Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 02 năm 2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư này là tổ chức tín dụng được phép thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn và cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác theo quy định của Bộ luật dân sự sử dụng dịch vụ bảo quản tài sản; sử dụng dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng (gọi chung là khách hàng).
Nguyên tắc thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn
Tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn khi: Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng có nội dung hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn; Có quy định, quy trình nội bộ thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn.
Khi thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, tổ chức tín dụng phải: Sử dụng kho bảo quản riêng theo tiêu chuẩn kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước); hoặc sử dụng gian kho riêng trong kho tiền có cửa gian kho theo tiêu chuẩn cửa kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; hoặc phải trang bị tủ, két sắt riêng biệt đặt trong kho tiền để làm dịch vụ bảo quản tài sản; Trang bị hộp/bao/túi bảo quản tài sản đảm bảo an toàn.
Khi thực hiện dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn, tổ chức tín dụng phải: Sử dụng kho bảo quản riêng theo tiêu chuẩn kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc sử dụng gian kho riêng trong kho tiền có cửa gian kho theo tiêu chuẩn cửa kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để làm dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn; Trang bị tủ, két sắt bảo quản tài sản đảm bảo an toàn; Lắp đặt camera giám sát và trang bị thiết bị kiểm soát an ninh để đảm bảo an toàn trong quá trình khách hàng vào kho dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn.
Tài sản trong thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn
Thông tư quy định, tài sản trong thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn: Không phải là loại tài sản mà pháp luật cấm tàng trữ và không phải chất dễ gây cháy, nổ hoặc tự hủy hoại.
Đối với tài sản cần điều kiện cất giữ, bảo quản đặc biệt, khi giao tài sản, khách hàng phải thông báo ngay cho tổ chức tín dụng biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi bảo quản. Trường hợp khách hàng không thông báo mà tài sản gửi bảo quản bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì khách hàng phải tự chịu trách nhiệm; nếu gây thiệt hại thì khách hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Thời hạn bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn
Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng và ghi rõ trong hợp đồng: thời hạn bảo quản tài sản, thời hạn cho thuê tủ, két an toàn; việc chấm dứt hợp đồng trước hạn; trường hợp khách hàng chưa đến nhận lại tài sản khi hết hạn hợp đồng bảo quản tài sản, hết hạn hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn; khoảng thời gian thông báo trước về việc trả lại/nhận lại tài sản bảo quản, chấm dứt hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn trong trường hợp hợp đồng bảo quản tài sản, hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn không xác định thời hạn.
Đối với hợp đồng bảo quản tài sản, hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn không xác định thời hạn: Khách hàng được yêu cầu tổ chức tín dụng trả lại tài sản bảo quản, chấm dứt hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho tổ chức tín dụng trong một khoảng thời gian hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo quản tài sản, hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn; Tổ chức tín dụng được yêu cầu khách hàng nhận lại tài sản bảo quản, chấm dứt hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho khách hàng trong một khoảng thời gian hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo quản tài sản, hợp đồng cho thuê tủ, két an toàn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 4 năm 2016.