Bàn về hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn

07/02/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1. Quy định pháp luật hiện hành về hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 và khoản 1 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC). Theo đó, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn có thể được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính (không đi kèm cùng hình thức phạt tiền) hoặc hình thức xử phạt bổ sung, trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung thì chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính (thông thường được quy định cùng với hình thức phạt tiền với mức phạt tiền tương đối cao).
Biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định tại khoản 5 Điều 80 Luật XLVPHC, theo đó: “Trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay theo thẩm quyền, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý”.
Mặc dù quy định của Luật XLVPHC đã quy định tương đối rõ ràng đâu là hình thức xử phạt và đâu là biện pháp thu hồi giấy phép như đã nêu, nhưng về phương diện pháp lý và kể cả trên thực tiễn, đôi khi đôi lúc vẫn không tránh khỏi sự băn khoăn về tính chất của các biện pháp này. Vậy nên, trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở kết quả nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, tác giả đưa ra các nhận định, đánh giá để phân biệt hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề với biện pháp thu hồi các loại giấy tờ này. Với mục đích đó, trước hết chúng ta cần hiểu rõ hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và biện pháp thu hồi được quy định và áp dụng trong trường hợp cụ thể nào?
Đối với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, theo quy định của Điều 25 Luật XLVPHC thì đây là biện pháp chế tài có thời hạn từ 1 đến 24 tháng, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Theo đó, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (thời hạn tước được ghi trong quyết định xử phạt), người có thẩm quyền xử phạt thu giữ, bảo quản giấy phép, chứng chỉ hành nghề và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó. Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 2 Luật XLVPHC quy định rõ, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để cá nhân, tổ chức đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề hoặc sử dụng công cụ, phương tiện. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
Trên cơ sở nội dung nguyên tắc về giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định trong Luật XLVPHC 2012, Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP[LTB1]  quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật XLVPHC đã xác định tiêu chí quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ: (i) trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (ii) vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước; và (iii) thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi vi phạm hành chính phải được quy định thành khung thời gian cụ thể, khoảng cách giữa thời gian tước tối thiểu và tối đa không quá lớn.
Như vậy, biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép được quy định và áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính với tư cách là một hình thức xử phạt, một chế tài của Luật XLVPHC. Còn thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề được đề cập trong Luật XLVPHC theo hướng là một biện pháp xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nói chung, thực hiện thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nói riêng. Có thể viện dẫn một số quy định về biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề ở các lĩnh vực trong các Luật sau đây để xác định rõ các trường hợp điển hình mà người có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp thu hồi theo quy định pháp luật.
Thứ nhất, lĩnh vực thủy sản
- Luật Thủy sản 2017, tại Điều 50 quy định thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với các trường hợp: (i) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy phép; (ii) Khai thác thủy sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam; (iii) Tàu cá đã xóa đăng ký; (iv) Không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản.
Bên cạnh đó, các Điều 25, Điều 34 Luật Thủy sản quy định một số trường hợp thu hồi Giấy phép (Giấy chứng nhận) khi: (i) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận; (ii) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Luật Thủy sản; (iii) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
- Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại Điều 44 quy định:
“Điều 44. Vi phạm quy định về giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp và vi phạm khác trong lĩnh vực thủy sản
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ được cấp trong lĩnh vực thủy sản.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
b) Cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật;
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đánh giá: Như vậy, trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch về nội dung thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề đó có thể bị thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Thủy sản, hoặc có thể bị phạt tiền và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Thứ hai, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Điều 29 quy định các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề: (i) Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền; (ii) Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật; (iii) Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục; (iv) Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh; (v) Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp; (vi) Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề; (vii) Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng bị cấm hành nghề, cấm làm công việc chuyên môn liên quan đến y dược được quy định khoản 4 Điều 18 của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Điều 48 về thu hồi và đình chỉ giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định giấy phép hoạt động bị thu hồi trong những trường hợp: (i) Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền; (ii) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật khám bệnh, chữa bệnh; (iii) Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động; (iii) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc chấm dứt hoạt động
Khi phát hiện một trong các trường hợp như đã nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 26, Điều 45 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại Điều 30 quy định:
“Điều 30. Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hoặc lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật;
b) Không lập hoặc lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật;
c) Không ghi sổ y bạ theo dõi điều trị đối với người bệnh điều trị ngoại trú;
d) Không thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không giải quyết đối với người bệnh không có người nhận theo quy định của pháp luật;
b) Không giải quyết đối với người bệnh tử vong theo quy định của pháp luật;
c) Không thực hiện việc trực khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không thực hiện hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi;
c) Không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, trừ trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh mà nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh;
b) Không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.
