Quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra và kiến nghị hoàn thiện

13/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Thực tiễn áp dụng quy định của BLDS năm 2005 nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra nói riêng cho đến nay còn nhiều vướng mắc, với tư cách là luật chung nhưng BLDS hiện hành chưa có quy định mang tính khái quát về chủ thể được coi là thi hành công vụ, chính điều này đã gây ra những vướng mắc khi tòa án giải quyết bồi thường trong những vụ án có liên quan đến đối tượng là người thi hành công vụ gây ra thiệt hại. Dưới đây là trường hợp cụ thể:

Thực hiện kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự an toàn trong đợt cao điểm từ 15/8 đến 15/9/2014 giữa Công an huyện G và Công an các xã thuộc huyện G, sáng ngày 20/8/2014 Trần Văn L – Cảnh sát giao thông huyện G được phân công phối hợp với Nguyễn Văn P, Huỳnh Hồng D và Cao Hoàng Ph đều là công an viên thuộc Công an xã T tuần tra trên các tuyến đường từ Trạm thủy lợi 1 đến bến đò Phước Thới; từ ngã ba Cây Gừa đến khu vực hành chính xã T, L điều khiển xe mô tô phía sau chở D, Ph điều khiển xe mô tô chở P, khi qua khỏi dốc Trạm thủy lợi 1, Ph phát hiện 1 thanh niên điều khiển xe mô tô nhưng không đội mũ bảo hiểm, nên rượt đuổi theo, khi xe của Ph chạy gần sát xe của thanh niên này, P hô to: “Đừng xe lại ngay, công an kiểm tra”, thanh niên vẫn điều khiển xe chạy bình thường mà không dừng lại, nên Ph cho xe tăng tốc và ép xe của thanh niên này vào lề, đồng thời P cầm cây gậy bằng gỗ (dụng cụ Công an xã trang bị khi làm nhiệm vụ - một đầu sơn màu trắng, đầu còn lại sơn màu đỏ) vụt mạnh vào vùng lưng của thanh niên này, làm thanh niên bị té ngã xuống lộ. Sau đó L, D, PH, P đưa nạn nhân đến Trạm xá xã T cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực M điều trị sau 10 ngày xuất viện. Bản án số 88/2014/HSST ngày 29/12/20014 của TAND huyện G áp dụng Điều 618 BLDS năm 2005 buộc bị cáo Nguyễn Văn P phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho anh Q là người bị hại 15 triệu đồng. Bản án, quyết định của TAND huyện G không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật. Vấn đề đặt ra, TAND huyện G đã áp dụng Điều 618 BLDS tuyên buộc trách nhiệm dân sự của P, theo người viết là chưa thật chính xác, nhưng cũng phải thấy rằng, nếu không áp dụng Điều luật đó thì không còn điều luật nào khác chính xác hơn để áp dụng!     

Trước hết, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (gọi tắt Luật TNBTNN), có hiệu lực thi hành từ 01/01/2010: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”, thì trong trường hợp trên anh P được coi là người thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Luật TNBTNN: “Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại”, thì trường hợp của anh P không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTNN, vì Luật này chỉ áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, được quy định tại Điều 13 của Luật TNBTNN, mà theo đó, có liệt kê các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:

1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;       

2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

3. Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;

4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh;

5. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;

6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;

7. Áp dụng thủ tục hải quan;

8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ;

11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện;

12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.

Thứ hai, xung quanh việc bồi thường thiệt hại do người đang thi hành công vụ gây ra, BLDS năm 2005 có các điều luật quy định, như sau:

i). Điều 618. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

ii). Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra

“Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ”.

iii). Điều 620. Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ

Trong vụ án này, Nguyễn Văn  P có phải là người của pháp nhân không ? Theo quy định tại Điều 84 BLDS hiện hành, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: “1. Được thành lập hợp pháp; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Tại khoản 5 Điều 10 của Pháp lệnh Công an xã năm 2008, quy định: “Công an xã có con dấu riêng”,  với chỉ quy định có con dấu riêng không thôi, thì không thể xem Công an xã là một pháp nhân đúng nghĩa theo quy định tại Điều 84 BLDS, nên việc TAND huyện G  áp dụng Điều 618 BLDS làm cơ sở pháp lý quyết định việc bồi thường thiệt hại trong vụ án mà P đã gây ra là sự “gượng ép”, thiếu tính chính xác.

