Hoàn thiện quy định của pháp luật về kiểm soát biên giới bảo vệ quyền SHTT của cơ quan Hải quan

14/01/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Hải quan được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, có nội dung liên quan đến công tác kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan Hải quan có những sự thay đổi, được làm rõ hơn để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển của ngành Hải quan trong những năm tiếp theo.

 

1. Khái quát chung về công tác kiểm soát biên giới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của cơ quan Hải quan

1.1. Các biện pháp bảo vệ quyền SHTT

Đối với từng quốc gia, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội và để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thì cần có cơ chế pháp lý đồng bộ bảo vệ có hiệu quả các quyền SHTT trong quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hoá nhằm xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Việc sử dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT chính là nội dung của việc bảo vệ quyền SHTT.

Trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, theo phạm vi và nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan Nhà nước theo Luật định, các cơ quan sẽ áp dụng một số biện pháp như sau:

a) Biện pháp dân sự

Đây là các biện pháp do cơ quan Tòa án áp dụng để giải quyết các tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân liên quan đến quyền SHTT, bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính, công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

Ngoài ra cơ quan Tòa án còn có quyền được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá bao gồm: Thu giữ; Kê biên; Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; Cấm chuyển dịch quyền sở hữu. 

b) Biện pháp hình sự

Đây là biện pháp được cơ quan Tòa án áp dụng để xử lý cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm. Theo nội dung tại Điều 171- Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009 thì: “ Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: có tổ chức; phạm tội nhiều lần. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

c) Biện pháp hành chính

Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm xử lý tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm: xâm phạm quyền SHCN gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT; sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Biện pháp kiểm soát biên giới như đã nêu ở phần mở đầu, tuy nằm trong biện pháp hành chính nhưng do tính chất, tầm quan trọng và hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này mà Pháp luật SHTT có quy định và hướng dẫn riêng. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT do cơ quan Hải quan thực hiện theo quy định của Hiệp định TRIP’s, Luật SHTT, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

1.2. Biện pháp kiểm soát biên giới của cơ quan Hải quan 

Trên cơ sở các quy định của Pháp luật, các biện pháp kiểm soát biên giới mà ngành Hải quan đang áp dụng được xác định bao gồm:

a) Tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT

Là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

b) Kiểm tra hải quan, giám sát hải quan để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT

Là biện pháp kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ liên quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền SHTT nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục Hải quan. Việc kiểm soát biên giới của cơ quan Hải quan thực hiện có một số đặc điểm cơ bản như sau:

-  Đây là hoạt động đặc thù của ngành Hải quan và chỉ có cơ quan Hải quan là cơ quan duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện công việc này.

-  Việc tạm dừng làm thủ tục Hải quan về bản chất đó là việc kéo dài thời gian làm thủ tục hải quan, giống như các trường hợp kéo dài thời gian làm thủ tục hải quan mà cơ quan Hải quan đang áp dụng như tạm giải phóng hàng chờ kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên khác với những trường hợp kéo dài thời gian làm thủ tục Hải quan khác, việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT thực hiện trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của một cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước, mục đích của việc tạm dừng là để thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể quyền SHCN, không chỉ thuần túy là bảo vệ lợi ích quản lý Nhà nước .

- Trình tự tiến hành áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới do cơ quan Hải quan cũng có sự khác biệt nhau về quy trình, thủ tục và cách thức thực hiện trên thực tế. Đồng thời so với các quy trình thủ tục hải quan khác, quy trình áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới cũng có sự khác biệt. Ví dụ việc tạm dừng làm thủ tục Hải quan có đặc thù riêng, không giống với các quy trình thủ tục Hải quan khác, theo đó chủ thể quyền SHTT muốn tạm dừng phải nộp khoản tiền đảm bảo theo quy định, nếu muốn kéo dài thời gian tạm dừng phải nộp thêm tiền đảm bảo, các bên có liên quan có quyền chủ đông phối hợp với cơ quan Hải quan kết thúc thời hạn tạm dừng trước ngày hết hạn…

2. Những nội dung trọng tâm của Luật Hải quan

Việc ban hành Luật mới thay thế cho các Luật Hải quan năm 2001, năm 2005 thể hiện yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, hiện đại hóa hải quan và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế cũng như yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, từ đó góp phần  nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Nội dung cơ bản của Luật Hải quan 2014 tập trung vào ba nhóm vấn đề cơ bản sau : Một là, vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Hai là, vấn đề về tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Ba là, vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển ngành hải quan.