Đánh giá: Như vậy, trường hợp người hành nghề y vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật gây ra hậu quả  nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe cho người bệnh thì có thể bị áp dụng hình thức thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề theo quy định đã nêu trên.
Thứ ba, lĩnh vực dược
- Luật Dược 2016, tại Điều 28 quy định các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề dược: (i) Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền; (ii) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược của mình; (iii) Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược; (iv) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược; (v) Cá nhân có từ 02 Chứng chỉ hành nghề dược trở lên; (vi) Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược; (vii) Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc Khoản 2 Điều 14 của Luật dược; (viii) Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục; (ix) Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất; (x) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người; (xi) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Chứng chỉ hành nghề dược từ 02 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Điều 40 quy định các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược: (i) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dược; (ii) Không đáp ứng một trong các Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật dược; (iii) Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược được cấp nhưng không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật; (iv) Không hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về dược.
- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP[1] của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại Điều 37 quy định:
“Điều 37. Vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh và sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở bán lẻ thuốc hoặc từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cơ sở bán buôn, cơ sở làm dịch vụ bảo quản, cơ sở làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật;
b) Sản xuất, bán buôn, bán lẻ, làm dịch vụ bảo quản, làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc không có giấy chứng nhận thực hành tốt hoặc giấy chứng nhận thực hành tốt đã hết thời hạn có hiệu lực;
c) Không thực hiện việc mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở bán lẻ thuốc hoặc từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở bán buôn, cơ sở làm dịch vụ bảo quản, cơ sở làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh thuốc không có hoặc bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược;
b) Kinh doanh thuốc không có hoặc bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc;
c) Giả mạo, thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, bằng cấp chuyên môn có liên quan hoặc giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam;
d) Kinh doanh thuốc không đúng địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc;
đ) Kinh doanh thuốc không đúng với hình thức kinh doanh, phạm vi kinh doanh đã ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc hoặc cung cấp thuốc không đúng với phạm vi hoạt động ghi trên giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc hoặc giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều này.
Đánh giá: Như vậy, trường hợp cơ sở kinh doanh thuốc có hành vi  thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược thì có thể bị áp dụng hình thức thu hồi theo quy định của Luật Dược hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính như quy định đã nêu ở trên.
Thứ tư, lĩnh vực du lịch
- Luật du lịch 2017, tại Điều 36 quy định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp trong các trường hợp: (i) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản; (ii) Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật du lịch; (iii) Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật du lịch; (iv) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; (v) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật; (vi) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; (vii) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật du lịch, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; (viii) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
- Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, tại Điều 7 quy định:
“Điều 7. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

11. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
b) Không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định;
c) Sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định.
12. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
b) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành ghi trong giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
13. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
b) Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác để hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
c) Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật;
d) Sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.
14. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động;
b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
đ) Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.
15. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 11 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 12, khoản 13 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 18 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 14 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 9 Điều này;
đ) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 14 Điều này.
Đánh giá: Như vậy, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định; sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định; không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định có thể bị áp dụng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định của Luật Du lịch hoặc bị xử phạt theo quy định của Nghị định xử phạt như đã nêu trên.
