Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Thi hành án dân sự và yêu cầu bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong những phương hướng cơ bản và tôn trọng, thượng tôn pháp luật là nguyên tắc mang tính nền tảng cho các hoạt động tổ chức và quản lý xã hội. Hiến pháp năm 2013, bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã dành nhiều quy định thể hiện sâu sắc và toàn diện nguyên tắc này trên tất cả các phương diện hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân như các quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 8, Điều 46, Điều 79 hay Điều 115.
Có thể nói, trong thực tiễn, vị trí thượng tôn của pháp luật chỉ có thể đạt được khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và được các tổ chức, cá nhân tuân thủ một cách nghiêm túc, triệt để. Pháp luật nghiêm minh là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, ổn định, qua đó, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân vào lẽ phải, lẽ công bằng, sự tiến bộ và tính ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, còn xảy ra xung đột trên các lĩnh vực như lao động, đất đai, môi trường, tài nguyên... Tòa án, thiết chế có nhiệm vụ bảo vệ công lý, là một cơ chế hữu hiệu có thể giúp giải quyết thỏa đáng, kịp thời, triệt để những mâu thuẫn, xung đột, hướng mọi thành viên xã hội vào yêu cầu tôn trọng lợi ích của nhau trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, hoạt động xét xử của tòa án là hoạt động trực tiếp bảo vệ tính thiêng liêng và hiệu lực của pháp luật.
Thi hành bản án, quyết định dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) không những góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ những quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương; cụ thể như góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong những ngày đầu của Nhà nước cách mạng, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, hoạt động THADS đã sớm trở thành công cụ quan trọng của chính quyền nhân dân và được quy định ngay tại Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946, Sắc lệnh số 130/SL ngày 19-7-1946 và Sắc lệnh số 85-SL ngày 22-5-1950. Tầm quan trọng của hoạt động THADS trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN tiếp tục được khẳng định thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 và năm 1981, Pháp lệnh THADS năm 1989, năm 1993 và năm 2004, Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và năm 2015. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tầm quan trọng của hoạt động THADS trong đời sống xã hội tiếp tục được ghi nhận tại các văn bản chính trị - pháp lý cao nhất như Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 (Điều 106).
NHÌN lại 70 năm xây dựng và trưởng thành của hoạt động THADS (19-7-1946 - 19-7-2016), ngành tư pháp nói chung, hệ thống THADS nói riêng hoàn toàn có thể tự hào về chặng đường đầy gian khó để có thể xác định cho mình một chỗ đứng, một vị thế, một mô hình tổ chức phù hợp, phản ánh đúng vị trí, vai trò, đồng thời phát huy hiệu quả của hoạt động THADS trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Những thành tựu nổi bật cần phải kể đến, đó là hành lang pháp lý trên các mặt công tác THADS ngày càng đầy đủ, toàn diện; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được kiện toàn, từng bước ngang tầm với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp hơn với tổ chức bộ máy của hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương tới địa phương; trụ sở, kho vật chứng, trang thiết bị làm việc ngày càng đầy đủ, thể hiện vị thế của cơ quan bảo vệ pháp luật, và đặc biệt là kết quả THADS về việc và về tiền cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao và có xu hướng bền vững qua các năm. Cụ thể, năm 2015, trong số 599.436 việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%. Về tiền, trong số 56.342 tỷ đồng có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 42.819 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76%. Trong giai đoạn 2011-2015, so với năm đầu nhiệm kỳ 2011, số thi hành xong của năm 2015 tăng 153.995 việc, bằng 40,52% và tăng 32.651 tỷ đồng, bằng 321%.
Tuy nhiên, hoạt động THADS cũng còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn như tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn cao; một số lượng án có điều kiện nhưng chưa tổ chức thi hành xong; số không có điều kiện thi hành án, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số tiền phải thi hành; một số vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp; lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều; một số vụ việc phức tạp kéo dài, được dư luận quan tâm chưa được giải quyết dứt điểm; tình hình vi phạm kỷ cương, kỷ luật vẫn còn là vấn đề phải đặc biệt quan tâm… Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta khẳng định thời cơ, vận hội phát triển của đất nước sẽ mở ra rộng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có nguy cơ về giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong một số mặt công tác, quản lý còn hạn chế, yếu kém như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ ra. Cùng với đó, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã và đang chuyển mình với quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính”. Ngành tư pháp nói chung, hệ thống THADS nói riêng phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực vươn lên giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của cuộc sống, góp phần duy trì, củng cố tính nghiêm minh của pháp luật với mục tiêu cuối cùng là “công lý phải được thực thi”. Trong tinh thần đó, ngành tư pháp, hệ thống THADS cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách và thể chế pháp lý nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS như các quy định về sử dụng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập cá nhân, về thẩm định tài sản, bán đấu giá tài sản và về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ án liên quan đến tham nhũng, tín dụng, ngân hàng, những địa bàn, địa phương có lượng án lớn. Có giải pháp cụ thể, hữu hiệu thu hẹp dần lượng án tồn đọng hằng năm, chú trọng nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, hành chính được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27-11-2015.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, công chức, người lao động THADS phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện hết sức vững vàng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và đặc biệt là bản lĩnh nghề nghiệp.
Thứ tư, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động THADS, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, xây dựng hình ảnh đẹp về tinh thần, thái độ, tác phong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch hóa thông tin và công tác truyền thông để nhân dân biết, chia sẻ và giám sát hoạt động THADS.
Thứ năm, ngành tư pháp, hệ thống THADS tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đặc biệt là Viện KSND, TAND, cơ quan công an và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động THADS được triển khai ngày càng tích cực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương./.(Theo:nhandan.com.vn)
TS. Lê Thành Long
Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp