Quyền nhân thân trong mối liên hệ với phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống

27/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Ở Việt Nam, các quyền dân sự của cá nhân về nhân thân được bảo đảm thực hiện theo những quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2005 và pháp luật có liên quan. Ngoài ra, với bề dày lịch sử phát triển dân tộc, Việt Nam có hệ thống các phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống ghi nhận các giá trị con người Việt Nam nói chung và tham gia điều chỉnh hành vi, ứng xử của họ trong những tình huống cụ thể. Do vậy, ngoài các quyền nhân thân được ghi nhận trong pháp luật, các quyền khác gắn với mỗi cá nhân có thể cũng chịu sự điều chỉnh bởi phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống. Mối liên hệ giữa quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống là không thể phủ nhận. Nghiên cứu mối liên hệ này cho chúng ta thấy được các giá trị quyền con người nói chung, sự tương đồng, sự khác biệt và những tác động qua lại giữa quyền nhân thân và phong tục tập quán và giá trị đạo đức truyền thống, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của chúng đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền nhân thân ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái quát về quyền nhân thân

Hiện nay, quyền nhân thân được quy định cụ thể tại Mục 2 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2005, theo đó, quyền nhân thân được hiểu là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2005). Quyền nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là các quyền gắn liền với cá nhân và không thể là đối tượng chuyển dịch cho người khác, đồng thời là quyền có tính độc lập, các biệt hóa cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. Hơn nữa, việc xác định chính xác các quyền nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự, để cá biệt hóa các hành vi xâm phạm quyền nhân thân thuộc trách nhiệm dân sự hoặc có thể đồng thời thuộc về loại trách nhiệm pháp lý khác.

Theo quy định trên, quyền nhân thân có thể chia thành các nhóm cơ bản sau:

(i) Nhóm quyền nhân thân liên quan đến cá biệt hóa cá nhân, như: quyền đối với họ, tên, hình ảnh, quốc tịch…;

(ii) Nhóm quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của con người, như: quyền đối với danh dự, nhân phẩm, quyền bí mật đời tư…;

(iii) Nhóm quyền nhân thân liên quan đến cơ thể con người, như quyền được bảo đảm an toàn, tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết…

Tuy nhiên, việc quy định có sự nhầm lẫn giữa quyền nhân thân và quyền công dân được thể hiện tại mục 2 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2005, vì với 28 điều nhưng đã có tới 13 điều quy định về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự. Đây là sự đồng nhất các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan với các quyền nhân thân là đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự.

2. Phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống

Phong tục được hiểu là những hoạt động sống của con người, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử và ổn định thành nề nếp, được mọi thành viên trong cộng đồng thừa nhận và tự giác thực hiện có tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng nhất định.

Xét về mặt dân tộc và văn hoá - xã hội, thì tập quán được hiểu dựa trên những nét cơ bản là những phương thức ứng xử giữa người với người đã được định hình và được xem như một dấu ấn, một điểm nhấn tạo thành nề nếp, trật tự trong lối sống của cá nhân trong quan hệ nhiều mặt tại một cộng đồng dân cư nhất định[1].

Phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận quan trọng trong vốn văn hóa truyền thống ở Việt Nam, nó không chỉ là một trong những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội mà còn ẩn chứa những triết lý sâu xa về triết học, nhân sinh, cội nguồn… mà chúng ta cần giữ gìn, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những khía cạnh tiêu cực hoặc không còn phù hợp của chúng với thời đại ngày nay[2].

