Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Bãi bỏ Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về đăng ký, mua, bán, đóng mới tàu biển.
Theo Nghị định, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam. Các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ đăng ký tàu biển theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam.
Thủ tục đăng ký tàu biển không thời hạn
Nghị định quy định, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam được cấp cho tàu biển đăng ký không thời hạn có đủ các Điều kiện và đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam theo thủ tục quy định tại Nghị định này; Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam được cấp 01 bản chính theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày được cấp, mất hiệu lực kể từ ngày bị mất hoặc ngày tàu biển được xóa đăng ký.
Hồ sơ đăng ký tàu biển không thời hạn, bao gồm: Tờ khai đăng ký tàu biển theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển (bản chính) đối với tàu biển đã qua sử dụng hoặc biên bản nghiệm thu bàn giao tàu đối với tàu biển được đóng mới (bản chính); Hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng mới tàu biển hoặc các bằng chứng khác có giá trị pháp lý tương đương để chứng minh quyền sở hữu đối với tàu biển (bản chính); Giấy chứng nhận dung tích tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định, gồm tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế và chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản sao kèm bản chính để đối chiếu); trường hợp tàu biển là đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ thì nộp tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); trường hợp chủ tàu là tổ chức nước ngoài thì nộp giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Trường hợp chủ tàu là cá nhân còn phải nộp thêm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); trường hợp chủ tàu là cá nhân người nước ngoài thì nộp hộ chiếu (bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
Thủ tục đăng ký tàu biển có thời hạn
Đối với giấy chứng nhận đăng ký tàu biển có thời hạn: Thời hạn đăng ký của tàu biển được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký tàu biển tương ứng với thời hạn của hợp đồng thuê mua tàu hoặc hợp đồng thuê tàu trần hoặc theo đề nghị của chủ tàu. Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển có thời hạn được cấp 01 bản chính theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Hồ sơ đăng ký tàu biển có thời hạn trong trường hợp chủ tàu là tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê mua tàu hoặc thuê tàu trần, bao gồm: Tờ khai đăng ký tàu biển theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Giấy chứng nhận dung tích tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký (nếu tàu biển đó đăng ký ở nước ngoài) hoặc xóa đăng ký tàu biển (bản chính); Hợp đồng thuê mua tàu hoặc hợp đồng thuê tàu trần (bản chính); Biên bản bàn giao tàu (bản chính); Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định, gồm tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế và chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản sao kèm bản chính để đối chiếu); trường hợp tàu biển là đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ thì nộp tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (bản sao kèm bản chính để đối chiếu); Trường hợp chủ tàu là cá nhân còn phải nộp thêm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
Thủ tục xóa đăng ký
Nghị định cũng quy định, thủ tục xóa đăng ký như sau: Giấy chứng nhận xóa đăng ký được cấp 01 bản chính cho chủ tàu theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Hồ sơ xóa đăng ký gồm: Tờ khai xóa đăng ký theo Mẫu; Giấy chứng nhận đăng ký; Trường hợp tàu biển đang được thế chấp thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của người nhận thế chấp và phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp trước khi tiến hành thủ tục xóa đăng ký tàu biển.
Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo quy trình sau: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định; Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký và trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Nguyên tắc mua, bán, đóng mới tàu biển
Việc mua, bán, đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù; quy trình, thủ tục mua, bán, đóng mới tàu biển được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Tàu biển được mua, bán, đóng mới phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo đảm lao động hàng hải và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Hình thức mua, bán, đóng mới tàu biển
Hình thức mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đấu thầu. Trường hợp đã áp dụng đầy đủ các quy định của pháp Luật về đấu thầu mà vẫn không lựa chọn được tàu biển thì thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất 03 người chào hàng là người trực tiếp bán tàu hoặc người môi giới.
Hình thức bán tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đấu giá. Trường hợp đã áp dụng đầy đủ các quy định của pháp Luật về đấu giá mà vẫn không lựa chọn được người mua thì thực hiện bằng hình thức chào giá cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất 03 người chào giá là người mua trực tiếp hoặc người môi giới.
Đối với dự án đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đấu thầu. Trường hợp đã áp dụng đầy đủ các quy định của pháp Luật về đấu thầu mà vẫn không lựa chọn được cơ sở hoặc nhà máy đóng tàu thì thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với ít nhất 03 cơ sở hoặc nhà máy đóng tàu hoặc đại diện nhà máy đóng tàu.
Hình thức mua, bán, đóng mới tàu biển sử dụng vốn khác do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự quyết định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. Bãi bỏ Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về đăng ký, mua, bán, đóng mới tàu biển.