Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19 tháng 01 năm 2012

12/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Liên Bộ Tài chính – Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 115/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 11 tháng 8 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thông tư sửa đổi như sau: Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng được áp dụng đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, bản dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng, phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản theo quy định của Luật công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng. Thông tư này áp dụng với đối tượng nộp phí công chứng là cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng; Đối tượng nộp phí chứng thực là cá nhân, tổ chức yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; Đơn vị thu phí công chứng, chứng thực bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.

Theo Thông tư liên tịch số 115/2015/TTLT-BTC-BTP, một số loại phí công chứng sẽ được điều chỉnh tăng như sau: Mức thu phí Công chứng hợp đồng ủy quyền là 50.000 đồng/trường hợp (Mức phí cũ: 40.000 đồng/trường hợp); Mức thu phí Công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch là 25.000 đồng/trường hợp (Mức phí cũ: 20.000 đồng/trường hợp); Mức thu phí Công chứng di chúc là 50.000 đồng/trường hợp (Mức phí cũ: 40.000 đồng/trường hợp).

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định bổ sung một số loại phí sau: Phí công chứng bản dịch: 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất (trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ hai trở lên thu 5.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 3.000 đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản); Phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản; Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).

Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng: Phí công chứng, phí chứng thực thu được là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau: Đơn vị thu phí được trích 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc quản lý và thu phí theo chế độ quy định; Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước 50% (năm mươi phần trăm) tiền phí thu được theo chương, loại, khoản, mục của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng: Phí công chứng, phí chứng thực thu được là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hàng năm, đơn vị thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2015.

Xem thêm »