Bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017

10/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực ngày 01/07/2018, so với quy định của luật năm 2009 thì luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 có nhiều sửa đổi, bổ sung đặc biệt trong vấn đề bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

1. Cơ sở pháp lý.
Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường
“1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;
b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
2. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây:
a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này;
b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.”
Theo quy định Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 về Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Như vậy, về căn cứ Nhà nước có trách nhiệm bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 so với quy định của luật 2009 bổ sung thêm căn cứ “có yêu cầu bồi thường; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong TTHS khi có các căn cứ sau:
+ Có căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án” người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện công vụ nếu gây thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, như vậy căn cứ quan trọng trong việc bồi thường trong TTHS là có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, trong hoạt động tố tụng hình sự thì hành vi sau đây phải bồ thường thiệt hại bao gồm:
1. Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;
2. Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;
3. Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này.
+ Có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật bồi thường thiệt hại Nhà nước thì “Người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này”, như vậy, khi có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thì người bị bị thiệt hại hoặc người khác theo quy định của pháp luật bao gồm Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cá nhân, pháp nhân được những người ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
+ Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiệt hại thực tế được xác định bao gồm: Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về tài sản; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; các chi phí khác.
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại là mối quan hệ giữa các hiện tượng trong đó một hiện tượng được gọi là nguyên nhân (là hành vi khách quan) làm phát sinh một hiện tượng khác là kết quả (là hậu quả của hành vi). 
Dựa vào cơ sở lý luận của cặp phạm trù nhân quả trong phép biện chứng có thể xác định được các điều kiện của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại thực tế như sau:
- Hành vi phải xảy ra trước thiệt hại về mặt thời gian.
- Trong bản thân hành vi phải chứa đựng khả năng thực tế, mầm mống nội tại, nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh thiệt hại.
- Nếu thiệt hại xảy ra phải là thực hiện hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi.
- Một hậu thiệt hại có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân (một hoặc nhiều hành vi) trực tiếp gây ra. Do đó mối quan hệ giữa hành vi và thiệt hại được chia thành 2 dạng:
+ Mối quan hệ nhân quả đơn trực tiếp: Là mối quan hệ nhân quả chỉ có một hành vi gây thiệt hại là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả.
+ Mối quan hệ nhân quả kép trực tiếp: Là mối quan hệ có nhiều hành vi gây thiệt hại làm nguyên nhân trong đó mỗi hành vi gây thiệt hại đều đã chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.
2. Phạm vi trách nhiệm BTNN trong tố tụng hình sự.

Phạm vi trách nhiệm BTNN là khoảng giới hạn mà Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường. Theo quy định của Luật trách nhiệm BTNN năm 2017 quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự theo đó Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
          1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
          2. Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
          3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
          4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
          5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
          6. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
          7. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;
          8. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
          9. Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
          10. Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này bị thiệt hại.
          Như vậy so với luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 thì luật năm 2017 bổ sung thêm 02 trường hợp: Trường hợp được bồi thường do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (khoản 1); Trường hợp được bồi thường do Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan (khoản 9).
3. Trình tự, thủ tục BTTH Nhà nước trong tố tụng hình sự.
          Cá nhân, tổ chức khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
          Thời hiệu yêu cầu bồi thường.
          Theo quy định  tại khoản 1 Điều 6 của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 là 03 năm, (Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 là 02 năm) kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.
          Hồ sơ yêu cầu bồi thường
          Khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
          Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây:
          a) Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường;
          b) Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu bồi thường;
          c) Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;
          d) Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;
          đ) Thiệt hại, cách tính và mức yêu cầu bồi thường;
          e) Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có);
          g) Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
          h) Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có);
          i) Yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).
          Trường hợp người bị thiệt hại chỉ yêu cầu phục hồi danh dự thì văn bản yêu cầu bồi thường phải có nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, g và h.
          Thụ lí đơn yêu cầu.
          Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
          Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.
          So với Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 thì luật năm 2017 bổ sung thêm quy định về Điều 44 về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán được ngay, không cần xác minh. Đồng thời bổ sung các quy định về thương lượng việc bồi thường (Điều 46) theo hướng quy định cụ thể về thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung thương lượng, thủ tục thương lượng và kết quả của việc thương lượng.

  1. Bất cập và kiến nghị.
          Khi xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường Nhà nước dựa trên nguyên tắc “Cơ quan nào ra quyết định cuối cùng gây thiệt hại thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, việc xác định theo nguyên tắc như trên là hợp lý, tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay đó là trong quy trình tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay bao gồm điều tra, truy tố và xét xử, nếu ở một giai đoạn tố tụng nào thực hiện không đúng quy định thì giai đoạn sau sẽ giải quyết sai, có thể nói đến như vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan 10 năm tù, mà nguyên nhân dẫn đến phán quyết cuối cùng của Tòa án dẫn đến oan sai lại do Cơ quan điều tra đã ép cung, mớm cung nhưng cuối cùng Tòa án có trách nhiệm bồi thường đây là điều bất hợp lý, có thể hiểu phán quyết sai của cơ quan này nhưng nguyên nhân sâu xa do lỗi của cơ quan trước. Đồng thời việc quy định cơ quan ra quyết định cuối cùng có trách nhiệm bồi thường dễ dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong giải quyết vụ án. Vì vậy, nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như tính nghiêm minh thì Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần quy định thêm trường hợp liên đới bồi thường thiệt hại cụ thể như sau.
          Điều… Bồi thường thiệt hại do nhiều cơ quan cùng gây ra
          “Trong trường hợp nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại thì những cơ quan đó phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi; nếu không xác định được mức độ lỗi thì phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi thường Nhà nước trong tố tụng hình sự Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng thi hành trên thực tiễn./.
 
TRẦN VĂN HÙNG
TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 2 QUÂN KHU 4

 
 

Xem thêm »