Quy định “VKS hay CQĐT phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp bắt người khẩn cấp?” theo Luật TNBTNN năm 2017

25/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 là hai luật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, tuy nhiên trong thực tiễn hai luật này có nhiều quy định chồng chéo, khó thực hiện trong thực tiễn.


Việc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại Điều 110 BLTTHS năm 2015 bao gồm các nội dung sau:
“ 1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:
a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
3. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm:
a) Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
b) Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ;
c) Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
d) Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
đ) Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
4. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự:
Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đã ra lệnh bắt, quyết định tạm giữ nhưng cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 159 năm 2015 BLTTHS nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm “Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này”.
Việc Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát các hoạt động bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là khi có các điều kiện để Cơ quan điều tra bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp sau đó mới gửi văn bản phê chuẩn cho Viện kiểm sát tuy nhiên việc bắt người của Cơ quan điều tra không có căn cứ để xảy ra oan sai nhưng Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt thì trong trường hợp này Viện kiểm sát hay là Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu hành vi bắt giữ người của Cơ quan điều tra gây thiệt hại cho người bị bắt?,
Quy định nêu trên hiện nay tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cơ quan điều tra phải bồi thường thiệt hại bởi hành vi bắt giữ người không có căn cứ là hoàn toàn phù hợp như quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. Đồng thời lệnh phê chuẩn của Viện kiểm sát được thực hiện sau khi có hành vi bắt giữ người của Cơ quan điều tra nên việc Cơ quan điều tra phải bồi thường là hợp lý.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Viện kiểm sát là Cơ quan đã phê chuẩn lệnh bắt thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 theo đó Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự Viện kiểm sát là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Đã phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;”. Bởi nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì “Cơ quqn nào ra quyết định cuối cùng  mà gây ra thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường”
Nghiên cứu các quy định của BLTTHS năm 2015 về bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp về quy định về Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự vẫn còn tồn tại nhiều bất cập hạn chế, chồng chéo khó thi hành trên thực tiễn, bởi khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp được Cơ quan điều tra tiến hành ngay để nhằm ngăn chặn tội phạm bỏ trồn, tẩu tán tài sản…tuy nhiên sau khi thực hiện việc bắt giữ thì mới gửi cho Viện kiểm sát hồ sơ bắt giữ để phê chuẩn đây là quy định “Tiền trảm hậu tấu”, chính quy định trên của BLTTHS năm 2015 đã gây khó khăn cho việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.
Việc thực hiện lệnh bắt sau đó mới xin phê chuẩn là việc làm không cần thiết trong thực tiễn nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập, vì vậy, kiến nghị cần bỏ quy định Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt sau khi Cơ quan điều tra đã thực hiện việc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bỏ quy định này trong thực tiễn dễ xác định được chủ thể có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017./.
 

TRẦN VĂN HÙNG
TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 1 QUÂN KHU 4

Xem thêm »