Một số bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính – kiến nghị hoàn thiện

10/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Luật Xử lý vi phạm hành chính, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 (viết tắt Luật XLVPHC), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Để thực hiện các quy định của Luật XLVPHC, trên từng lĩnh vực cụ thể Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và theo thẩm quyền Bộ và cơ quan ngang bộ cũng đã ban hành các thông tư, quyết định cụ thể hóa nội dung quy định của nghị định, nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn tạo điều kiện thuận lợi hơn hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định của Luật XLVPHC và các nghị định của Chính phủ trên một số lĩnh vực cũ thể đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, một số quy định của LuậtXLVPHC chưa rõ ràng, gây lúng túng cho việc áp dụng. Ví dụ, cùng một hành vi vi phạm hành chính trộm cắp tài sản nhưng A lại thực hiện tại nhiều thời điểm, nhiều địa phương khác nhau, đều chưa bị phát hiện (giá trị tài sản mỗi lần trộm cắp được đều dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự), khi phát hiện ra những hành vi vi phạm đó (vẫn còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC), người có thẩm quyền xử phạt vi phạm sẽ xử phạt A về 01 lần vi phạm hành chính và áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b  khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC“Vi phạm hành chính nhiều lần” hay ra quyết định xử phạt hành chính đối với từng hành vi vi phạm theo từng thời điểm xảy ra hành vi vi phạm chính chính theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC“Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;”? Đây là một thực tế đang gây lúng túng khi áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào trường hợp xử phạt cụ thể, theo quan điểm của người viết, với trường hợp này sẽ là phù hợp hơn nếu người có thẩm quyền xử phạt vi phạm trên cơ sở xác minh làm rỏ sự thật khách quan của hành vi vi phạm mà ra quyết định xử phạt A về 01 lần vi phạm hành chính và áp dụng tình tiết tăng nặng “Vi phạm hành chính nhiều lần” theo quy định tại điểm b  khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC, còn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC là một trong những nguyên tắc khi xử lý vi phạm hành chính, trên tư tưởng xuyên suốt có tính chất bao trùm này mà có quy định tình tiết tăng nặng với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, nghĩa là khi vận dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi ra quyết định xử phạt vi phạm đối với A là đã tuân thủ nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính rồi. Hơn nữa, với trường hợp A thực hiện hành vi trộm cắp ở những thời điểm khác nhau, trên các địa phương khác nhau, dù vẫn còn thời hiệu xử phạt nhưng về mặt thủ tục đòi hỏi phải có biên bản vi phạm hành chính, hồ sơ xử phạt mới đủ tính pháp lý, mà việc lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58[1] Luật XLVPHC đòi hỏi nhiều yếu tố khác, như khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản; ; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm; … trong khi đó việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này là việc “hợp thức hóa” thủ tục, là trái với khoản 1 Điều 58 Luật XLVPHC, hơn nữa, tang vật vi phạm cũng không còn, nên không thể chỉ dùng lời khai đơn phương từ người vi phạm mà ghi nhận trong biên bản vi phạm, do vậy, việc bổ sung thủ tục này là điều không dễ dàng chút nào và rất có thể không bảo đảm tính khách quan, vừa thiếu căn cứ pháp lý, gây nên tình trạng khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết. Nên rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung trên.

