Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

26/10/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23 tháng 10 năm 2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Theo đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quản lý công báo và phục vụ các hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bao gồm cả các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý văn thư - lưu trữ và công tác quản trị nội bộ của Văn phòng. Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Theo Thông tư liên tịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có 11 nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể tại Điều 2 của Thông tư.

Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Kinh tế; Phòng Khoa giáo - Văn xã; Phòng Nội chính; Phòng Hành chính - Tổ chức; Phòng Quản trị - Tài vụ; Ban Tiếp công dân tỉnh; Phòng đặc thù.

Đối với địa phương không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chưa đủ tiêu chí thành lập Ban Dân tộc thì thành lập Phòng Dân tộc hoặc bố trí công chức chuyên trách làm công tác dân tộc thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài các Phòng nói trên, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập thêm không quá 02 Phòng; riêng Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập thêm không quá 03 Phòng.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc như Nhà kháchĐơn vị sự nghiệp khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.

Biên chế công chức, số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cấp có thẩm quyền giao.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2015, thay thế Thông tư liên tịch số 02/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 28 tháng 01 năm 2011 của Vặn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định trước đây trái với Thông tư liên tch này.

Xem thêm »