Một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính

10/02/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 Qua hơn 3 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, công tác xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, góp phần đắc lực cho việc ổn định tình hành an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, công tác quản lý nhà nước nói chung cũng như trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống. Bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách chính xác, đúng các nguyên tắc xử lý theo quy định thì Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn có một số nội dung mà cách hiểu, cách áp dụng chưa được thống nhất hoặc chưa được sự đồng thuận cao trong quá trình tác nghiệp của các đối tượng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định của pháp luật không rõ ràng, cụ thể nên đã gây khó khăn cho việc thực hiện, trong đó có nội dung về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định Điều 54 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 5 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có thể giao quyền xử phạt cho cấp phó. Việc giao quyền xử phạt phải thực hiện bằng văn bản có chữ ký và đóng dấu của người có thẩm quyền, trong đó thể hiện rõ phạm vi, thời hạn và nội dung giao quyền. Văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền. Tùy vào tình hình thực tế mà người có thẩm quyền có thể giao quyền thường xuyên hoặc giao quyền theo những vụ việc, lĩnh vực cụ thể. Khi được giao quyền thì cấp phó phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Và người được giao quyền không được giao quyền lại cho bất kỳ người nào khác. Quy định trên đã góp phần giảm tải áp lực cho người có thẩm quyền xử phạt, giúp việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp phó khi được giao quyền xử phạt. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình tổ chức thực hiện, có nhiều quan điểm hiểu và vận dụng khác nhau về vấn đề này. Cụ thể:
Thứ nhất: Có quan điểm cho rằng, trường hợp cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó xử phạt các vụ việc vi phạm hành chính thì trong thời gian đó, cấp trưởng sẽ không được thực hiện ký bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào thuộc thẩm quyền giải quyết của mình vì quyền này đã được giao cho cấp phó. Bởi vì, trong văn bản giao quyền đã thể hiện rõ trong thời hạn giao quyền thì cấp phó được quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của cấp trưởng, chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật, đặc biệt không được giao quyền cho người khác. Như vậy, một khi quyền xử phạt đã được chuyển giao cho cấp phó thì quyền đó hoàn toàn thuộc về cấp phó. Nếu cấp trưởng muốn xử phạt thì phải có văn bản hủy bỏ việc giao quyền, lúc đó quyền xử phạt mới thuộc về cấp trưởng. Trong quá trình thực hiện việc giao quyền, nếu có khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến thì có thể có sự trao đổi, xin ý kiến giữa cấp phó với cấp trưởng về từng vụ việc cụ thể, nhưng cấp phó được giao quyền phải tự chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trưởng và trước pháp luật về quyết định xử phạt vi phạm của mình.
Thứ hai: Có quan điểm cho rằng, mặc dù về nguyên tắc cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó của mình xử lý các vụ việc vi phạm hành chính, nhưng trong thời gian thực hiện giao quyền, cấp trưởng vẫn có quyền yêu cầu bộ phận giúp việc trình hồ sơ trực tiếp cho mình và cấp trưởng sẽ là người quyết định và ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Bởi vì, trường hợp này cấp trưởng chỉ giao quyền cho cấp phó xử phạt vi phạm hành chính mà không phải là từ bỏ quyền xử phạt của mình. Đồng thời, vì đây là quyền đương nhiên của cấp trưởng, việc giao quyền cho cấp phó không làm mất đi thẩm quyền xử phạt của mình đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm, phạm vi xử lý nên thực tiễn thi hành phát sinh hiện tượng, cấp trưởng “né tránh” những vụ khó hoặc những vụ việc vi phạm nhưng có tính chất “nhạy cảm”, dồn trách nhiệm cho cấp phó chịu trách nhiệm chính, còn mình chỉ chị trách nhiệm liên đới ở mức độ nhẹ hơn.
Thứ ba: Trong thực tế, nhiều đơn vị có chức danh được xử phạt, xử lý vi phạm hành chính theo quy định nhưng không có cấp trưởng mà chỉ có cấp phó được giao quyền phụ trách và cấp phó khác. Trường hợp này, Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 81/2013//NĐ-CP chỉ quy định: “Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng” mà không quy định, hướng dẫn rõ người được giao quyền như cấp trưởng có thẩm quyền giao quyền để áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính cho cấp phó hay không. Do hai hình thức này hoàn toàn khác nhau nhưng pháp luật chưa đề cập đến vấn đề giao quyền xử lý trong trường hợp không có cấp trưởng nên gây khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhất là đối với cơ quan Ủy ban nhân dân các cấp.
Thứ tư: Về hình thức giao quyền thì pháp luật quy định không cụ thể về tên gọi của văn bản giao quyền để thống nhất áp dụng là công văn, thông báo, quyết định…. Vì vậy, thực tiễn thi hành thì mỗi nơi thực hiện một hình thức giao quyền với tên gọi khác nhau.
Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên nên thời gian qua việc xử lý vi phạm hành chính trên thực tế còn gặp lúng túng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn tùy tiện, chưa thống nhất và khó khăn cho cả công tác quản lý nhà nước nhất là trong việc kiểm tra, thanh tra, theo dõi và hướng dẫn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung những tồn tại, bất cập nêu trên theo hướng: Cần quy định rõ trong thời gian cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định hay không; Tên gọi của văn bản giao quyền để thống nhất áp dụng; Vấn đề giao quyền xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp không có cấp trưởng thì như thế nào để nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất công tác xử phạt vi phạm hành chính trên toàn quốc, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

                                                                               Lê Kim Chinh

Xem thêm »