Để thực hiện một số quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 (viết tắt Luật KB, CB), ngày 14/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013 (viết tắt Nghị định 176/2013/NĐ-CP), thay thế cho Nghị định 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh. Mà theo đó, tại Mục 2 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh (từ Điều 28 đến Điều 36). Có thể nói, từ khi triển khai thi hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực này trong đời sống xã hội cho đến nay, nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng, người thực thi công vụ xử lý các vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người viết thấy rằng một số quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP đặc biệt là tại các điều 28, 36 cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn để thống nhất trong áp dụng hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn, cụ thể:
Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong khi đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong khi đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;” Thực tế áp dụng quy định này để xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm khi đang hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, sau:
-Ý kiến thứ nhất, theo Từ điển Tiếng Việt “đang” từ biểu hiện sự việc, hiện tượng diễn ra chưa kết thúc trong thời điểm được xem là thời điểm mốc (thường là hiện tại, ngay khi nói). Năm ngoái đang mùa gặt thì bị bão. Nhà xuất bản Đà Nẵng – 1998, tr 274. Với nghĩa này, theo tinh thần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì chỉ bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt vi phạm khi và chỉ khi thỏa mãn điều kiện cần và đủ sau:
+Điều kiện cần: Người hành nghề khám bệnh hoặc chữa bệnh có hành vi sử dụng rượu, bia, thuốc lá;
+Điều kiện đủ: Hành vi sử dụng đó phải đang cùng diễn ra với hoạt động khám bệnh hoặc chữa bệnh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, có thể hiểu người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà bị coi là vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, trong khi đang hành nghề mà có một trong các hành vi vi phạm sau: vừa uống rượu vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh; vừa uống bia vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh; vừa uống rượu, uống bia vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh; vừa hút thuốc lá vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh; vừa uống rượu vừa hút thuốc lá vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh; vừa uống bia vừa hút thuốc lá vừa khám bệnh hoặc chữa bệnh. Do đó, với trường hợp trong khi hành nghề mà người khám bệnh, chữa bệnh trước đó hoặc vừa trước đó đã sử dụng rượu, bia không cần biết với số lượng bao nhiêu thì cũng không bị coi là vi phạm quy định trên.
-Ý kiến thứ hai, Điều 6 của Luật KB, CH có quy định các hành vi bị cấm, mà theo đó tại khoản 9 của Điều này có quy định:“Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh”, với quy định này có thể hiểu, pháp luật cấm trong khi đang hành nghề khám bệnh hoặc chữa bệnh mà người thầy thuốc sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc trước đó họ đã sử dụng rượu, bia mà thực tế nồng độ cồn của chất kích thích đó vẫn còn trong máu, trong hơi thở của họ. Do vậy, nếu chỉ dừng lại việc quy định hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết tinh thần quy định tại khoản 9 Điều 6 Luật KB, CB. Và cũng chính từ sự quy định thiếu bao quát trên nên đã có cách hiểu như loại ý kiến thứ nhất. Từ đó, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hành vi bị coi là vi phạm hành chính và phải bị xử phạt đối với người thầy thuốc trong khi đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà trước đó đã sử dụng rượu, bia. Bởi trong thực tế tình trạng việc các bác sĩ nói riêng, cán bộ y tế tại một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, phòng khám bệnh ngoài giờ, trong khi đang hành nghề dù đã sử dụng rượu, bia trước đó nhưng vẫn tiến hành thăm khám bệnh hoặc chữa bệnh cho bệnh nhân không phải là chuyện hiếm gặp. Để thật sự đúng nghĩa với sự tôn vinh của xã hội đối với người thầy thuốc và không ngừng đề cao trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ quy định cấm của Luật KB, CB kiến nghị điểm a khoản 1 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt vi phạm nếu đang trong khi khám bệnh, chữa bệnh mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì…Như vậy, sau khi được sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 được viết lại như sau:
