Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của luật thú y.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thú y, cụ thể như sau: Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn; Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật; Điều kiện sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP và Điều kiện hành nghề thú y.
Chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn
Căn cứ vào yêu cầu hoạt động thú y trên địa bàn và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị HĐND cùng cấp xem xét, quyết định bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là nhân viên thú y xã) theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật thú y.
Nhân viên thú y xã được hưởng chế độ phụ cấp và bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và được thực hiện chế độ bảo hiểm theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nhân viên thú y xã được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Điều kiện chung sản xuất thuốc thú y
Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y phải thực hiện theo quy định tại Điều 90 của Luật thú y; pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; pháp luật về bảo vệ môi trường; pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và đáp ứng các điều kiện sau đây:
Về địa điểm: Phải cách biệt với khu dân cư, công trình công cộng, bệnh viện, bệnh xá thú y, cơ sở chẩn đoán bệnh động vật, các nguồn gây ô nhiễm khác; Không bị ô nhiễm từ môi trường bên ngoài; Không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Về nhà xưởng: Phải có thiết kế phù hợp với quy mô và loại thuốc sản xuất, tránh được ngập lụt, thấm ẩm và sự xâm nhập của các loại côn trùng và động vật khác; có vị trí ngăn cách các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; Sử dụng vật liệu có kết cấu vững chắc, phù hợp, bảo đảm an toàn lao động và sản xuất; Nền nhà cao ráo, mặt sàn nhẵn, không rạn nứt, không trơn trượt, không ngấm hoặc ứ đọng nước, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; Tường và trần được làm bằng vật liệu bền, chắc, dễ vệ sinh; Có hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp; Có hệ thống cấp và xử lý nước sạch bảo đảm cho sản xuất; có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Có hệ thống báo cháy, chữa cháy; thoát hiểm cho người theo quy định.
Kho chứa đựng nguyên liệu, phụ liệu, thuốc thành phẩm có diện tích phù hợp với quy mô sản xuất và bảo đảm các điều kiện như: Có kho riêng để bảo quản nguyên liệu, phụ liệu, thuốc thành phẩm; Có kho riêng bên ngoài để bảo quản dung môi và nguyên liệu dễ cháy nổ; Tránh được ngập lụt, thấm ẩm và sự xâm nhập của các loại côn trùng và động vật khác; Nền sàn cao ráo, không ngấm hoặc ứ đọng nước; Có hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp; Có hệ thống báo cháy, chữa cháy; thoát hiểm cho người theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Có giá, kệ để nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, thuốc thành phẩm; có thiết bị, phương tiện để bảo đảm điều kiện bảo quản.
Về trang thiết bị, dụng cụ phải được bố trí, lắp đặt phù hợp với quy mô và loại thuốc sản xuất; có hướng dẫn vận hành; có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng; có quy trình vệ sinh và bảo đảm đạt yêu cầu vệ sinh, không gây nhiễm hoặc nhiễm chéo giữa các sản phẩm.
Về kiểm tra chất lượng thuốc thú y: Khu vực kiểm tra chất lượng phải tách biệt với khu vực sản xuất; được bố trí phù hợp để tránh nhiễm chéo; các khu vực tiến hành phép thử sinh học, vi sinh; Mẫu, chất chuẩn phải được bảo quản tại khu vực riêng, bảo đảm điều kiện bảo quản và phải có đủ trang thiết bị phù hợp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.