Luật Tố tụng hành chính năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 (trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017). Tuy nhiên, xung quanh vấn đề “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 hay không?” hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì: “1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy, “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước cấp cho tổ chức, cá nhân để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp. Vì vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đầy đủ những thuộc tính của một quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là quyết định hành chính nên không thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là loại giấy tờ pháp lý do cơ quan hành chính Nhà nước cấp nhằm xác nhận tính hợp pháp quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, mà hoàn toàn không có sự thể hiện ý chí quyền lực của Nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là quyết định hành chính nên không thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Theo Từ điển Luật học: “Quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân nhà nước được Nhà nước trao quyền thực hiện trên cơ sở luật và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách”.
Quyết định hành chính là biện pháp giải quyết công việc của chủ thể quản lý hành chính trước một tình huống đang đặt ra, là sự phản ứng của chủ thể quản lý hành chính Nhà nước trước một tình huống đòi hỏi phải có sự giải quyết của Nhà nước theo thẩm quyền do luật định. Việc ban hành quyết định hành chính là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm định ra chính sách, quy định, sửa đổi hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định. Như vậy, quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực nhà nước của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định.
Đặc điểm của quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng quyết định pháp luật nên ngoài những đặc điểm quyết định hành chính còn mang đặc điểm chung của một quyết định pháp luật.
Đặc điểm chung:
+ Quyết định hành chính mang tính quyền lực Nhà nước
+ Quyết định hành chính mang tính chất pháp lý
Ngoài những đặc điểm chung của quyết định pháp luật, quyết định hành chính còn mang những đặc điểm riêng:
+ Quyết định hành chính mang tính dưới luật
+ Quyết định hành chính đa dạng về chủ thể có thẩm quyền ban hành
+ Quyết định hành chính có những mục đích và nội dung hết sức phong phú
+ Ngoài ra, quyết định hành chính có những tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư…
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay còn gọi là sổ đỏ hoặc giấy đỏ, là chứng thư có giá trị pháp lý xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất về quyền hạn và nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai. Một thuật ngữ liên quan mật thiết là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (tức sổ hồng). Khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và Nhà nước là chủ thể đại diện duy nhất và tuyệt đối của quyền sở hữu đất đai.
Tổ chức và cá nhân muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013. Nhà nước đặt ra điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức mà không hoàn toàn áp đặt ý chí quyền lực của Nhà nước, đây là điểm khác biệt đối với Quyết định hành chính. Hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính là sự thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân hoặc tổ chức được quy định trong Hiến pháp năm 2013 đã xác định đầy đủ, rõ ràng các nguyên tắc nền tảng của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong Nhà nước pháp quyền, bao gồm: quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, Nhà nước có trách nhiệm trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; mối quan hệ bình đẳng, tương hỗ, đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và cá nhân; xác định giới hạn quyền con người, quyền công dân trên cơ sở luật định; nghĩa vụ pháp lý; cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý mà Nhà nước công nhận tính hợp pháp về đất đai cho cá nhân tổ chức sử dụng để nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp mà hoàn toàn không có sự áp đặt ý chí trong quyền lực Nhà nước như hoạt động ban hành Quyết định hành chính, nên GCNQSĐ không phải là một quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Trên đây là những quan điểm khác nhau về vấn đề “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 hay không?”. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc./.
Trần Văn Hùng