 Mặt khác, quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC: “Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;”nhưng hiểu thế nào là quy mô lớn; trị giá hàng hóa lớn? Đây là những quy định thiếu tính định lượng cụ thể, nên khi áp dụng vào thực tiễn gắp nhiều vướng mắc. Ví dụ, qua kiểm tra phát hiện Công ty TNHH MTV dịch vụ bảo vệ an ninh Tây Sơn có hành vi tự ý trang bị 280 bộ trang phục, 280 đôi cấp hiệu, 280 chiếc mũ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ trái với quy định, ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 125 bộ trang phục cùng với cấp hiệu và mũ còn lưu giữ trong kho. Hành vi này đã phạm vào quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, với mức xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi quyết định xử phạt người có thẩm quyền xử phạt có áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC “vi phạm hành chính với quy mô lớn” không?  Hay với trường hợp, qua kiểm tra lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện Công ty A kinh doanh mỹ phẩm không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) theo quy định của pháp luật, qua đối chiếu hóa đơn chứng từ mà Công ty A cung cấp lô hàng vi phạm trên có giá trị 250.000.000 đồng, vậy khi xử phạt vi phạm có áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm l khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC đối với Công ty A không?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC: “Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng” và tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật XLVPHC cũng có quy định: “Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng”. Nhưng theo khoản 2 Điều 67 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở và công sở (viết tắt Nghị định 121/2013/NĐ-CP), mà theo đó, có quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền “Phạt tiền đến 10.000.000 đồng” và khoản 2 Điều 68 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền “Phạt tiền đến 100.000.000 đồng”. Đây là sự chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được phân cấp, rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC: “Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.” Quy định này có thể hiểu, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, khi rơi vào trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần gia hạn thì phải báo cáo bằng văn bản xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vậy trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần gia hạn thì có phải xin ý kiến của Chính phủ không? Nếu xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho từng trường hợp thì rất khó và không khả thi trong việc áp dụng để giải quyết các vụ việc, hơn nữa thời gian quy định cho việc gia hạn cũng hết sức ngắn không quá 30 ngày, nên khi gặp phải trường hợp này chắc chắn không đảm bảo thời gian quy định. Về vấn đề này, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC cũng không đề cập đến, nên đây là vướng mắc cần sự hướng dẫn kịp thời. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 18 Luật XLVPHC quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.” Nhưng quy định này lại không thống nhất với quy định điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC:“Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”. Bởi vì, nếu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, bãi bỏ quyết định xử lý đó thì hậu quả ra sao nếu thuộc trường hợp người vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt, xử lý vi phạm hành chính? Hay với trường hợp hồ sơ vi phạm hành chính lập không đúng quy định hoặc đã ra quyết định xử phạt nhưng phát hiện biên bản vi phạm hành chính lập không đúng quy định tại Điều 58 Luật XLVPHC thì xử lý như thế nào? Sau khi đã khắc phục bằng cách viết lại biên bản vi phạm hành chính, nếu còn thời hiệu, thời hạn xử phạt có được tiếp tục thực hiện các thủ tục xử phạt hay không? Hoặc trường hợp không xử lý được sai sót biên bản vi phạm thì giải quyết thế nào? Đây cũng là những vấn đề gây nhiều khó khăn cho các tổ chức, các nhân trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 105 Luật XLVPHC quy định:“Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.” Tại Điều 9[2] Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (viết tắt Nghị định 221/2013/NĐ-CP), có quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định phải có đến 8 loại giấy tờ. Đây là quy định quá khó đối với cấp xã khi tiến hành lập thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều thời gian, việc thu thập đầy đủ các loại tài liệu theo quy định thật sự không dễ dàng chút nào, trong khi đó người nghiện luôn có tâm lý né tránh việc phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tiễn cho thấy, việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều quy trình, cụ thể, đối tượng được yêu cầu test ma túy tại trung tâm y tế dự phòng, nếu dương tính với chất ma túy sẽ được viết tự khai và cán bộ công an lấy lời khai, xác minh nơi cư trú. Sau đó, công an sẽ mời đối tượng để tống đạt quyết định giao cho địa phương. Hết ba tháng giáo dục tại xã phường, nếu không hiệu quả thì trưởng công an xã, phường, sẽ đề nghị chủ tịch UBND xã, phường lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/ NĐ-CP trong thời gian 24 tháng.  Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, xin nêu trường hợp cụ thể sau: Bùi Chí D. nơi cư trú tại 125C/2/39 Bình Lợi, phường 6, thành phố M, theo bản tự khai của D. cho thấy, tháng 9/2009 sau khi cai nghiện xong, D. trở về địa phương sinh sống, đến tháng 3/2014 thì tái sử dụng heroin, D. thường sử dụng ma túy bằng cách tiêm vào người. Phiếu trả lời kết quả sau khi test nước tiểu do Trung tâm y tế dự phòng thành phố M thực hiện cũng cho thấy đối tượng dương tính với heroin. Sau khi D. được giáo dục tại địa phương nhưng không chuyển biến, công an phường 6 – thành phố M có văn bản đề nghị UBND Phường 6, thành phố M ra quyết định đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thời hạn 24 tháng. Tuy nhiên, hồ sơ đưa D. đi cai nghiện bị Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội thành phố M, kết luận “chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 9, Nghị định 221/2013/NĐ-CP”, mà theo đó, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc phải có “Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Nghĩa là, trong hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với D., Trung tâm y tế thành phố M có trả lời về hội chứng nghiện của người nghiện ma túy, mà muốn có được kết quả đó hiện nay chỉ có các trung tâm cai nghiện ma túy lớn mới có đủ các trang thiết bị khám lâm sàng và xét nghiệm, có thời gian lưu bệnh để theo dõi mới có thể xác định chính xác. Từ thực tế trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC thời hạn làm hồ sơ đưa các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC không được kéo dài quá 3 tháng. Nếu quá thời hạn thì phải hủy hồ sơ, làm lại các bước ban đầu nên chắc chắn sẽ rất khó để đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú đi chữa bệnh tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặt khác, Điều 14[3] Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định phải đảm bảo các điều kiện vật chất, nhân sự và kinh phí hỗ trợ trực tiếp…Đây là những quy định nhìn với gốc độ thực tiễn là không khả thi trên thực tế làm cho cấp xã không thể hoàn thành thủ tục cần thiết.