Thứ năm, lĩnh vực xây dựng
- Luật Xây dựng năm 2014, tại Điều 101 quy định về việc thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, trong đó, giấy phép xây dựng bị thu hồi trong các trường hợp: (i) Giấy phép xây dựng được cấp không đúng quy định của pháp luật; (ii) Chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, nếu chủ đầu tư không nộp lại giấy phép xây dựng cho cơ quan đã cấp giấy phép thì cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy giấy phép xây dựng và thông báo cho chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình xây dựng. Quyết định hủy giấy phép xây dựng được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
- Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, tại Điều 15 quy định:
“Điều 15. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
1. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
2. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
3. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt;
b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng;
c) Xây dựng công trình sai cốt xây dựng;
d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này);
đ) Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
8. Xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này;
c) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
9. Xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này mà tái phạm như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này;
c) Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
10. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng đến 12 tháng (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 9 Điều này.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc bổ sung phương tiện che chắn theo quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
13. Đối với trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này, sau khi được cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.”
Đánh giá: Như vậy, theo quy định của Luật Xây dựng thì biện pháp thu hồi giấy phép được áp dụng đối với chủ dầu tư trong trường hợp chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vi phạm này được diễn giải thành các hành vi cụ thể là thi công xây dựng công trình sai so với giấy phép được cấp hoặc không có giấy phép. Theo đó, trong thời hạn 60 ngày thì tổ chức, cá nhân thi công công trình sai phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng, hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trong khi đó, đây đồng thời cũng là những hành vi vi phạm hành chính bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định của Nghị định xử phạt như đã nêu trên.
Thứ sáu, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp
- Luật Doanh nghiệp năm 2014, tại Điều 211 quy định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi trong các trường hợp: (i) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; (ii) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp thành lập; (iii) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; (iv) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật Doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; (v) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh không quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề vì khoản 8 Điều 2 Luật XLVPHC quy định: “Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để cá nhân, tổ chức đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề hoặc sử dụng công cụ, phương tiện. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.
2. Đánh giá chung
2.1. Căn cứ thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong các Luật chuyên ngành rộng hơn so với Luật XLVPHC
Luật XLVPHC 2012 chỉ đề cập đến hai trường hợp người có thẩm quyền xử phạt thực hiện việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề (cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật), nhưng các văn bản pháp luật nội dung trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định căn cứ đề thu hồi giấy phép chứng chỉ hành nghề rất đa dạng, ví dụ như: Giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung; tổ chức, cá nhân không hoạt động, hành nghề liên tục trong một khoảng thời gian nhất định; cơ sở kinh doanh không bảo đảm các điều kiện hoạt động đã đăng ký theo quy định pháp luật; đã bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề v.v....
2.2. Quy định về biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề có sự khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đó, có trường hợp việc bị xử phạt vi phạm hành chính cũng là căn cứ để thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Kết quả rà soát một số lĩnh vực như đã dẫn ở phần 1 của Báo cáo nghiên cứu này cho thấy, mỗi lĩnh vực được điều chỉnh bởi một Luật và có sự khác nhau về căn cứ quy định và áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Căn cứ phổ biến nhất để áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề vẫn là trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những căn cứ hết sức đặc thù theo từng lĩnh vực như khai thác thủy sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam trong Luật Thủy sản; hay người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh v.v.... Riêng trường hợp việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy không phổ biến trong các lĩnh vực nhưng cũng là căn cứ để thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vực đặc thù như quản lý dược (Luật Dược, Điều 28, đã dẫn).
2.3. Căn cứ áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong các Luật khác nhau có sự trùng lặp nhất định với căn cứ áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật XLVPHC.