Phong tục tập quán và các giá trị truyền thống là những quy ước có tính tổng hợp về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó thường có phần nội dung đề cập đến những quy tắc, cách ứng xử cần tuân theo và phần xác định những hình thức khen thưởng hoặc xử lý những vi phạm, các cách thức và biện pháp trừng phạt… Phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống đã hình thành và tồn tại trước khi có pháp luật, chúng được hình thành như một nhu cầu tất nhiên từ quá trình sinh hoạt, sản xuất, trao đổi trong các cộng đồng người hoặc trong các vùng, miền được giới hạn bởi những ranh giới địa lý nhất định. Khi pháp luật xuất hiện thì phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống không mất đi, pháp luật chỉ thay thế một phần chứ không thay thế hoàn toàn phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Như chúng ta đã biết, lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Quá trình đó đã rèn luyện và hun đúc nên những thế hệ con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân để cứu nước, thương yêu con người, thương yêu đồng loại, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn... Những giá trị tốt đẹp đó có tác dụng củng cố, phát triển quan hệ xã hội, tạo ra sức mạnh cho con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại để phát triển xã hội và hoàn thiện nhân cách. Có những phong tục tập quán, những thói quen không phù hợp với sự phát triển xã hội thì không thể coi đó là những truyền thống. Vậy, khi nói đến đạo đức truyền thống thường là nói đến những giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp, có ý nghĩa tích cực[3].

3. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống

3.1. Những điểm tương đồng

Quyền nhân thân và các phong tục tập quán, giá trị đạo đức truyền thống là những lĩnh vực độc lập với nhau. Quyền nhân thân là thuật ngữ luật học trong khi phong tục, tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống lại là các thuật ngữ xã hội học. Tuy vậy, quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống lại có những điểm tương đồng. Cụ thể:

Thứ nhất, quyền nhân thân và các giá trị đạo đức, các phong tục tập quán đều chủ yếu hướng đến các giá trị tinh thần

Theo quy định của BLDS 2005, tuy quyền nhân thân được phân chia thành nhiều nhóm quyền khác nhau nhưng tựu chung lại, xét trong quan hệ với tài sản, có thể phân thành quyền nhân thân gắn liền với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản này được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh kinh tế, địa vị hay tài sản của người đó. Các quyền nhân thân này thể hiện giá trị tinh thần của chủ thể đối với chính bản thân mình, luôn gắn với chính bản thân người đó và không dịch chuyển được sang chủ thể khác.

Ở nước ta, nhiều phong tục tập quán được hình thành từ lâu, đã trở thành những giá trị tinh thần của người dân, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhiều cộng đồng người hoặc địa phương. Chẳng hạn, phong tục tổ chức lễ hỏi, lễ cưới, hình thành từ bao đời nay, được nhân dân duy trì và phát triển, nay đã trở thành một tục lệ không thể thiếu ở nhiều địa phương. Các lễ hỏi, lễ cưới không chỉ có giá trị tinh thần đối với bản thân hai người nam, nữ mà còn là niềm vui chung của dòng họ, bạn bè, làng xóm...

Thứ hai, quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống là các quy phạm xã hội, đều hướng đến điều chỉnh hành vi con người nhằm thiết lập, giữ gìn và ổn định trật tự xã hội

Thông qua việc quy định các quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự, Nhà nước thực hiện việc kiểm soát, điều chỉnh các hành vi của các chủ thể. Chỉ khi nào được đưa vào luật với ý nghĩa là các quyền nhân thân hoặc được pháp luật thừa nhận, các chủ thể trong xã hội mới có thể thực hiện các hành vi này mà không bị coi là vi phạm pháp luật ...

Cùng với các quy định của pháp luật về quyền nhân thân, phong tục, tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống cũng góp phần điều chỉnh hành vi của con người. Con người sống trong môi trường của cộng đồng dân cư nhất định cần tuân thủ những phong tục, tập quán hoặc các quan niệm về giá trị đạo đức truyền thống của nhân dân địa phương đó. Một cá nhân, khi thực hiện các hành vi đi ngược lại với các phong tục tập quán hay trái với các giá trị đạo đức truyền thống chắc chắn sẽ bị cộng đồng dân cư hoặc xã hội lên án.

Thứ ba, đều có tính phổ biến, được thực hiện nhiều lần trong đời sống xã hội và xu hướng phù hợp với tồn tại xã hội

Pháp luật nói chung, quyền nhân thân nói riêng và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống được đặt ra để thực hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại và cho nhiều chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh chứ không phải để cho một cá nhân hay một tổ chức nào thực hiện. Do vậy, quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống là các yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc, phản ánh và phù hợp với những giai đoạn phát triển và các điều kiện nhất định của xã hội.