Điều 28. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở đang trong khi khám bệnh, chữa bệnh;
Thứ hai, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi lợi dụng nghề nghiệp để quấy rối tình dục người bệnh bị coi là vi phạm hành chính và mức xử phạt vi phạm đối với hành vi này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, hiểu thế nào là quấy rối tình dục? Những hành vi nào bị coi là hành vi quấy rối tình dục người bệnh và phải bị xử phạt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có ban hành văn bản chính thức liệt kê đầy đủ, cụ thể để hướng dẫn thống nhất áp dụng trong xử phạt vi phạm. Có thể nói, đây là chủ đề khá “nóng” được đưa ra bàn thảo nhiều trên các diễn đàn nhưng vẫn chưa đưa ra được khái niệm chính thức, tùy theo cách tiếp cận mà mỗi người lại có cách hiểu không giống nhau, chẳng hạn hành vi sờ soạng vào vùng nhạy cảm trên cơ thể của bệnh nhân coi là hành vi quấy rối tình dục. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, không chỉ bằng hành động như để tay lên đùi, trên ngực của nam bác sĩ đối với nữ bệnh nhân khi khám bệnh hay chữa bệnh, mà còn thể hiện qua ánh mắt, lời nói của người thầy thuốc hàm chứa nhục dục, ví dụ, chỉ chụp X-quang cột sống do bị đau lưng, nhưng bác sĩ buộc bệnh nhân nữ phải cởi hết quần ra; hoặc chỉ chụp X-quang vùng vai sau bị đau, nhưng bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nữ phải cởi hết áo; hay với câu nói bâng quơ: Vòng 1 của em quá chuẩn. Đó là hành vi quấy rối tình dục đối với người bệnh. Thật ra chuyện sàm sỡ, quấy rối bệnh nhân trong lúc hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ trước đến nay xảy ra tuy không phổ biến nhưng không phải là hiếm gặp, gây bức xúc cho bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến y đức của người thầy thuốc. Thực tế cho thấy, cách xử lý khi có phản ánh của người dân, lãnh đạo của bệnh viện tổ chức thẩm tra xác minh, xử lý theo quy trình phải lập hội đồng kỷ luật xem xét hành vi đó là vi phạm đạo đức nghề y hay chỉ là thao tác kỹ thuật. Nếu vi phạm, tùy theo tính chất mức độ vi phạm hình thức kỷ luật có thể nặng nhất là đuổi việc, mà không thể tiến hành lập thủ tục để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 96/2011/NĐ-CP nay được thay thế bởi Nghị định 176/2013/NĐ-CP, vì khó có thể lập đầy đủ hồ sơ theo quy định để đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bởi theo quy định với mức tiền xử phạt trên theo quy định tại Điều 57 Luật XLVPHC đòi hỏi trong hồ sơ phải có biên bản vi phạm hành chính, trong khi đó tại nơi khám, chữa bệnh, siêu âm, chụp X-quang nhất là các cơ sở y tế tư nhân chỉ có bệnh nhân với bác sĩ, hơn nữa cũng không có phương tiện ghi hình lắp đặt tại chỗ để theo dõi thì rất khó. Mặt khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có quy định cụ thể những hành vi quấy rối tình dục nào đối với người bệnh phải bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 8 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mà chỉ quy định rất chung chung nên thật sự bế tắc trong xử phạt.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tôn trọng quyền của người bệnh theo quy định của pháp luật. Về quyền của người bệnh, Luật KB, CB có quy định từ Điều 7 đến Điều 13, cụ thể:
-Điều 7: Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế
-Điều 8. Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư
-Điều 9. Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh
-Điều 10. Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh
-Điều 11. Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh
-Điều 12. Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
-Điều 13. Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Do chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc hiểu và áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP còn có những ý kiến khác nhau chưa thật sự thống nhất, đó là:
-Ý kiến thứ nhất, không tôn trọng quyền của người bệnh theo quy định của pháp luật, được hiểu là người bệnh có những quyền gì mà pháp luật về khám bệnh và chữa bệnh đã quy định thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có nghĩa vụ tôn trọng, cụ thể tất cả các quyền được liệt kê từ Điều 7 đến Điều 13 Luật KB, CB.