Các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nằm trong nhóm nội dung cơ bản thứ hai, liên quan đến vấn đề tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế. Đồng thời những nội dung này cũng là để đáp ứng và chuẩn bị cho việc triển khai các chương trình hợp tác, thỏa thuận thương mại mà Việt Nam chúng ta đang đàm phán tham gia và chuẩn bị ký kết như: Hiệp định hợp tác xuyên châu Á- Thái Bình Dương (TTP), Hiệp định thương mại với liên minh hải quan Nga-Bêlarus- Kazactan, Hiệp định về xây dựng cộng đồng chung ASEAN...

2.1. Luật hóa các quy định về thủ tục thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Nếu trong Luật Hải quan năm 2001 và năm 2005 mới chỉ đưa ra các nguyên tắc, quy định về thủ tục ở mức độ tối giản nhất và sau đó được thể hiện ở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học công nghệ thì Luật Hải quan 2014 đã luật hóa chi tiết và cụ thể về các điều kiện và thủ tục liên quan đến việc yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan, tạm dừng làm thủ tục hải quan do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan hải quan thực hiện. Đồng thời Luật cũng không có quy định về việc Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành, điều này có nghĩa là sau khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết. Những điều trên sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có cách hiểu thống nhất, minh bạch cũng như tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan Hải quan các cấp khi thực hiện trách nhiệm của mình.

2.2. Quy định rõ về phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Hiệp định TRIP’s, Điều 60 có quy định về trường hợp có thể không áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu với số lượng nhỏ là hành lý cá nhân hoặc hàng gửi với số lượng nhỏ. Tại khoản 3, điều 57 Luật Hải quan năm 2005 đã có quy định về việc không áp dụng tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với vật phẩm không mang tính thương mại. Tuy nhiên sau khi Luật hải quan năm 2005 có hiệu lực thi hành thì chưa có hướng dẫn nào làm rõ nội dung “vật phẩm không mang tính thương mại” là như thế nào? Khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan năm 2014 đã khắc phục tồn tại này bằng việc quy định rõ những loại hình xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc phạm vi áp dụng các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế.

2.3. Quyền chủ động của cơ quan hải quan trong việc tạm dừng làm thủ tục hải quan khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Quyền chủ động ( hay còn gọi là hành động mặc nhiên) với thuật ngữ pháp lý là ex-officio nêu tại Điều 58 Hiệp định TRIP’s là nội dung thường gây tranh cãi và có cách hiểu chưa thống nhất tại Việt Nam giữa các nhà làm luật, cơ quan hải quan, chủ thể quyền sỡ hữu trí tuệ và các tổ chức quốc tế trong quá trình áp dụng biện pháp kiểm soát để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Về nguyên tắc, có thể hiểu quyền chủ động là việc cơ quan hải quan sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan (trong đó có việc kiểm tra thực tế hàng hóa, tạm giữ hàng hóa) mà không cần phải có yêu cầu tạm dừng của chủ thể quyền nếu hàng hóa đó có đầy đủ dấu hiệu là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung này lần đầu tiên đã được cụ thể hóa tại khoản 2, điều 76, Luật Hải quan 2014.

2.4. Luật hóa và kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Trước khi Luật Hải quan năm 2014 được ban hành, thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ. Thời hạn đó được xác định là 01 năm kể từ ngày cơ quan hải quan chấp nhận đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát và được kéo dài thêm 01 năm nữa. Theo hướng dẫn mới tại Luật hải quan năm 2014 thì thời hạn này đã được quy định vào luật và được tăng lên là 02 năm kể từ ngày cơ quan hải quan chấp nhận đơn và được gia hạn thêm 02 năm nữa. Quy định này góp phần tạo điều kiện cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, phối hợp cũng như hỗ trợ cho cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

3. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến cơ chế kiểm soát biên giới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

3.1. Phương hướng hoàn thiện

Nhằm mục đích đảm bảo việc triển khai các quy định của Luật Hải quan năm 2014 cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong công tác kiểm soát biên giới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan trong thời gian tới cần hoàn thiện để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền SHTT tại biên giới theo hướng:

Thứ nhất, nâng cao được vai trò của lực lượng hải quan, tăng được tính chủ động cho lực lượng hải quan trong vai trò giám sát để phát hiện, điều tra, bắt giữ và xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT (Quyền hành động mặc nhiên);

 Thứ hai, việc triển khai phải phù hợp với xu hướng hiện đại hóa của ngành, đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát trong quá trình triển khai thủ tục hải quan điện tử và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính;

 Thứ ba, có các chế tài ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị trong việc xử lý, đấu tranh và xử lý hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.

3.2. Một số kiến nghị cụ thể

 Thứ nhất, kiểm soát biên giới hàng hóa quá cảnh có nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo.