3.2. Những điểm khác biệt

Quyền nhân thân và các phong tục, tập quán và giá trị đạo đức truyền thống là các khái niệm thuộc hai phạm trù khác nhau, nên giữa chúng tồn tại những điểm khác biệt rõ rệt, cụ thể như sau:

- Về nguồn gốc hình thành: Quyền nhân thân là một quyền nằm trong nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, hay chính là quyền dân sự của cá nhân. Đây là những xử sự được phép thực hiện của chủ thể mang quyền nhằm đem lại lợi ích cho bản thân mình. Những xử sự được phép này do Nhà nước ghi nhận dựa vào bối cảnh lịch sử và các điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Vì vậy quyền nhân thân có nguồn gốc từ Nhà nước, thể hiện ý chí nhà nước. Trong khi đó, phong tục tập quán, các giá trị đạo đức truyền thống do một một cộng đồng dân cư đặt ra, thể hiện ý chí của một cộng đồng dân cư ở một địa phương nhất định.

- Về hình thức thể hiện: Quyền nhân thân được thể hiện chủ yếu dưới hình thức cơ bản là các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như các quy định chung về quyền nhân thân được quy định tại Mục 2 Chương III “Cá nhân” trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Do hình thức ghi nhận cơ bản là thành văn nên các quy định về quyền nhân thân được thực hiện rộng rãi, có tính chính xác và tính thống nhất cao hơn. Còn phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống không có tính xác định rõ ràng về hình thức bởi nó có thể tồn tại dưới dạng thành văn hoặc bất thành văn, như có thể được ghi nhận trong các quy ước, hương ước của làng, xã hoặc lưu truyền bằng miệng qua nhiều đời…

- Về phạm vi tác động: Đối với quyền nhân thân, ngay trong định nghĩa về quyền nhân thân quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 đã chỉ ra phạm vi tác động này: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Bởi vì quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân trong xã hội, nên phạm vi tác động của nó bao trùm lên mọi cá nhân trong xã hội. Trong khi đó, phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống có thể chỉ tác động trong một cộng dân cư hoặc ở những vùng miền, địa phương nhất định.

- Về biện pháp bảo đảm thực hiện: Quyền nhân thân là quyền dân sự do Nhà nước quy định cho mỗi cá nhân, không cho phép bất cứ chủ thể nào làm thay đổi hay chấm dứt các quyền đó. Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước từ tuyên truyền, phổ biến giáo dục, thuyết phục cho đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, hoặc yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại (Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2005). Bên cạnh đó, Nhà nước có quy định các chế tài dân sự, hành chính, hình sự trong trường hợp các quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm. Còn phong tục tập quán có thể được bảo đảm thực hiện bằng dư luận xã hội, bằng sức thuyết phục và bằng các biện pháp cưỡng chế phi nhà nước.

4. Mối liên hệ giữa quyền nhân thân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống

Có thể khẳng định rằng, giữa quyền nhân nhân và phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống có mối liên hệ tác động qua lại với nhau. Phong tục tập quán là một phần trong việc hình thành và ghi nhận quyền nhân thân, còn quyền nhân thân là một trong những cơ sở giúp cho phong tục tập quán, các giá trị đạo đức truyền thống có sự phát triển toàn diện, phù hợp với xã hội. Cụ thể:

- Việc ghi nhận các quyền nhân thân của con người góp phần giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán và giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, lỗi thời

Pháp luật là công cụ điều chỉnh hành vi con người, ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ các giá trị con người. Qua quá trình phát triển, pháp luật thường có nhiều sự kế thừa, tiếp thu những giá trị văn minh nhân loại, ghi nhận và bảo vệ ngày càng nhiều các giá trị con người gắn với mỗi cá nhân. Những giá trị con người được ghi nhận trong phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống phù hợp hoặc không trái với quyền nhân thân trong pháp luật sẽ có điều kiện được giữ gìn và phát huy các bản sắc độc đáo, góp phần điều chỉnh hành vi con người.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, một số hủ tục lạc hậu, đi ngược với quyền lợi chính đáng của con người, vi phạm pháp luật vẫn còn tồn tại, được duy trì từ đời này qua đời khác trong một bộ phận dân cư. Do vậy, việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền nhân thân sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân về quyền và việc bảo vệ các quyền chính đáng của mình, từ đó tác động đến hành vi cá nhân và nhận thức của cộng đồng, dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, lỗi thời.