Trong số các Luật đã được rà soát, đánh giá cho thấy, một số căn cứ áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong các Luật này có sự trùng lặp nhất định với căn cứ áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật XLVPHC. Tuy nhiên, để xác định chính xác sự trùng lặp này trong xử phạt vi phạm hành chính thì không chỉ đơn giản là xem xét các quy định của Luật XLVPHC mà phải nghiên cứu, rà soát ở cấp độ các nghị định xử phạt mới có thể làm sáng tỏ được. Thông qua việc so sánh, đối chiếu quy định về biện pháp thu hồi trong các Luật và quy định về hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong Nghị định xử phạt ở một vài lĩnh vực như đã nêu cho thấy, sự trùng lặp về căn cứ áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép với áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép thường là về việc tổ chức, cá nhân vi phạm không đáp ứng được điều kiện kinh doanh đã xin cấp phép; cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng (mượn, thuê hoặc cho thuê, cho mượn) giấy phép, chứng chỉ hành nghề của mình để kinh doanh; giả mạo hồ sơ xin cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề; cá nhân, tổ chức không hành nghề hoặc hoạt động trong một thời gian nhất định v.v.... Căn cứ trùng lặp cụ thể đã được nêu rõ, dẫn chiếu trong từng ví dụ minh họa ở phần 1 của bài viết. Điều này có nghĩa là, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính quy định các trường hợp bị bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành hành nghề đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, nhưng đồng thời đây cũng là các hành vi có thể bị áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Vậy trường hợp nào thì áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, trường hợp nào thì áp dụng biện pháp thu hồi các loại giấy tờ này? Mặt khác, quy định đồng thời như đã nêu đương nhiên dẫn đến việc cơ quan, người có thẩm quyền có thể lựa chọn biện pháp xử lý khác nhau đối với cùng một hành vi/sai phạm, và theo đó, hệ quả pháp lý cũng có sự khác nhau. Đây chính là vấn đề mà tác giả cho rằng cần có những đề xuất, kiến nghị nhằm phục vụ thiết thực cho việc áp dụng pháp luật nói chung, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính nói riêng được chính xác, thống nhất.
3. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở nhận định, đánh giá đã nêu, tác giả đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể sau đây:
3.1. Đề nghị bổ sung các trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thu hồi giấy phép theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Như đã nêu và phân tích, Luật XLVPHC chỉ đề cập đến hai trường hợp người có thẩm quyền xử phạt thực hiện việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề (cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật), nhưng các văn bản pháp luật nội dung trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định căn cứ đề thu hồi giấy phép chứng chỉ hành nghề rất đa dạng, ví dụ như: Giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung; tổ chức, cá nhân không hoạt động, hành nghề liên tục trong một khoảng thời gian nhất định; cơ sở kinh doanh không bảo đảm các điều kiện hoạt động đã đăng ký theo quy định pháp luật; đã bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề v.v....
Theo đó, việc rà soát, chọn lọc một số trường hợp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề có tính phổ biến trong các lĩnh vực để bổ sung vào Luật XLVPHC là cần thiết để  người có thẩm quyền xử phạt có căn cứ tiến hành việc thu hồi giấy phép khi phát hiện vụ việc vi phạm.
3.2. Quy định trong Luật XLVPHC việc kiến nghị thu hồi của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện vụ việc vi phạm có giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc diện thu hồi.
Đối với trường hợp Luật XLVPHC đã quy định phải thu hồi giấy phép (hai trường hợp) thì đương nhiên người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành việc thu hồi theo quy định tại Điều 80 của Luật XLVPHC. Tuy nhiên, vấn đề là, đối với các trường hợp khác mà các Luật khác quy định phải thu hồi nhưng Luật XLVPHC hiện hành không quy định thu hồi thì cần bổ sung quy định trong Luật XLVPHC về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong việc thông tin, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc lĩnh vực tương ứng để thu hồi. Về lâu dài, cần hoàn thiện quy định của Luật XLVPHC theo hướng bổ sung thẩm quyền, thủ tục thu hồi giấy phép chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp có căn cứ thu hồi theo quy định của các Luật chuyên ngành.
3.3. Quy định cụ thể hoặc có quy định mang tính nguyên tắc thể hiện việc ưu tiên áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hay biện pháp thu hồi giấy phép chứng chỉ hành nghề trong trường hợp căn cứ áp dụng hai biện pháp này có sự trùng lặp đối với cùng cá nhân, tổ chức vi phạm.