Đây là những nội dung thường gây ra tranh chấp giữa cơ quan Hải quan, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và người làm thủ tục hải quan về cách hiểu và cách xử lý trên thực tế. Trước đây Luật Hải quan năm 2005 cũng đã loại trừ không áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, điều này có thể hiểu là đối với hàng quá cảnh nếu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, cơ quan hải quan cũng sẽ  không bắt giữ và xử lý theo yêu cầu của chủ thể quyền. Điều này là có cơ sở vì bản chất của hàng quá cảnh là không thâm nhập hoặc tiêu thụ vào Việt Nam, do vậy không gây thiệt hại cho chủ thể quyền hoặc người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hàng hóa quá cảnh còn thực hiện theo các Hiệp định quốc tế về quá cảnh mà Việt Nam đã ký với các quốc gia láng giềng (trong các hiệp định này cũng không đề cập đến việc quản lý hoặc xử lý hàng quá cảnh là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả).

Tuy nhiên, do Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 và trước đây là Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 của Chính phủ ( văn bản này được xây dựng trên cơ sở Luật SHTT 2005 và 2009) vẫn có quy định về xử phạt VPHC đối với hàng hóa quá cảnh là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên việc kiểm soát, xử lý hàng quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được đề cập đến. Nội dung quy định lần này tại Luật Hải quan 2014 đã xác định rõ việc loại trừ không áp dụng thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan, tức là không xem xét xử lý đối với hàng hóa quá cảnh trong trường hợp chỉ có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả. Trên thực tiễn thì đối với trường hợp này, hải quan Việt Nam nên áp dụng cơ chế trao đổi hoặc cung cấp thông tin cho chủ thể quyền hoặc cơ quan hải quan nơi đích cuối cùng của hàng hóa để tiến hành việc bắt giữ và xử lý là hợp lý nhất.

Thứ hai, xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo là hàng hóa xuất khẩu.

 Đối với vấn đề kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Luật Hải quan năm 2005 và năm 2014 cũng như Luật Sở hữu trí tuệ đều có quy định cho phép cơ quan Hải quan được quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới theo yêu cầu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu phát hiện hàng hóa xuất khẩu là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan có quyền trực tiếp xử lý không ? đồng thời việc quy định như vậy có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không.

Trên thực tế, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ cũng đã quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, nhưng chỉ xem xét xử lý khi đáp ứng những yêu cầu nhất định. Việc xử lý cũng phải tính đến nguyên tắc ưu đãi quốc gia trong việc áp dụng các nguyên tắc kiểm soát biên giới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như thực tế là nhãn hiệu đó nếu không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam thì việc sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu sẽ không bị coi là bất hợp pháp. Trong các phiên đàm phán gia nhập TTP cũng như các hiệp ước thương mại khác, Việt Nam và các nước tham gia đàm phán cũng đều nhất trí là không áp dụng kiểm soát biên giới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia thành viên.

Thứ ba, thực hiện quyền chủ động trong việc kiểm tra hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 58 Hiệp định TRIP’s quy định rằng các quốc gia thành viên có thể cho phép các cơ quan có thẩm quyền chủ động hành động đình chỉ thông quan hàng hóa mà các cơ quan đó có chứng cứ hiển nhiên về sự xâm phạm quyền SHTT. Tại khoản 4 Điều 216 Luật SHTT năm 2005 cũng quy định “ Trong quá trình thực hiện biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu phát hiện hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật này”.

Với các quy định như trên có thể hiểu rằng cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện việc kiểm soát biên giới, nếu có cơ sở nghi ngờ hàng hóa đó là hàng giả mạo về SHTT (bao gồm hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan) thì có quyền được áp dụng các biên pháp như khám xét phương tiện, khám xét hàng hóa hoặc tạm giữ phương tiện, hàng hóa để làm cơ sở cho việc xử lý theo quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên việc giải thích nội dung Điều 216 này cũng chưa được làm rõ trên thực tế, gây lúng túng cho việc vận dụng để phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành Hải quan như: cơ quan hải quan sẽ phải làm như thế nào ? cách thức và quy trình thực hiện ra sao ? cơ chế đảm bảo cho việc xử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xử lý của cơ quan hải quan ?

