Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 1842/VPCP-CCHC về việc cải cách thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và khắc dấu cho doanh nghiệp. Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, trong quý II/2006 soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch về cơ chế phối hợp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và khắc dấu với tinh thần và nội dung cơ bản là: rà soát, loại bỏ những khâu công việc, thủ tục bất hợp lý, giảm bớt những loại giấy tờ không cần thiết, hợp lý hóa các khâu tổ chức thực hiện theo nguyên tắc “một cửa”, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các công việc.
Cùng với công văn này, Bộ Kế hoạch& Ðầu tư cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý hệ thống giấy phép kinh doanh, một trong số những Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN 2005 đã được đưa ra trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN).
Nâng cao quản lý hay hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp?
Luật DN năm 1999 ra đời đã bãi bỏ hàng trăm giấy phép con do các bộ, ngành và địa phương tuỳ tiện đặt ra. Song, trong phạm vi cả nước, chưa có một cơ quan nhà nước nào thống kê và quản lý việc cấp phép của các đơn vị trên. Mặt khác, cũng chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về nội dung, yêu cầu, nguyên tắc cũng như trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép. Do đó, việc cấp các giấy phép con không những không giảm mà có xu thế tăng lên. Theo thống kê mới đây, hiện có khoảng 300 giấy phép con, không kể đến những giấy phép “ngoài luồng” mà các cơ quan chức năng không kiểm soát được số lượng.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng (NH), theo thống kê, có khoảng 34 loại giấy phép kinh doanh các loại áp dụng trong lĩnh vực này, trong đó có 12 loại giấy phép chỉ được ban hành trên cơ sở thông tư, quyết định của thống đốc NHNN như: NH Nhà nước cho phép Tổ chức tín dụng thành lập công ty trực thuộc; chấp thuận của Thống đốc NH Nhà nước cho ngân hàng cổ phần được tham gia niêm yết, giao dịch và phát hành cổ phiếu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán...
Nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng vào cuộc
Luật DN năm 2005 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2006, một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN đã và đang được dự thảo, trong đó có Nghị định về quản lý hệ thống giấy phép kinh doanh. Mục tiêu lớn nhất của Nghị định này là nhằm minh bạch, công khai hoá hệ thống giấy phép kinh doanh đang và sẽ đi vào thực tiễn.
Dự thảo Nghị định đưa ra những hoạt động kinh doanh có thể đòi hỏi phải có giấy và chỉ áp dụng giấy phép khi không có các công cụ quản lý khác không thể đạt được mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng liên quan, với chi phí thấp hơn. Dự thảo cũng nêu ra nguyên tắc soạn thảo và ban hành giấy phép, thành lập hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh, nguyên tắc đăng ký và thực hiện quy định về giấy phép...
Hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là cơ quan liên ngành, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm theo dõi, giám sát và đánh giá việc ban hành và thực hiện các quy định về giấy phép đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, minh bạch, hiệu quả và hiệu lực của giấy phép kinh doanh trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh được cấp phép. Hội đồng sẽ do Phó Thủ tướng làm chủ tịch, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ làm Phó Chủ tịch thường trực, một nửa thành viên là công chức nhà nước, một nửa còn lại gồm đại diện VCCI, các hiệp hội, chuyên viên tư vấn...
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép là cơ quan duy nhất nhận, xem xét hồ sơ và quyết định việc cấp phép kinh doanh. Ðó có thể là sở hoặc cơ quan tương đương trực thuộc uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh đó trên phạm vi địa phương...
(Theo Kinh tế và Đô thị)