Song song đó, bất cập khác mà khi đối chiếu quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BTP ngày 25/9/2014 của Bộ Tư pháp, ban hành các biểu mẫu sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý vi phạm giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên theo quy định của Nghị định 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định  chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn với Thông tư 42/2014/TT-BCA ngày 25/9/2014 của Bộ Công an, quy định về biểu mẫu sử dụng trong công an nhân dân khi áp dụng và thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thấy rằng cùng là việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng biểu mẫu ban hành ở 02 Thông tư trên là khác khau, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, cụ thể để áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 2[4] Thông tư 20/2014/TT-BTP có tất cả 23 loại mẫu  biểu giấy tờ, nhưng xuất phát từ thực tiễn áp dụng rất cần bổ sung thêm một số biểu mẫu sau cho thống nhất: Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Báo cáo kết quả xác minh đối với người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại của Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Bản tóm tắt lý lịch của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Ngược lại, tại Điều 3[5] Thông tư 42/2013/TT-BCA quy định tất cả 17 loại giấy tờ liên quan việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người viết thấy rằng quy định tại Điều 3 Thông tư 42/2013/TT-BCA là rất hợp lý, vì vừa bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ về thủ tục vừa gọn về hình thức không nặng về văn bản giấy tờ, thuận lợi hơn cho hoạt động cấp cơ sở.

Thứ ba, mức xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền trong nhiều lĩnh vực quy định quá thấp, nên không bảo đảm được tính răn đe và phòng ngừa chung, dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều tổ chức, công ty, doanh nghiệp hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực đó. Dưới đây xin nêu một vài lĩnh vực cụ thể để minh chứng cho nhận định trên.

- Trên lĩnh vực an toàn thực phẩm: Ngày 14/11/2013 Chính phủ có ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 31/12/2013, thay thế Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mà theo đó, tại Điều 10 Nghị định này có quy định hành vi vi phạm về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, cụ thể, tại khoản 2 Điều này có quy định như sau: Xử phạt đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với vi phạm dưới 10 người;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 10 người đến dưới 20 người;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 20 người đến dưới 100 người;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 100 người đến dưới 500 người;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 500 người trở lên.” Với quy định trên, thực tế cho thấy có mấy bất cập sau:

