Từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, cá nhân không được hoạt động thương mại gây ồn tại nơi công cộng

20/03/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 39/2007/NĐ-CP (ngày 16/3/2007) về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng, lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung.

Theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP,cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là "thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại, cụ thể gồm: buôn bán rong; buôn bán vặt; bán quà vặt; buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc...

Cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ này. Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại gian lận trong cân, đong, đo đếm và cung cấp các thông tin sai lệch, dối trá hoặc thông tin dễ gây hiểu lầm về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ hoặc bản chất của hoạt động thương mại mà mình thực hiện.

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác; khu vực có cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ...; khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tàu, bến xe, bến phà..; khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông; phần đường bộ ra vào khu chung cư, khu tập thể, ngõ hẻm, vỉa hè, lòng đường, lề đường của đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ; các tuyến đường, khu vực có biển cấm cá nhân thực hiện hoạt động thương mại...

Nghị định nêu rõ, khi kinh doanh lưu động, cá nhân hoạt động thương mại phải đặt, để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ bán hàng và hàng hóa ngăn nắp, trật tự; phải có dụng cụ đựng rác và chất thải  phù hợp. Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại thực hiện các hành vi đeo bám, nài ép, gây phiền hà cho khách; rao bán rong, rao làm dịch vụ lưu động gây ồn tại nơi công cộng và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; in, vẽ, viết lên tường, treo cờ, băng rôn, pa nô, áp phích, biển hiệu trái quy định pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan chung; đổ chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm cản trở lưu thông, gâu bất tiện cho cộng đồng.

UBND cấp xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về quản lý cá nhân hoạt động thương mại tới đối tượng trực tiếp thực hiện, cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân trên địa bàn; đồng thời thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại.

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »