Hà Nội: tổ chức góp ý 4 Dự án luật

20/04/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong 2 ngày (18-19/4/2006) Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào 4 dự án luật, gồm: Luật Công nghệ thông tin; Luật tiêu chuẩn hóa; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Phòng chống HIV/AIDS.

 Tại hội nghị các đại biểu cho rằng Công nghệ thông tin (CNTT) là một lĩnh vực mới mẻ, mang tính chuyên ngành cao và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta, đòi hỏi phải sớm có Bộ Luật về lĩnh vực này. Tuy nhiên phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo Luật vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng với tư tưởng xuyên suốt là "tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT". Một số ý kiến đề nghị cần giải thích rõ hơn các cụm từ "ứng dụng CNTT", "phát triển CNTT" được quy định tại khoản 3, 4 điều 4. Đề nghị bổ sung quy định chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước dành cho hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; chính sách ưu đãi đối với hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và người tàn tật... Luật không nên quy định quá chi tiết những nội dung cơ bản liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về CNTT của các bộ, ngành, vì ứng dụng-phát triển CNTT có liên quan và ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Các Điều 71, 72, 73 (mới): Về chống thư rác, chống vi rút máy tính và phần mềm gián điệp, bảo đảm an ninh, bí mật thông tin... đề nghị phải có chế tài thật cụ thể để bảo đảm tính nghiêm minh của Luật.

Về Luật tiêu chuẩn hóa (TCH), gồm 7 chương 67 điều, các đại biểu đã tham gia đóng góp vào từng khoản, mục làm rõ nội dung của Luật theo tinh thần: đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một nền kinh tế đang chuyển đổi ở nước ta, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng liên kết khu vực, quốc tế hiện nay. Về thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn quốc gia, có 2 loại ý kiến khác nhau: thứ nhất đề nghị giao cho Bộ trưởng quản lý nhà nước về TCH ban hành tiêu chuẩn quốc gia, trừ 4 lĩnh vực (bí mật an ninh, quốc phòng, môi trường, dược phẩm) do Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Thứ 2: thu hẹp lĩnh vực mà các bộ quản lý chuyên ngành được ban hành tiêu chuẩn quốc gia. Bộ trưởng quản lý nhà nước về TCH ban hành tiêu chuẩn quốc gia, trừ 2 lĩnh vực (bí mật an ninh, quốc phòng) do Bộ trưởng quản lý chuyên ngành ban hành. Có ý kiến đề nghị Luật TCH chỉ nên quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về đánh giá sự phù hợp, còn các quy định cụ thể đưa vào Luật Chất lượng...

Tham gia góp ý kiến xây dựng dự án Luật Phòng, chống HIV/AIDS, các đại biểu đề nghị cần sớm đưa vào Luật quy định những người đangtham gia bảo hiểm y tế có HIV sẽ được bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với dự thảo luật về đảm bảo quyền học tập của trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học có HIV; không nên mở các trường, lớp riêng để tránh mặc cảm và sự phân biệt giữa các em với cộng đồng.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), các đại biểu đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như dự thảo, gồm BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và BHXH tự nguyên; nhằm từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Một số ý kiên cho rằng nếu có chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm. Đây cũng là yếu tố để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt nam gia nhập WTO. Trái ngược với ý kiến này, một số đại biểu lại cho rằng Luật không nên điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp và BHXH vì bảo hiểm thất nghiệp là vấn đề mới cần xem xét kỹ và thực hiện thí điểm trước khi đưa ra áp dụng để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Luật./.

(Theo cpv.org.vn)

Xem thêm »