Thời gian qua trong hoạt động của cơ quan hải quan cũng đã có một số vụ việc có thể đánh giá là Hải quan Việt nam đã thể hiện được phần nào quy định của Hiệp định TRIP’s về quyền hành động mặc nhiên trong việc phát hiện và xử lý hàng hóa nhập khẩu là hàng giả mạo về nhãn hiệu, đặc biệt là trong một số trường hợp nhãn hiệu hàng hóa chưa đăng ký bảo vệ tại cơ quan Hải quan. Khi gặp những trường hợp này, cơ quan hải quan đã chủ động tra cứu tại thư viện số về SHTT tại Cục SHTT để xác định nhãn hiệu này đã đăng ký tại Việt Nam hay chưa. Trường hợp nếu nhãn hiệu này đã đăng ký tại Việt Nam và có thông tin để có thể tìm được chủ thể quyền hoặc người đại diện, cơ quan hải quan đã chủ động trao đổi với các Hiệp hội, tổ chức đại diện, cơ quan thương mại để tìm được người đại diện hoặc chủ nhãn hiệu đó. Trên cơ sở thông tin cung cấp, cơ quan hải quan đã thông báo và cung cấp thông tin, hình ảnh về đối tượng hàng hóa có nghi ngờ xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Sau khi đã được xác nhận từ chủ nhãn hiệu, các bên liên quan đã phối hợp với nhau để tiến hành xử lý theo quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên xét về mặt khách quan đây mới chỉ là những vụ việc cụ thể và phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan, tinh thần tự giác của cán bộ thụ lý trực tiếp, chưa có sự hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành cũng như chưa có sự nghiên cứu, đánh giá tham khảo để có thể học tập kinh nghiệm xử lý của một số Hải quan các nước trên thế giới. Đồng thời bên cạnh đó cũng phải đặt ra trường hợp nếu cơ quan Hải quan đã thông báo mà các chủ thể quyền này không có ý kiến phản hồi lại thì cơ quan Hải quan sẽ  phải xử lý như thế nào ?

Quyền chủ động là một trong những nội dung mới được đưa vào Luật Hải quan năm 2014. Đây là một trong những nội dung mới rất đáng lưu ý và cũng rất cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để có cách hiểu và vận dụng thống nhất, chính xác theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong việc bảo về quyền hợp pháp của mình. Tuy nhiên cũng giống như quy định tại Luật SHTT 2005 và 2009 nội dung này thể hiện tại Luật Hải quan 2014 còn chưa thật sự rõ ràng mà vẫn còn mang tính chung chung. Do vậy, để đảm bảo cho việc áp dụng nội dung này trên thực tế, cần có hướng dẫn cụ thể tập trung vào những vấn đề như: thời điểm áp dụng quyền chủ động trong quá trình làm thủ tục hải quan, điều kiện để áp dụng, những công việc mà cán bộ hải quan phải thực hiện khi đã chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với 01 lô hàng cũng như cách thức phối hợp giữa các lực lượng hải quan trong việc xử lý, điều tra xác minh sau khi đã tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Thứ tư, việc áp dụng biện pháp can thiệp đột xuất trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Triển khai hệ thống thông quan tự động VNACS đặt ra những vấn đề cần phải có sự hướng dẫn để có thể đáp ứng yêu cầu kiểm soát biên giới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, điều này xuất phát từ thực tế là việc áp dụng VNACS sẽ thay đổi cơ bản phương thức kiểm soát biên giới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà ngành hải quan đang thực hiện.

Nếu như trước đây việc kiểm tra khai báo, thông quan hàng hóa do cán bộ hải quan thực hiện thì hiện nay việc này do hệ thống tự đánh giá và quyết định, đặc biệt là đối với hàng hóa được phân luồng xanh. Điều này đòi hỏi phải xây dựng và áp dụng một cách có hiệu quả các tiêu chí quản lý rủi ro về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trên thực tế thì việc áp dụng là không có khả thi, điều này xuất phát từ đặc thù của một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là nó được thể hiện trên hàng hóa chứ không phải là hàng hóa. Ví dụ như vấn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, hệ thống chỉ phát hiện nếu như người khai hải quan khai báo trên hệ thống chính xác về nhãn hiệu của hàng hóa, tuy nhiên nội dung này không phải là yêu cầu bắt buộc trong việc khai báo, đồng thời cách thức xây dựng tiêu chí và áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro của hệ thống chỉ đạt hiệu quả cao nhất là áp dụng đối với hàng hóa được đưa vào một mã HS cụ thể hoặc áp dụng đối với những đối tượng doanh nghiệp trọng điểm. Đồng thời vấn đề đặt ra ở đây là nếu đang trong quá trình xử lý của hệ thống thì có áp dụng được thủ tục thông báo về hàng có nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyết định tạm dừng làm thủ tục thông quan không?

Vì vậy, để có thể đảm bảo được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả, cần có quy định cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp can thiệp đột xuất đối với hàng hóa có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp phát hiện nghi vấn về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trước khi áp dụng thủ tục thông báo, quyết định tạm dừng. Điều này sẽ đảm bảo được cho việc chủ động của cơ quan hải quan trong việc điều tra, xác minh cũng như sẽ tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa cơ quan hải quan và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

                                       Đoàn Thị Ngọc Hải

                                  Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

 

 Danh mục tài liệu tham khảo

1. Xem:  Hiệp định TRIP’s về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;

2. Xem: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

3. Xem: Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;

4. Xem: Luật Hải quan năm 2014;

5. Xem: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ cũng đã quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Xem thêm »