Một là, khám sức khỏe định kỳ tổng quát là điều cần thiết trong cuộc sống vì có thể giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, ngoài ra còn giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại tránh những lo lắng không cần thiết, nhưng mức xử phạt trung bình quy định tại điểm a là 750.000 đồng; điểm b là 1.500.000 đồng, với mức như vậy là quá thấp so với chi phí tổ chức khám sức khỏe cho số lượng 09 người quy định tại điểm a, điểm b là 19 người, nên doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, bởi chi phí cho 01 ca khám sức khỏe định kỳ tổng quát cho cả nam hoặc nữ tại cơ sở y tế có thẩm quyền khoảng 550.000 đồng/ca, bao gồm: Nội dung các dịch vụ: Khám đa khoa tổng quát (Nội, Mắt, Răng Hàm Mặt); Tầm soát thể trạng; Nội soi Tai – Mũi – Họng; Khám phụ khoa và làm phiến đồ tử cung (đối với nữ); Điện tâm đồ; Siêu âm tổng quát. Các xét nghiệm: Công thức máu; Đường máu; Mỡ máu (Cholesterol, Triglicerid, LDL, HDL); Chức năng gan (GOT, GPT); Chức năng thận (Ure, Creatinine); Kháng nguyên viêm gan B (Architect); Nước tiểu (tổng phân tích và cặn);  Bilirubin và Acid uric (đối với nam). Với phép tính đơn giản có thế thấy, Công ty A có tổng số 18 công nhân thuộc diện phải khám sức khỏe theo định kỳ, nếu phải đưa số công nhân này đi khám sức khỏe định kỳ theo quy định, Công ty phải mất số tiền 8.250.000 đồng, chưa bao gồm các chi phí khác, trong khi đó nếu bị phát hiện vi phạm quy định về không khám sức khỏe định kỳ thì chỉ bị phạt số tiền khoảng 1.500.000 đồng!

Hai là, vi phạm quy định về số lượng người không được khám sức khỏe định kỳ như tại điểm c, điểm d và điểm đ có sự chênh lệch quá xa về số lượng, ví dụ: từ 20 người đến dưới 100 người (điểm c); từ 100 người đến dưới 500 người (điểm d); từ 500 trở lên (điểm đ) và mức chênh lệnh số tiền xử phạt trong khung cũng có độ cách biệt khá lớn, cụ thể mức xử phạt tại điểm c 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; điểm d từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và điểm đ từ 10.000.000 đồng trở lên. vậy với công ty, doanh nghiệp có lượng 1.500 công nhân mà vi phạm hành chính quy định về khám sức khỏe thì mức xử phạt trung bình là bao nhiêu, vì không quy định giới hạn tối đa của khung xử phạt đó, nên rất dễ phát sinh tiêu cực trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này, trong khi đó theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 178/2013/NĐ-CP: “Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức…”. Nên với quy định xử phạt như trên có thể xem là hạn chế cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình đấu tranh ngăn chặn với loại hành vi vi phạm này hiện nay. Từ đó, người viết đề xuất, khoản 2 Điều 10 Nghị định 178/2013/NĐ-CP sau khi sửa đổi, bổ sung được viết lại như sau: Xử phạt đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với vi phạm dưới 10 người;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến .8.000.000 đồng đối với vi phạm từ 10 người đến dưới 20 người;

c) Phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với vi phạm từ 20 người đến dưới 40 người;

d) Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với vi phạm từ 40 người đến dưới 60 người;

đ) Phạt tiền từ 17.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 60 người đến dưới 100 người;

e) Phạt tiền từ 21.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 100 người đến dưới 120 người;

f) Phạt tiền từ26.000.000 đồng đến 29.000.000 đồng đối với vi phạm từ 120 người đến dưới 150 người;

g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với vi phạm từ 150 người đến dưới 200 người;

h) Phạt tiền từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 200 người đến dưới 300 người;

i) Phạt tiền từ 41.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 300 người đến dưới 350 người;

k) Phạt tiền từ 46.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 350 người đến dưới 500 người;

l) Phạt tiền từ 51.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 500 người đến dưới 1.000 người;

m) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1.000 người trở lên.”

