Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao quân đội được tập trung tập huấn và thi đấu

20/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 12 tháng 09 năm 2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 138/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao quân đội được tập trung tập huấn và thi đấu.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn và tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.
 Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và trợ cấp một lần
Huấn luyện viên, vận động viên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc
a) Huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
b) Huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm chuyển cho cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên khoản kinh phí để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định (bao gồm phần trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động và phần trách nhiệm đóng của người lao động).
c) Huấn luyện viên, vận động viên được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên trong việc lập hồ sơ, giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định.
Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc trong thời gian triệu tập của cấp có thẩm quyền để tập trung tập huấn, thi đấu nếu bị ốm hoặc bị tai nạn phải nghỉ luyện tập, nghỉ thi đấu hoặc chết thì được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên giải quyết như sau:
a) Huấn luyện viên, vận động viên bị ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này cho những ngày nghỉ ốm hoặc nghỉ do thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
b) Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn trong khi tập trung tập huấn và thi đấu thì được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật và được hưởng trợ cấp bằng 100% mức tiền công quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này cho những ngày điều trị.
Sau khi thương tật của huấn luyện viên, vận động viên đã được điều trị ổn định, cơ quan sử dụng có trách nhiệm giới thiệu huấn luyện viên, vận động viên đi giám định khả năng lao động. Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp một lần, cụ thể như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 tháng tiền lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm có kết quả giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
- Ngoài ra còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được cộng dồn), từ 01 năm (đủ 12 tháng) trở xuống được tính bằng 0,5 tháng tiền công (tiền công ngày x 26 ngày), sau đó cứ thêm mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 0,3 tháng tiền công.
c) Huấn luyện viên, vận động viên bị chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở theo quy định.
Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên chết do tai nạn trong khi tập trung tập huấn, thi đấu hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn trong khi tập trung tập huấn, thi đấu thì ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương cơ sở theo quy định.
Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên các đội thể thao quân đội được trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm (12 tháng) làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được tính cộng dồn) được hưởng 1,5 tháng tiền công (26 ngày/tháng) trước khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên, nhưng thấp nhất bằng 02 tháng tiền công.
Khi tính cộng dồn thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên để tính hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều này, nếu có tháng lẻ dưới 03 tháng thì không tính, từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn 01 năm.
Chế độ bồi thường tai nạn lao động
Huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường theo quy định. Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là tiền lương bình quân (bao gồm lương cấp bậc đối với sĩ quan hoặc ngạch bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và các khoản phụ cấp lương nếu có) của 06 tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu.
Huấn luyện viên, vận động viên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khi tập huấn, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường theo quy định. Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là tiền lương bình quân theo hợp đồng của huấn luyện viên, vận động viên với cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên (bao gồm lương chuyên môn, nghiệp vụ và phụ cấp nếu có) của 06 tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu.
Nếu mức lương và phụ cấp (nếu có) vượt quá mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm xảy ra tai nạn thì lấy mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm xã hội quy định tại thời điểm xảy ra tai nạn làm căn cứ tính mức bồi thường.
Huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thi cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường theo quy định. Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là mức tiền công theo ngày được trả theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này nhân với 26 ngày.
Trường hợp thời gian làm việc của huấn luyện viên, vận động viên theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này không đủ 6 tháng, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu để tính bồi thường.
Khi xảy ra tai nạn trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên phải lập biên bản ghi đầy đủ diễn biến của vụ tai nạn, thương tích, mức độ thiệt hại, nguyên nhân, trách nhiệm xảy ra tai nạn; có chữ ký của cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên, ban tổ chức giải thi đấu hoặc những người chứng kiến.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2016 và thay thế Thông tư số 155/2007/TT-BQP ngày 05/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số chế đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao quân đội. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/10/2016.
 

Xem thêm »