Mặt khác, để áp dụng Điều 619 BLDS thì chủ thể đó phải là cán bộ, công chức gây ra thiệt hại, theo quy định của pháp luật hiện hành công an viên có phải là công chức không? Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, thì:

“2. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:

a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

d) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

e) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

g) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

h) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. 

3. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

a) Trưởng Công an;

b) Chỉ huy trưởng Quân sự;

c) Văn phòng - thống kê;

d) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);

đ) Tài chính - kế toán;

e) Tư pháp - hộ tịch;

g) Văn hóa - xã hội.

Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý”.

Như vậy với 11 chức danh là cán bộ cấp xã; 07 chức danh thuộc công chức cấp xã, thì công an viên cấp xã không là cán bộ cũng không phải là công chức cấp xã. Do đó, TAND huyện G cũng không thể áp dụng Điều 619 BLDS làm cơ sở ấn định việc bồi thường thiệt hại cho anh Q cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, P không phải là người của cơ quan tiến hành tố tụng, nên tòa án không thể áp dụng Điều 620 BLDS là hoàn toàn chính xác.

Từ những phân tích trên cho thấy, hiện nay các quy định của pháp luật hiện hành còn có “khoảng trống” điều chỉnh trường hợp tương tự như trên, hay nói cách khác đối tượng người thi hành công vụ là công an cấp xã nói chung nếu không được xếp chung với nhóm người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hay cán bộ, công chức là không hợp lý, không công bằng, không bao quát hết theo khái niệm người thi hành công vụ.

Nghiên cứu Dự thảo BLDS, mà theo đó, Điều 621 của Dự thảo có ghi: Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

1. Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, viên chức người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tố tụng. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại do Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định.

2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ do cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, cơ quan tiến hành tố tụng giao mà không thuộc thi hành công vụ thì áp dụng theo quy định tại Điều 620 của Bộ luật này”.

Với Dự thảo lần này, đối tượng là công an viên cấp xã cũng không là cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, nghĩa là bất cập từ thực tiễn trên vẫn chưa được tháo gỡ. Hơn nữa, thực tế hiện nay nhằm bảo đảm trật tự, trị an trong thôn, xóm địa phương mình, chính quyền cấp cơ sở sử dụng lực lượng dân quân phối hợp lực lượng công an cấp xã, huyện với lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn để tuần tra, kiểm soát nhất là những địa bàn ở tuyến biên giới “nóng” về tình trạng buôn lậu thuốc điếu, đường cát, hàng mỹ phẩm,…trong hoàn cảnh đó, nếu dân quân khi thi hành công vụ mà gây ra thiệt hại thì khi giải quyết tòa án sẽ áp dụng điều luật nào để bảo đảm tính chính xác?

Từ suy nghĩ đó, người viết kiến nghị Điều 621 Dự thảo BLDS sửa đổi nên ghi nhận như sau:

Điều 621. Bồi thường thiệt hại do người đang thi hành công vụ gây ra

1. Cơ quan, tổ chức quản lý người đang thi hành công vụ phải bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại do Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định.

2. Trường hợp gây ra thiệt hại mà không thuộc trường hợp đang thi hành công vụ thì không áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này”.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 12 Điều 13 Luật TNBTNN: “ Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định”, mà theo đó, đối tượng công an cấp xã, phường, thị trấn và lực lượng dân quân địa phương, tự vệ cơ quan nếu được lệnh phối thuộc với lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ được giao mà gây thiệt hại thì được xem là đối tượng điều chỉnh của Luật TNBTNN.

 

 Th.S Lê Văn Sua

Xem thêm »