- Tương tự như vậy, trên lĩnh vực an toàn lao động: Ngày 22/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (viết tắt Nghị định 98/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013, thay thế Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động; Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mà theo đó, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Nghị định 98/2013/NĐ-CP có quy định vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, như sau:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch hoặc thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b) Không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc;

c) Không cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động;

d) Không thống kê, báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không định kỳ đo lường các yếu tố có hại tại nơi làm việc theo quy định;

b) Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

c) Không bảo đảm điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nhà xưởng theo quy định;

d) Vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đã công bố áp dụng trong sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển đối với các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới;

đ) Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định;

e) Không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc hoặc có nhưng không đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;

g) Không trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, y tế thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động;

h) Không cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

i) Không phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ theo quy định;

k) Không khai báo, điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng;

l) Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; không thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

m) Không thực hiện chế độ trợ cấp, bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.”

Từ quy định trên cho thấy, rõ ràng với mức xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi, như: Không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; không cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; không thống kê, báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Hay theo quy định tại khoản 2 của Điều này, người sử dụng lao động chỉ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đối với một trong các hành vi vi phạm, như: Không bảo đảm điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nhà xưởng theo quy định; không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định, kèm theo đó là các biện pháp buộc khắc phục hậu quả vi phạm, thật sự là chưa tương xứng và quá nhẹ so với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả có thể xảy ra. Nghiên cứu quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC, thấy rằng lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có lẽ là lĩnh vực mới đối với công tác quản lý nhà nước, nên trong các quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC chưa đề cập đến. Nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều này:“Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.” Do vậy, để công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vừa nêu, nhất là việc quy định mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm cần sớm được quy định, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý đối với người, cơ quan thực thi công vụ áp dụng được thống nhất trong thực tiễn.

Thứ tư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (viết tắt Nghị định 179/2013/NĐ-CP) đã phát huy tác dụng tích cực, cụ thể, khung và mức phạt đã được chi tiết hóa, một số hành vi vi phạm hành chính trước đây chưa bị coi là vi phạm hành chính và cũng không quy định chế tài xử phạt nên không xử lý được, thì đã được cụ thể hóa trong Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội cùng với những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về các vấn đề biến đổi khí hậu do tác động tiêu cực của sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn, nên việc áp dụng Nghị định số 179/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã bộc lộ một số bất cập mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể, dù mức phạt tiền tăng cao và nhiều hình thức xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe, nhưng nhìn chung các căn cứ để xử phạt trong Nghị định đều mang tính kỹ thuật cao, phụ thuộc vào kết quả quan trắc môi trường. Một số lỗi hành vi có quy định mức xử phạt nhưng không có biện pháp khắc phục hay như rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và phương pháp tính mức phạt không phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan thực thi. Mặt khác, quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định 179/2013/NĐ-CP: “Hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải dưới 120 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc dưới 600 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 120 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 600 kg đến dưới 2.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

c) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 2.000 kg đến dưới 4.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

d) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 4.000 kg đến dưới 8.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

đ) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 8.000 kg đến dưới 12.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

e) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 12.000 kg đến dưới 16.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

g) Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 4.000 kg đến dưới 5.000 kg chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 16.000 kg đến dưới 20.000 kg đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác;

h) Phạt tiền từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 20.000 kg trở lên đối với chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại khác.”. Nhưng cũng hành vi thải chất thải nguy hại không đúng quy định, thì tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xả, thải dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất thải nguy hại, các nguồn gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác vào môi trường nước không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, rất cần sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định trên, nghĩa là hiểu thế nào là hành vi thải chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 19 với hành vi xả, thải chất thải nguy hại, …vào môi trường nước không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định 179/2013/NĐ-CP để áp dụng pháp luật về lĩnh vực này được chính xác. Nhất là trong điều kiện Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của Luật XLVPHC và pháp luật xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực cụ thể. Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi nhằm hoàn thiện hoặc hướng dẫn ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức, áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc. 

