Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Cần sớm sửa đổi Nghị định 15/2014/NĐ-CP để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, Ngày 27/02/2014 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Từ đó hoạt động hòa giải cơ sở tiếp tục có nhiều khởi sắc, các tổ hòa giải ngày càng được củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hòa giải viên trong việc tìm hiểu pháp luật và thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.Nhìn chung Nghị định 15/2014/NĐ-CP đã đáp ứng cơ bản được yêu cầu tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở, và áp dụng đúng tinh thần của Luật hòa giải vào công tác Hòa giải ở cơ sở, Nghị định đã hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu nhất về các vấn đề trọng tâm cần được hướng dẫn, trong đó vấn đề được đặc biệt quan tâm và cần thiết nhất đối với các hòa giải viên là xác định được phạm vi hòa giải của mình, những vụ việc đó có được phép hòa giải hay không? thì Nghị định 15/2014/NĐ-CP đã hướng dẫn rõ ràng chi tiết về nội dung này.
Tại Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định như sau:
“Điều 3. Phạm vi hòa giải ở cơ sở: 1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật. 2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Để hướng dẫn cụ thể cho điều này tại Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết như sau:
“Điều 5. Phạm vi hòa giải ở cơ sở:
1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây: a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác); b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn; d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây: Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính; g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
2. Không hòa giải các trường hợp sau đây: a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này; d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này; đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Ngày 27/11/2015 Quốc hội khóa XIII ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 thì một số quy định trên không còn phù hợp đối với các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm sửa đổi bổ sung 2015 do đó có những mâu thuẫn tranh chấp vi phạm pháp luật sau đây cần được sửa đổi bổ sung:
1. Đối với những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật: Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về “Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự”, theo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015 thì quy định cụ thể tại Điều 157 và nội dung là “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự” trong đó nội dung cũng có sự thay đổi như bổ sung thêm khoản 8 với nội dung “Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố”.
2. Đối với những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật: Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại”, theo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015 thì quy định tại điều 155. Ngoài thay đổi về điều khoản thì nội dung tại quy định này cũng có sự thay đổi:
Tại khoản 1 Điều 105 bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định “….người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”; còn tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015 thì đối tượng có được bổ sung là người đại diện hợp pháp của người bị hại đã chết và quy định rõ hơn về người chưa thành niên cụ thể “…..người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
3. Đối với những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật: Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về đình chỉ điều tra như sau: “2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Theo Bộ luật tố tụng hình sự năm sửa đổi bổ sung năm 2015 lại dành riêng một điều (Điều 229) để quy định về nội dung này;
- Tương tự như vậy, tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án cụ thể “1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự”. Trong khi đó theo Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 thì việc đình chỉ hoặc tạm đình vụ án cũng quy định riêng tại 2 điều luật, đối với nội dung đình chỉ vụ án được quy định tại Điều 248.
Từ những nội dung trên đối chiếu Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về điều khoản và nội dung đều có sự thay đổi, chính vì vậy từ ngày 01/7/2016 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thì tất cả các văn bản pháp luật khác dẫn chiếu quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2003 cần phải được sửa đối bổ sung cho phù hợp với pháp luật mới, khi bộ luật tố tụng dân sự năm 2003 đã hết hiệu lực (01/7/2016) thì các văn bản pháp luật khác mà có điều khoản dẫn chiếu bộ luật này không thể tiếp tục thực hiện.
Vì vậy, để đảm bảo thi hành hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhất là việc xác định phạm vi hòa giải theo đúng căn cứ pháp luật, đúng nội dung tinh thần của bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015 và đảm bảo thống nhất chung của các quy định của pháp luật, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.
Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003
Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015
Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố”.
Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức
Điều 164. Đình chỉ điều tra
1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.
2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan.
Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.
Điều 230. Đình chỉ điều tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.
Điều 169. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự.
2. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:
……………
Điều 248. Đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.
2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Vũ Ngân