-Ý kiến thứ hai, không phải ngẩu nhiên mà nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “tôn trọng” để chỉ quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật KB, CB, đó là: Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. (Điều 8); Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh. (Điều 9), bởi đây là những quyền cơ bản nhất của quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể: Tại khoản 1 Điều 38 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.” và khoản 1 Điều 21 cũng có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”, do vậy, bất luận trong mọi trường hợp đã là con người với nhau cần phải được hết mức tôn trọng bí mật riêng tư; danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh, cho dù bệnh nhân đó có mang phải chứng bệnh nan y, truyền nhiễm. Do vậy, những người ủng hộ loại ý kiến này cho rằng, tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ có thể đó là các quyền được quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật KB, CB, còn các quyền khác của người bệnh, tuy Luật KB, CB quy định đó là quyền của người bệnh nhưng trong những trường hợp đặc biệt không buộc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải tuyệt đối tôn trọng, vì trong một số quyền đó của người bệnh lại chứa đựng nghĩa vụ của người thầy thuốc mà lương tâm, trách nhiệm, y đức của họ không thể làm khác hơn được. Ví dụ, Điều 13 Luật KB, CB có quy định về Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, như sau:
“1. Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
2. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.”
Bộ luật Dân sự năm 2005 (viết tắt BLDS) có quy định cụ thể về: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân (Điều 17); Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Điều 20); Người không có năng lực hành vi dân sự (Điều 21); Mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22); Hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23); Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ (Điều 60); Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên (Điều 61); Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 62); Quyền của người giám hộ (Điều 68); Người đại diện theo pháp luật (Điều 141). Với những quy định như vừa liệt kê, xoay quanh người đại diện theo pháp luật (đại diện hợp pháp) của người bệnh thuộc trong các trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, xem chừng như pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những tình huống mà pháp luật chưa dự liệu hết. Như trường hợp bệnh nhân Trần Văn M.10 tuổi, trước đó nhập viện trong tình trạng thương tích nặng, mất máu nhiều trong vụ tai nạn giao thông, bệnh nhân M. chỉ còn lại duy nhất người anh trai Trần Văn T. 13 tuổi; cha mẹ ruột và bà nội của M. đều bị tử vong trong cùng vụ tai nạn, những người thân thích khác, như ông nội; ông bà ngoại, các bác, chú đều đã qua đời; riêng cậu của bệnh nhân M. là ông Nguyễn D. hiện không rõ tung tích; ông Nguyễn H bị bệnh tâm thần phân biệt được điều trị bắt buộc tại bệnh viên tâm thần. Vậy trong trường hợp này ai là người đại diện theo pháp luật cho bệnh nhân M. để thực hiện các quyền của người bệnh được quy định trong Luật KB, CB? Tuy còn có Trần Văn T., nhưng T. chỉ mới 13 tuổi mà theo quy định tại Điều 60 BLDS, T. không đủ điều kiện để làm người giám hộ. Do vậy, người thầy thuốc trong trường hợp này với lương tâm, trách nhiệm, y đức của mình không thể cho phép họ đáp ứng yêu cầu nhằm hiện thực hóa quyền của bệnh nhân, nếu những quyền đó có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị cho người bệnh, sự an toàn về sức khỏe hoặc tính mạng của họ, như từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị; ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị;…
Như vậy, để bảo đảm tính khả thi quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, rất cần sự hướng dẫn kịp thời từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn quy định trên.
