Ngày 24/11/2015 vừa qua, Bộ luật dân sự năm 2015 mới được Quốc hội Việt Nam thông qua đã ghi nhận vấn đề chuyển đổi giới tính (Điều 37). Ngày 26/11/2015, trên Báo điện tử Người đưa tin tác giả Tiến Dũng có bài viết “Công nhận quyền chuyển đổi giới tính: Rồi sẽ đi về đâu?” . Theo đó, tác giả bày tỏ hai sự lo ngại dưới góc độ quan điểm tự nhiên (liệu người chuyển giới có khả năng sinh sản hay không, có nên can thiệp một cách trái tự nhiên vào con người) và quan điểm xã hội (quản lý nhà nước sẽ rắc rối hơn). Chúng tôi xin có một vài trao đổi lại với tác giả về vấn đề này.
Thứ nhất, truyền thống, văn hóa là những điều không thể thay đổi “một sớm một chiều”. Do vậy, cũng thật dễ hiểu nếu như có ai đó phản đối, cho rằng chuyển giới đi ngược lại tự nhiên.
Tuy nhiên, quyền của người chuyển giới là quyền tự nhiên của con người. Về sự công bằng trong quyền được sống và được tự do, người chuyển giới là người bình thường như mọi cá nhân khác trong xã hội có khả năng thực hiện các nghĩa vụ và được quyền hưởng các quyền bình đẳng, ngang bằng như những người khác. Một trong những quyền quan trọng nhất là quyền được công nhận và tôn trọng. Xã hội cần nhìn nhận người chuyển giới như người bình thường với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, không được phép miệt thị, xúc phạm hoặc coi họ như những bệnh nhân lệch lạc về tâm thần. Quyền tự nhiên cho rằng “con người sinh ra tự do”, trong đó, theo John Locke,[1] “tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kì cản trở nào”. Như vậy, quyền được công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới của mình và sống theo bản năng của xu hướng tính dục, bản dạng giới đó là một phần của tự do. Quan điểm trên của John Locke có hạn chế là đã đề cao quá mức tự do của cá nhân mà chưa chú ý đến lợi ích chung của toàn xã hội và các lợi ích hợp pháp của cá nhân khác. Song, nếu xét điều đó đối với đòi hỏi được công khai và được xã hội công nhận thì đòi hỏi này của người chuyển giới hoàn toàn không ảnh hưởng hay đe dọa đến bất kì lợi ích hợp pháp chung nào cả.
Thực tế cho thấy, người chuyển đổi giới tính sẽ không thay đổi được nhiễm sắc thể cũ của mình và sẽ không còn khả năng sinh sản. Tuy vậy, việc chuyển đổi giới tính hay không là do họ quyết định. Một khi đã thực hiện quy trình, nếu thành công thì bản thân họ đã xác định phải chịu những tác động tiêu cực do việc chuyển đổi giới tính gây ra. Điều quan trọng hơn là họ phải có quyền chính đáng mà họ cần có, để họ có thể có cơ sở thực hiện quyền tự nhiên của mình. Việc có sử dụng quyền đó hay không là quyền của họ. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của y học cũng như tư duy lập pháp, trong tương lai vấn đề mang thai hộ hoàn toàn có thể được mở rộng phạm vi. Ví dụ, một người chuyển giới có thể gửi tinh trùng/trứng của mình vào ngân hàng. Sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính họ có thể nhờ một người khác mang thai hộ (kết hợp trứng/tinh trùng của mình trong ngân hàng với tinh trùng/trứng của một người khác được xin trong ngân hàng lưu giữ). Từ đó, người chuyển giới có thể có con đẻ của mình.