- Phong tục tập quán, các giá trị đạo đức truyền thống là một trong những công cụ bổ sung, hỗ trợ ghi nhận quyền nhân thân

Phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống chính là những quy tắc xử sự, thói quen sinh hoạt được hình thành từ lâu đời, đang tồn tại và được thừa nhận. Có nhiều phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống về nhân thân của con người, những quyền lợi gắn liền với nhân thân con người được thực hiện phổ biến trong đời sống xã hội hoặc trong những cộng đồng nhưng chưa được pháp luật ghi nhận. Vì vậy, thực tiễn những thay đổi về tình hình quan hệ xã hội hiện nay đòi hỏi pháp luật cần có sự ghi nhận và quy định phù hợp nhằm mở rộng và bảo vệ các quyền nhân thân đó.

- Phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống làm cơ sở và có sức mạnh chi phối đến việc thực hiện quyền nhân thân

Cụ thể, phong tục tập quán cũng như các giá trị đạo đức truyền thống có sức mạnh điều chỉnh một số quyền nhân thân nhất định. Do vậy, trong nhiều trường hợp, để thực hiện được một số quyền nhân thân trong thực tiễn không thể không tìm hiểu những nếp sống, tâm thức, thói quen xử sự của cộng đồng dân cư hoặc địa phương cần áp dụng.

5. Một số ảnh hưởng của phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tới việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền nhân thân ở Việt Nam hiện nay

Quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng trong BLDS và nhiều văn bản hướng dẫn đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển đã dạng và phức tạp thì quyền nhân thân của các cá nhân càng cần được ghi nhận và bảo vệ. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)[4] đã có nhiều thay đổi nhằm bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến các phong tục tập quán, giá trị đạo đức truyền thống hiện nay vẫn còn in đậm trong đời sống của người dân, tác động đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân, các quyền đó hoặc còn bỏ ngỏ hoặc được ghi nhưng có thể khó đạt hiệu quả như mong muốn nếu không có những giải pháp phù hợp.

- Ảnh hưởng của phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tới quyền chuyển đổi giới tính

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ ghi nhận quyền xác định lại giới tính, không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Do ảnh hưởng của nhận thức cũng như các giá trị đạo đức truyền thống hiện nay ở nước ta, tư tưởng của người dân cũng như xã hội vẫn chưa cởi mở hoàn toàn đối với các đối tượng chuyển giới vì thế quy định của điều luật vẫn hạn chế quyền nhân thân của đối tượng này. Trên thực tế việc chuyển giới đã và đang diễn ra mà không có sự kiểm soát của Nhà nước. Bản thân những người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như vấn đề việc làm, an sinh xã hội, bị chính gia đình, xã hội kỳ thị, bị cho rằng đi ngược lại với truyền thống văn hóa… Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, cho phép người mong muốn chuyển giới có quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính trong phần lớn người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn sẽ cần rất nhiều thời gian để thay đổi.

- Ảnh hưởng của phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tới quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Có thể thấy đây là một quyền mới, xuất phát từ nhu cầu của xã hội và điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay. Việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết là quyền của cá nhân, đồng thời thể hiện rõ mục đích hiến tặng đó vì lý do chữa bệnh và nghiên cứu khoa học. Quyền hiến xác, hiến các bộ phận cơ thể có ý nghĩa rất to lớn vì mục đích nhân đạo cũng như bảo đảm quyền sống cho con người. Tuy nhiên vì vấn đề phong tục tập quán, đạo đức truyền thống của dân tộc mà ở Việt Nam, tuy Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác năm 2006 đã ghi nhận quyền này nhưng vấn đề hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của con người sau khi chết chưa phổ biến, làm ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền được sống, quyền được đảm bảo về an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, bên cạnh việc tôn trọng những giá trị truyền thống, định hướng dư luận đến những giá trị tốt đẹp của quyền nhân thân này thì cũng cần loại bỏ những trở ngại từ tâm lý, trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, gạt bỏ những quan niệm truyền thống về sự sống và cái chết của con người, về sự vẹn toàn của thể xác sau khi chết… Đây cũng là một trong những trường hợp mà giữa phong tục tập quán và truyền thống đạo đức với pháp luật còn chưa giải quyết ổn thỏa, tạo ra những tình huống khó xử cho các cá nhân sau khi người thân của họ qua đời.

- Ảnh hưởng của phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tới quyền được chết

Trước đây, quyền này đã từng được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2005 nhưng cuối cùng chưa tạo ra được sự đồng thuận cao, do vậy chưa được ghi nhận. Nhiều quan điểm cho rằng, quyền được chết được hiểu là một quyền nhân thân của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được, hoặc đang trong tình trạng “đời sống thực vật” và không thể cứu chữa. Bản thân người có quyền không chối bỏ quyền được sống mà vì họ không còn đủ điều kiện đảm bảo sự sống. Do vậy, mục đích của quyền được chết cũng là mục đích nhân đạo và đã được ghi nhận trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề cong nhiều tranh luận trái chiều và đã không được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này chủ yếu là do sự phản đối của nhiều người khi coi nó trái với phong tục, đạo đức của dân tộc, đi ngược lại quan niệm truyền thống phương Đông. Do vậy, việc thay đổi quan niệm về phong tục tập quán, giá trị đạo đức truyền thống, nhất là khi liên quan đến sự sống và cái chết, thì không phải một sớm một chiều mà cần có nhiều thời gian và phụ thuộc phần lớn vào sự thay đổi chính trong tình cảm, đạo lý của mỗi người, mỗi gia đình.

- Ảnh hưởng của phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tới quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Ở nhiều nước trên thế giới, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó, các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp đặc biệt. Ở Việt Nam, quyền bí mật đời tư được quy định là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, quyền này thường khó được thực hiện và bảo vệ trong môi trường gia đình và trường học, nhất là giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái... Theo quan niệm truyền thống hiện còn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, người chồng, người cha là người có quyền lớn nhất trong gia đình, có thể can thiệp vào các việc thuộc về cá nhân, về đời sống riêng tư của vợ và con cái; hoặc cha, mẹ thường có ý muốn “kiểm soát” mọi hành vi, suy nghĩ và các quan hệ xã hội của con cái. Việc sử dụng hoặc công khai các thông tin về các thành viên khác trong gia đình nhiều khi được coi là mặc nhiên, có thể dẫn đến những thiệt hại về vật chất hoặc tổn hại về tinh thần cho họ. Hiện nay, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã ghi nhận quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình với mong muốn bảo vệ triệt để quyền của cá nhân, hạn chế việc sử dụng thông tin thuộc về đời sống riêng tư của các thành viên trong gia đình trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, cần có sự tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức của nhiều người trong việc tôn trọng về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Tóm lại, phong tục tập quán và các giá trị đạo đức được hình thành và duy trì trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam qua nhiều đời nay. Cùng với các quyền nhân thân được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan, các quyền khác của con người cùng các hành vi của họ cũng được phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống tham gia điều chỉnh. Do vậy, phong tục tập quán và các giá trị đạo đức truyền thống có ảnh hưởng rất lớn đến các quy định về quyền nhân thân cũng như việc áp dụng các quyền đó trong thực tế. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường với bối cảnh quốc tế biến động nhanh và phức tạp, chúng ta càng cần phải gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống, có sự nhận thức hợp lý và ghi nhận hài hòa, có sự giao thoa phù hợp giữa các quy định về quyền nhân thân và các vấn đề phong tục tập quán, giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật để kịp thời thể chế hóa trong quá trình hoàn thiện pháp luật. 

Nguyễn Văn Huy



[1] PGS.TS. Phùng Trung Tập, Phong tục, tập quán và áp dụng tập quán trong công tác xét xử án dân sự, http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=30320156252676495&MaMT=23, cập nhật ngày 30/3/2015.

[2] PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan, Hướng dẫn môn học Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2014, tr. 546.

[4] Bản Dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xem thêm »