúa Trời"... để đồng bào các tôn giáo không bị lôi kéo, kích động làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng đã làm tốt việc tổ chức tư vấn tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Người khuyết tật và một số văn bản chính sách mới cho 1.080 người dân. Thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho 213 trường hợp; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 86 trường hợp là đối tượng người có công, người nghèo, người dân tộc, người khuyết tật, người cao tuổi, thân nhân liệt sỹ, nạn nhân mua bán người, nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính.
Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cơ sở tổ chức được 2.031 hội nghị, hội thảo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đối thoại chính sách cho 90.150 lượt người lao động; phát hành 8.000 tờ rơi, áp phích, 277 tin về PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử để tuyên truyền pháp luật cho người lao động.
Năm 2018, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố đã phối hợp với các phòng, ban tổ chức hơn 100 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho gần 2.000 lượt người lao động, đồng bào dân tộc, người khuyết tật, người đang chấp hành án phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc về các quy định của pháp luật đối với đối tượng đặc thù.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh với nhiều nội dung phong phú như: tìm hiểu về biển đảo, an toàn giao thông, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, an ninh trường học, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội.
Hội Luật gia tỉnh tổ chức nhiều hội nghị phổ biến pháp luật cho người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; cấp phát hàng trăm bộ tài liệu tiếng dân tộc cho người dân vùng dân tộc ở huyện Nho Quan.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động về các nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tội phạm mua bán người, an toàn giao thông cho hơn 8.000 lượt người.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã trợ giúp pháp lý cho hàng trăm đối tượng là người dân tộc, người khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách về thuế... cho hơn 5.000 lượt người lao động; phát 29.000 tờ rơi, 5.000 tờ gấp, sổ tay tuyên truyền về ma túy, HIV/AIDS đến người lao động và người sử dụng lao động.
Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tập huấn các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, giáo dục đạo đức cho các học viên đang điều trị tại Trung tâm..
Qua công tác tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng đặc thù cho thấy: Nhìn chung đối tượng đặc thù là những người có nhận thức pháp luật còn hạn chế, môi trường tiếp xúc pháp luật cũng hạn hẹp. Chính vì vậy, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đối tượng này cũng cần có phương pháp riêng nhằm đạt được hiệu quả thiết thực.
Để thực hiện tốt hơn công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trong thời gian tới, Hội đồng PBGDPL tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền các nội dung PBGDPL được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ PBGDPL theo Đề án 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các Đề án: "Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp"; "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số"....
Thực hiện PBGDPL đến từng đối tượng đặc thù đảm bảo phù hợp trình độ, điều kiện lãnh thổ vùng, miền thiết thực, hiệu quả. Tăng cường củng cố đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật có khả năng tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện PBGDPL cho các đối tượng đặc thù.
Tăng cường nguồn tài chính đáp ứng cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật ở từng đối tượng, thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống.
Nguồn: Báo Ninh Bình điện tử