Th.S Lê Văn Sua



[1] Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

 [2] Điều 9. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:

a) Bản tóm tắt lý lịch;

b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép;

d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;

đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 [3] Điều 14. Giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm các điều kiện:

a) Về cơ sở vật chất, thiết bị: cơ sở phải xây dựng thành khu liên hoàn, cách ly với môi trường bên ngoài để tránh thẩm lậu ma túy và tối thiểu phải có 03 phòng chức năng và các thiết bị kèm theo như sau:

- Phòng khám và cấp cứu: diện tích tối thiểu 10 m2 trong đó có tủ thuốc với đầy đủ các danh mục thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế;

- Phòng lưu bệnh nhân: diện tích tối thiểu 8 m2 và bằng hoặc lớn hơn 4 m2/người điều trị; trong phòng có đủ mỗi bệnh nhân 01 bộ dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, ga, gối, chăn, màn;

- Phòng thường trực của cán bộ y tế, bảo vệ;

b) Về nhân sự phải có tối thiểu 04 người gồm: phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sỹ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; 01 y, bác sỹ điều trị; 01 điều dưỡng viên; 01 bảo vệ.

2. Tổ chức xã hội có trách nhiệm quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 131 của Luật xử lý vi phạm hành chính và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện theo quy định của Bộ Y tế.

3. Tổ chức xã hội tham gia quản lý tại Khoản 2 Điều này được hỗ trợ kinh phí trong quá trình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: hỗ trợ trực tiếp cho người của tổ chức xã hội được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện; hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh thông thường và các chi phí sinh hoạt khác cho người nghiện.

 [4] Điều 2. Ban hành biểu mẫu

1. Mẫu số 01: Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

2. Mẫu số 02: Thông báo về việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

3. Mẫu số 03a: Bản tường trình của người vi phạm bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

4. Mẫu số 04: Báo cáo kiểm tra tính pháp lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

6. Mẫu số 05a: Quyết định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

7. Mẫu số 06a: Quyết định về việc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

8. Mẫu số 07a: Quyết định phân công người trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

9. Mẫu số 08a: Kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

10. Mẫu số 09a: Bản cam kết của người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

11. Mẫu số 10: Biên bản cuộc họp góp ý đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

12. Mẫu số 11: Báo cáo kết quả giám sát giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

13. Mẫu số 12: Báo cáo của người được giáo dục về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

14. Mẫu số 13a: Đơn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú (người đang chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn);

15. Mẫu số 13b: Đơn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú (người chưa thành niên đang chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn);

16. Mẫu số 14a: Đơn xin phép thay đổi nơi cư trú (người đang chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn);

17. Mẫu số 14b: Đơn xin phép thay đổi nơi cư trú (người chưa thành niên đang chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn);

18. Mẫu số 15: Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

19. Mẫu số 17: Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

20. Mẫu số 18: Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

21. Mẫu số 19: Thông báo về việc chuyển hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để tiếp tục thi hành;

22. Mẫu số 20: Sổ theo dõi sự tiến bộ của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

23. Mẫu số 21: Biểu mẫu thống kê số lượng người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 [5] Điều 3. Biểu mẫu sử dụng khi áp dụng, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Biểu mẫu sử dụng khi áp dụng, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình, bao gồm:

1. Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

2. Đề nghị miễn chấp hành phần thời gian còn lại của Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

3. Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

4. Thông báo về việc tiếp tục quản lý, giáo dục người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

5. Báo cáo kết quả xác minh đối với người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

6. Báo cáo kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

7. Biên bản cuộc họp về việc xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

8. Biên bản cuộc họp về việc góp ý đối với người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

9. Bản cam kết về việc chấp hành quyết định của người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

10. Quyết định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

11. Quyết định về việc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

12. Quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

13. Quyết định tạm đình chỉ thi hành Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

14. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

15. Bản tóm tắt lý lịch của người được đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

16. Đơn xin phép đi khỏi nơi cư trú;

17. Giấy triệu tập.

Xem thêm »