Trường hợp căn cứ để thu hồi và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề lại có sự trùng lặp thì như đã nêu trên, sẽ dẫn đến việc người có thẩm quyền phải lựa chọn hình thức chế tài để áp dụng, vậy sẽ chọn biện pháp nào, thu hồi hay tước quyền sử dụng? Đặc biệt là, trong trường hợp hai biện pháp này có hậu quả pháp lý nặng nhẹ khác nhau, nếu tước thì thời gian tối đa chỉ lên đến 24 tháng, nếu thu hồi sẽ không tính đến vấn đề thời hạn. Hoặc một tình huống khác được đặt ra: thời gian cá nhân, tổ chức vi phạm được cấp lại giấy phép chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi có thể ngắn hoặc dài hơn thời gian tước quyền sử dụng và người có thẩm quyền được lựa chọn áp dụng theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm (ví dụ như: Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 36 Luật du lịch chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 36 Luật du lịch chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực).
Trong điều kiện quy định pháp luật về vấn đề tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề đang có sự song song và tản mát trong các văn bản pháp luật khác nhau như hiện nay thì việc quy định rõ việc ưu tiên áp dụng biện pháp nào trong thời gian trước mắt là hết sức cần thiết, hạn chế tối đa sự tuỳ tiện của người có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật.
Về lâu dài, việc hoàn thiện pháp luật Luật XLVPHC cũng cần phải đặt trong tương quan với hoàn thiện các văn bản pháp luật khác nhưng không đơn thuần chỉ là hoàn thiện ở cấp độ đơn lẻ ở một vài văn bản mà cần có sự thay đổi mang tính tư duy hệ thống về vấn đề này mới có thể có định hướng cụ thể cho việc xác định trường hợp nào phải thu hồi, trường hợp nào tước quyền sử dụng hợp pháp và ngược lại. Trong phạm vi bài viết này, tác giả cho rằng, bài toán này cần được giải quyết từ gốc. Cụ thể là, đối với các Luật điều chỉnh những lĩnh vực cụ thể, khi quy định biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề cần xác định rõ tính chất của biện pháp thu hồi là một biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo đó, nó hướng tới mục tiêu sửa chữa sai phạm hoặc bảo đảm tác dụng, hiệu quả của công tác quản lý hành chính nhà nước thông qua việc cấp giấy  phép, chứng chỉ hành nghề, do biện pháp thu hồi không phải chế tài xử phạt vi phạm hành chính nên không thực sự chú trọng mục đích trừng phạt, răn đe đối tượng vi phạm. Theo đó, cần quy định rõ trong các văn bản pháp luật nội dung của từng lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng, các trường hợp vi phạm nào sẽ bị thu hồi và các trường hợp bị thu hồi sẽ không thuộc diện bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề với tư cách là chế tài xử phạt.
Về phần Luật XVPHC, để bảo đảm tính toàn diện hơn, về lâu dài cũng cần mở rộng hơn các trường hợp thu hồi giấy phép, chửng chỉ hành nghề đã được quy định trong văn bản pháp luật nội dung thuộc các lĩnh vực như đã đề cập, kiến nghị ở điểm 3.1 nêu trên để bảo đảm xử lý triệt để các sai phạm mà người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phát hiện trong quá trình thi hành công vụ. Ở cấp văn bản có hiệu lực thấp hơn Luật, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào quy phạm nội dung để xác định hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với hành vi cụ thể, tương ứng với điều kiện các hành vi này nằm ngoài giới hạn của biện pháp thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tác giả cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tách bạch theo hướng đề xuất đã nêu là có tính khả thi hơn cả.
          Nguyễn Thanh Hà - PCT Cục QLXLVPHC&TDTHPL
 
[1] Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP hiện tại đang trình Chính phủ.

 [LTB1]Nên viết đầy đủ tên của Nghị định!

Xem thêm »