Thứ tư, không hợp tác với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh bị coi là hành vi vi phạm hành chính và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Đó là nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Theo Từ Điển Tiếng Việt “Hợp tác” (đg) cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung. Hợp tác trong khoa học (Nhà xuất bản Đà Nẵng – 1998, tr 450). Với nghĩa của động từ này có thể hiểu trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh mà bệnh nhân bị coi là không hợp tác với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là họ không cùng chung sức tạo điều kiện giúp đỡ nhau, nhằm hoàn thành mục đích người bệnh chóng khỏi bệnh, người thầy thuốc làm tròn trách nhiệm của mình. Nhưng cũng cần thấy rằng, nếu người bệnh không hợp tác với người thầy thuốc, không hợp tác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì họ đến tìm người thầy thuốc để làm gì? Họ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để làm gì? Nếu trong thực tế có trường hợp này xảy ra, theo người viết có lẽ người đấy có bệnh lý về thần kinh, tâm thần không bình thường và phải chữa trị cho họ thuộc dạng bắt buộc, chứ không nên áp dụng quy định của pháp luật để xử phạt hành vi bị cho là vi phạm hành chính của họ. Do vậy, trong thực tế sẽ có trường hợp người bệnh hợp tác không đầy đủ với người thầy thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu Điều 15 Luật KB, CB, một trong các nghĩa vụ chấp hành của bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 của Điều này:“Cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.” Với quy định này, nhà làm luật đặt ra nghĩa vụ rất rõ ràng và cụ thể đối với người bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh, mà theo đó, bệnh nhân có nghĩa vụ cung cấp trung thực tông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của chính mình, hợp tác đầy đủ với người thầy thuốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sự hợp tác đầy đủ ở đây được hiểu là thiện chí của người bệnh trong việc tạo điều kiện có thể được, giúp người thầy thuốc trong việc khám, tầm soát, chẩn đoán bệnh,…Cụ thể theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện, mà theo đó, Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định 1313/QĐ-BYT), quy trình khám bệnh chia thành các bước sau:
Bước 1: Tiếp đón bệnh nhân;
Bước 2: Khám lâm sàng và chẩn đoán;
Bước 3: Thanh toán viện phí;
Bước 4: Phát và lĩnh thuốc.
Trong từng bước này, trách nhiệm của người bệnh được quy định khá rõ ràng và chi tiết, ví dụ: Tại bước 2 Khám lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán và chỉ định điều trị, bệnh nhân có người bệnh:
- Chờ khám theo số thứ tự đã được ghi trên phiếu khám bệnh.
- Vào khám khi được thông báo.
- Nhận phiếu chỉ định xét nghiệm từ bác sĩ khám.
- Đến nơi lấy mẫu xét nghiệm, nộp phiếu chỉ định xét nghiệm và chờ đến lượt.
- Phối hợp với kỹ thuật viên xét nghiệm để lấy mẫu xét nghiệm.
- Quay về buồng khám bệnh, chờ đến lượt.
- Nhận chỉ định điều trị, đơn thuốc và về nơi làm thủ tục chi trả viện phí hoặc đồng chi trả bảo hiểm y tế.
Do vậy, sẽ là phù hợp hơn và chính xác hơn trong quy định về hành vi vi phạm hành chính đồng thời cũng dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ việc cung cấp không trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình; hợp tác không đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như vậy, điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được viết lại như sau:
Điều 36. Vi phạm quy định khác về khám bệnh, chữa bệnh
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp không trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình; hợp tác không đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Thứ tư, theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP:“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh.” Đây là quy định mà người viết cho rằng sẽ dễ gây tranh cải trong áp dụng, nếu như chỉ dừng lại ở quy định như trên, mà không có hướng dẫn cụ thể nhằm thống nhất nhận thức và áp dụng. Vì mấy lý do sau:
Một là, trong trường hợp nào, hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người hành nghề trong khi khám bệnh, chữa bệnh bị coi là vi phạm hành chính? Với hành vi mà gây thương tích cho người đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP không? Tại sao khoản 4 Điều 36 Nghị định chỉ đề cập đến hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định hành vi của người cố ý gây thương tích cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh? Thực tế cho thấy, ranh giới phân biệt để xử lý trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính đối với người thực hiện hành vi hành vi gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong nhiều trường hợp rất mỏng manh. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 – viết tắt BLHS), mà theo đó, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hai cho sức khỏe của người khác là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe. Như vậy, khi một người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k thuộc khoản 1 của Điều này, thì bị phạt …Từ quy định này có thể thấy, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 104 BLHS, khi thuộc một trong các trường hợp sau: i) Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%. ii) Tuy tỉ lệ thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k thuộc khoản 1 của Điều này. Chủ thể thực hiện tội phạm này là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và thỏa mãn về độ tuổi quy định tại Điều 12 BLHS. Ví dụ, vì cho rằng bác sĩ thiếu trách nhiệm trong điều trị bệnh cho bạn của mình đang cấp cứu tại bệnh viện, sau khi đã uống rượu B đến bệnh viện gây sự và dùng nón bảo hiểm đang đội làm hung khí rượt đuổi và đánh mạnh vào vùng đầu của bác sĩ A. Tuy chỉ bị phù nề bên ngoài không gây ra thương tích gì, nhưng qua kết luận giám định pháp y, bác sĩ A bị tổn thương không hoàn toàn thần kinh sọ số IV (theo quy định tại tiểu mục 4.7, mục 4, phần VI, chương 2, Bảng 1- Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2013/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế) tỉ lệ thương tật 4%, nên B đã bị truy tố và xét xử về tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS (với tình tiết định khung dùng hung khí nguy hiểm). Qua vụ án này cho thấy, tuy tỉ lệ % tổn hại sức khỏe của bác sĩ A là không lớn (04%), nhưng vì B đã dùng hung khí là nón bảo hiểm đánh vào vùng đầu của nạn nhân là thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng nguy hiểm trên người bác sĩ A, nên theo quy định của pháp luật hình sự hành vi đó phải bị truy tố và xét xử là phù hợp. Từ đó liên hệ với quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính sẽ áp dụng quy định này để xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp cụ thể nào bị coi là gây tổn hại đến sức khỏe của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh? Do vậy, để tránh sự nhầm lẫn rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định này.
Hai là, cũng với ví dụ trên, giả sử B dùng tay đấm mạnh vào vùng tai bên phải của bác sĩ A, gây chảy máu. Kết quả giám định tỉ lệ thương tích 03%. Trong trường hợp này do tỉ lệ thương tích dưới 11% và cũng không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến k khoản 1 Điều 104 BLHS, nên không đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với B. Vậy có thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với B không? Rõ ràng là không. Vì quy định tại khoản 4 Điều 36 có ghi rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh, nghĩa là không có quy định hành vi phải bị xử phạt hành chính là cố ý gây thương tích. Đây là kẻ hở về mặt kỹ thuật, cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ.
Ba là, tương tự như vậy, trong trường hợp nào hành vi đe dọa tính mạng (đe dọa giết người) của người hành nghề trong khi khám bệnh, chữa bệnh bị coi là vi phạm hành chính? Và ranh giới nào để phân biệt xử lý trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính đối với người có hành vi đe dọa đến tính mạng của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh? Điều 103 BLHS có quy định về tội đe dọa giết người, mà theo đó, đe dọa giết người là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc dùng những thủ đoạn làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết. Như vậy, chỉ cần người thực hiện hành vi nào đe doạ giết người, đe dọa đến tính mạng nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, là có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã thực hiện hành vi về tội danh này. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp hành vi vi phạm lẽ ra phải bị truy tố trước pháp luật về tội danh quy định tại Điều 103 BLHS, nhưng vì lý do nào đó người vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, dẫn đến người bị hại khiếu nại, khiếu kiện, và từ kết quả thẩm tra xác minh có cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng theo thẩm quyền yêu cầu cơ quan đã xử lý vi phạm hành chính trước đó hủy quyết định xử phạt và toàn bộ chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra, truy tố, xét xử theo thẩm quyền nhằm không bỏ sót, lọt tội phạm.
Như vậy, để tránh tình trạng vừa nêu xảy ra khi vận dụng quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, rất cần sự kịp thời hướng dẫn bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời, để quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được chặt chẽ hơn, xác định được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi vi phạm, người viết kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng coi hành vi cố ý gây thương tích cho người hành nghề khi đang khám bệnh, chữa bệnh là hành vi vi phạm hành chính và phải bị xử phạt mới bảo đảm lẽ công bằng, cụ thể, khoản 4 này được viết lại như sau:
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe; đe dọa đến tính mạng của người hành nghề trong khi khám bệnh, chữa bệnh mà chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự.
Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến quy định hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi nhằm hòan thiện hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức, áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.
Th.S Lê Văn Sua
Điều 57. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 141. Người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật bao gồm:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;
3. Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
4. Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
5. Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;
6. Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;
7. Những người khác theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.