Quyền con người, hay nhân quyền, là một giá trị cơ bản và quan trọng của nhân loại. Đó là thành quả của sự phát triển lịch sử, là đặc trưng của xã hội văn minh. Quyền con người cũng là một quy phạm pháp luật, đương nhiên nó đòi hỏi tất cả mọi thành viên của xã hội, không loại trừ bất cứ ai, đều có quyền và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền và tự do của mọi người.
Được chính thức pháp điển hóa trong luật quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền con người đã trở thành một hệ thống các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế có tính chất bắt buộc với mọi quốc gia, và việc tôn trọng, bảo vệ các quyền con người đã trở thành thước đo về trình độ văn minh của các nước và các dân tộc trên thế giới.
Ở Việt Nam, kể từ khi giành độc lập năm 1945, việc phổ biến và giáo dục nhân quyền ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 được coi là một văn kiện có tính lịch sử trên phương diện quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở đó, quyền con người đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp nước ta: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Là một phạm trù đa diện, song quyền con người có mối liên hệ gần gũi hơn cả với pháp luật. Điều này trước hết là bởi cho dù quyền con người có là bẩm sinh, vốn có (nguồn gốc tự nhiên) hay phải do các nhà nước quy định (nguồn gốc pháp lý), thì việc thực hiện các quyền vẫn cần có pháp luật [1]. Hầu hết những nhu cầu vốn có, tự nhiên của con người (các quyền tự nhiên) không thể được bảo đảm đầy đủ nếu không được ghi nhận bằng pháp luật, mà thông qua đó, nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các quyền không phải chỉ tồn tại dưới dạng những quy tắc đạo đức mà trở thành những quy tắc ứng xử chung, có hiệu lực bắt buộc và thống nhất cho tất cả mọi chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, quyền con người gắn liền với các quan hệ pháp luật và là một phạm trù pháp lý.
Thực tế cho thấy, với tư cách là chủ thể của pháp luật, con người – cùng với quyền, tự do và nghĩa vụ, những thuộc tính xã hội gắn liền với nó – luôn là đối tượng phản ánh của các hệ thống pháp luật. Pháp luật xác lập và bảo vệ sự bình đẳng giữa các cá nhân con người trong xã hội và sự độc lập tương đối của các cá nhân với tập thể, cộng đồng, nhà nước, thông qua việc pháp điển hóa các quyền và tự do tự nhiên, vốn có của cá nhân. Theo nghĩa này, pháp luật có vai trò đặc biệt, không thay thế trong việc ghi nhận, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Vai trò của pháp luật với quyền con người thể hiện ở những đặc điểm như sau:
- Pháp luật là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc thực hiện bảo vệ quyền con người, thể hiện ở các quy định về quyền con người trong pháp luật được đảm bảo bằng bộ máy, cách thức tác động quyền lực của Nhà nước [2]. Nhà nước sử dụng các biện pháp cưỡng chế trên cơ sở giáo dục, thuyết phục bảo đảm cho quyền con người được thực hiện và bảo vệ, nhờ đó mọi hành vi vi phạm về quyền con người đều có khả năng bị phát hiện và xử lý.
- Pháp luật là phương tiện chính thức hóa, pháp lý hóa giá trị xã hội của các quyền tự nhiên. Về nguyên tắc, các nhà nước trên thế giới chỉ bảo đảm thực hiện những quyền pháp lý – tức là có nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Như vậy, chỉ khi mang tính pháp lý, các quyền tự nhiên mới chuyển thành những quyền con người có đầy đủ giá trị hiện thực. Pháp luật chính là phương tiện để thực hiện quá trình chuyển hóa đó.
- Pháp luật là phương tiện đảm bảo giá trị thực tế của các quyền con người vì chỉ khi được quy định trong pháp luật, việc tuân thủ và thực hiện các quyền con người mới mang tính bắt buộc với mọi chủ thể trong xã hội. Pháp luật đóng vai trò là công cụ giúp Nhà nước bảo đảm sự tuân thủ, thực thi các quyền con người của các chủ thể khác nhau trong xã hội, đồng thời cũng là công cụ của các cá nhân trong việc bảo vệ các quyền con người của chính họ thông qua việc vận dụng các quy phạm và cơ chế pháp lý quốc gia và quốc tế có liên quan.
Thực tế cho thấy, tư tưởng đề cao pháp luật, coi pháp luật là phương tiện hữu hiệu để bảo đảm các quyền con người đã được khẳng định từ rất sớm. Từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, một vị vua vĩ đại của xứ Babylon là Hammurabi (1810 – 1750 TCN) đã tuyên bố rằng, mục đích của ông trong việc ban hành đạo luật cổ nổi tiếng (mang tên ông) là để “…ngăn ngừa những kẻ mạnh áp bức người yếu” [3]. Vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, một nhiếp chính quan La Mã là Arokhont Salon đã tuyên bố ý định giải phóng cho tất cả mọi người bằng quyền lực của pháp luật, bằng sự kết hợp sức mạnh với pháp luật. Trong giai đoạn sau này, tư tưởng đề cao pháp luật với việc bảo đảm quyền con người cũng được phát triển nhiều bởi nhà tư tưởng nổi tiếng của nhân loại, và được chứng minh bằng sự ra đời của ngày càng nhiều các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền và tự do của con người, từ Đại Hiến chương Magna Carta (the Magna Carta, 1251), Bộ luật về các quyền (the Bill of Rights, 1689) của nước Anh; Tuyên ngôn về các quyền của con người và của công dân (the Declaration of the Rights of Man and of the Citizen, 1789) của nước Pháp; Tuyên ngôn Độc lập (the Declaration of Independence, 1776) và Bộ luật về các quyền (the Bill of Rights, 1789/1791) của Mỹ cho tới Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 và hệ thống đồ sộ hàng trăm văn kiện quốc tế về quyền con người do Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác thông qua từ đầu thế kỷ XX đến nay. Tất cả đã cho thấy vai trò không thể thay thế của pháp luật trong việc bảo đảm các quyền con người.
Nguyễn Hương
Tài liệu tham khảo:
[1] Thế Ngọc Mai (2014), Quyền con người và giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ Luật học, Hà Nội.
[2] Nguyễn Quang Hiền (2004), “Pháp luật – phương tiện quan trọng bảo vệ quyền con người”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 01/2004.
[3] Nguyễn Đăng Dung – Vũ Công Giao – Lã Khánh Tùng (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Và một số tài liệu nước ngoài: Antonio Cassese (2005), International Law (Chapter 19) (second edition), Oxford University Press; Todd Landman (2006), Studying human rights, Routledge, London & New York…