Bản chất của yếu tố văn hóa, truyền thống mang tính bối cảnh, mang tính chính trị và vì vậy luôn biến đổi không ngừng. Chúng ta có thể tạo truyền thống mới và điều này diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi[3]. Chính vì vậy, không thể dùng truyền thống, văn hóa để biện minh cho sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chuyển giới. Việc thừa nhận vấn để chuyển giới cho thấy các nhà lập pháp đã nhìn nhận vấn đề dưới góc độ toàn diện và nhân văn hơn; tích cực hơn trong việc thừa nhận những yếu tố mới trong quá trình phát triển của quyền con người.
Thứ hai, xét về góc độ xã hội tác giả Tiến Dũng cho rằng việc đồng ý chuyển đổi giới tính càng khiến những việc như vậy càng rắc rối hơn. Khi xác minh giấy tờ, giả dụ như việc làm Chứng minh nhân dân, cơ sở nào có thể kiểm chứng giới tính của người đó? Vì chỉ xét bề ngoài thôi thì rất khó để phân định. Bên cạnh đó, tác giả còn lo ngại việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ gián tiếp thừa nhận hôn nhân đồng giới. Những lo ngại này là không chính xác bởi các lý do sau đây:
- Theo tinh thần của Bộ luật dân sự năm 2015 người chuyển giới phải tiến hành chuyển đổi giới tính thì mới được thay đổi hộ tịch, có các quyền nhân thân theo giới tính mới. Như vậy, có thể hiểu họ phải qua phẫu thuật thì mới được công nhận giới tính mới. Do đó, không thể có trường hợp một người nam “chỉ cần đội tóc giả, độn ngực, độn mông, trang điểm, ăn mặc nữ tính” (hoặc một người nữ ăn mặc, cử chỉ như nam giới) đến gặp cơ quan có thẩm quyền là có thể thay đổi giấy tờ hộ tịch của mình được.
- Quá trình chuyển đổi giới tính thực sự là một thử thách không nhỏ đối với ngay cả người chuyển giới. Quy trình tư vấn tâm lý, kiểm tra đời sống thực (sống thử như với giới tính mong muốn), phẫu thuật, điều trị hoc-môn đã làm không ít người chuyển giới trên thế giới bỏ cuộc. Bên cạnh đó, sẽ chỉ có một số ít cơ sở y tế được cho phép tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người chuyển giới. Từ đó, các cơ sở phẫu thuật “chui” khác nếu có tiến hành cũng không có giá trị. Do vậy, nếu lo ngại việc lạm dụng quyền chuyển đổi giới tính tràn lan là không thực sự có cơ sở.
- Nếu một người đã chuyển đổi giới tính, được công nhận giới tính mới thì việc họ kết hôn với một người có cùng giới tính cũ (nhưng khác với hiện tại) không phải là hôn nhân đồng giới. Khi đó, hôn nhân của họ là hôn nhân khác giới, như bao cặp đôi dị tính khác. Bản thân họ đã được thừa nhận giới tính mới nên họ hoàn toàn có các quyền mà pháp luật đang ghi nhận. Do vậy, đây không phải là bước đệm để ban hành Luật về đồng giới. Vấn đề hôn nhân cùng giới hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính. Bản thân Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay cũng chưa thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.
Có thể thấy, mặc dù Bộ luật dân sự 2015 đã ghi dấu ấn với vấn đề chuyển đổi giới tính nhưng thực sự vẫn còn một số băn khoăn nhất định. Nếu so với các quyền khác trong Mục Quyền nhân thân thì các quyền khác đều được ghi nhận là “quyền” trong tên Điều luật. Trong khi đó, chỉ duy nhất vấn đề chuyển đổi giới tính tại Điều 37 là chưa kèm theo từ “quyền”. Bản thân nội dung Điều 37 cũng chưa rõ ràng và mới chỉ quy định chung là “thực hiện theo quy định của luật”. Do vậy, sẽ còn rất nhiều vấn đề tiếp tục thảo luận trong quá trình cụ thể hóa Bộ luật dân sự thời gian tới./.
Nghiên cứu sinh Trương Hồng Quang (Bộ Tư pháp)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả