Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền của trẻ em – định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật

26/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong tổng số các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tới 128 bài viết Người đề cập đến trẻ em và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; trong đó có tới 60 bức thư, bài thơ, bài nói chuyện của Người gửi trực tiếp đến thiếu niên, nhi đồng chứng tỏ trẻ em luôn có vị trí vô cùng đặc biệt đối với Người. Thông qua các bài báo, bài viết cùng với những việc làm cụ thể, thiết thực của Người đã toát lên những quan điểm cơ bản của Người về quyền của trẻ em. Những quan điểm đúng đắn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam soi đường cho Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, chính sách và pháp luật thực hiện quyền của trẻ em Việt Nam hiện nay.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền của trẻ em
Thứ nhất, chế độ thực dân đã thực hiện nhiều tội ác, xâm phạm quyền của trẻ em Việt Nam và các dân tộc thuộc địa:
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu và quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em ở thuộc địa. Trong mọi cuộc chiến tranh, trẻ em luôn là nạn nhân chịu mất mát, đau thương và gánh hậu quả nặng nề nhất, bởi trẻ em là những người không có khả năng tự bảo vệ bản thân trước mọi biến cố của xã hội. Chế độ thực dân chà đạp lên quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền của trẻ em ở xứ thuộc địa.
Quyền được sống là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người, và điều này đã được chính Pháp, Mỹ khẳng định trong Tuyên ngôn của mình. Nhưng cũng chính những người đó đã tước đi quyền cơ bản nhất của trẻ em - quyền sống. Điển hình cho tội ác của mình, Mỹ đã “dùng bom napan và hơi độc để giết chết trẻ con và người bệnh Việt Nam”.[1] Đối với họ, mạng của một người An Nam “không đáng một trinh”, đây chính là lời tố cáo đanh thép nhất cho tội ác của thực dân đối với trẻ em Việt Nam.
Chế độ thực dân chà đạp lên danh dự, nhân phẩm của trẻ em ở Việt Nam. Trong khi Pháp luôn rêu rao cái gọi là “khai hóa văn minh” cho người An Nam, thì ở xứ thuộc địa ấy, thói bạo dâm là “một hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể nào tưởng tượng được[2], ngay cả đứa trẻ 12 tuổi, cụ già 70, phụ nữ có thai hay những bà mẹ đang cho con bú chúng cũng không tha.
Bên cạnh đó, chế độ thực dân đã tước đi quyền được học tập, quyền được phát triển trí tuệ của trẻ em An Nam. Để truyền bá “văn minh” của nước mẹ Pháp, chúng thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Tình trạng nhà tù nhiều hơn trường học, và lúc nào cũng chật kín người trở nên phổ biến ở chế độ này. Người nêu rõ: “Thế mà người An Nam lại đã có: những 10 trường học, những 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện cho 1.000 làng kia đấy[3]. Một số trường học thực dân mở ra làm hình thức, thực chất đó là “một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa”.[4]
Không dừng ở đó, trẻ em ở Đông Dương và các xứ thuộc địa khác còn bị lợi dụng, bóc lột sức lao động, bắt trẻ nộp thuế môn bài hàng tháng v.v. Mô tả tình cảnh thê thảm của trẻ em ở Ấn Độ, Người viết: “những trẻ em từ 12 đến 13 tuổi bò trong những đường hầm chật hẹp, vừa đi bằng bốn chân, vừa dùng răng kéo một thúng đầy.v.v.[5]. Đó cũng là tình trạng tương tự của trẻ em Trung Quốc: “Từ 7 - 8 tuổi đã phải lao động mỗi ngày 12 - 13 giờ trong suốt cả năm, các em không còn thời gian và khả năng để học tập. Các em hầu như nhất loạt mù chữ, đa số mắc bệnh lao”.[6]
Chứng kiến tội ác của thực dân đối với người dân thuộc địa, Người thấu hiểu, thấu cảm nỗi đau của trẻ em. Vì vậy, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người luôn đấu tranh để bảo vệ quyền của trẻ em Việt Nam trên cả lý luận và thực tiễn.
Thứ hai, trẻ em là tương lai của đất nước:
Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người luôn dành một sự quan tâm sâu sắc và cảm động đối với trẻ em. Người quan niệm, trẻ em là mầm non của dân tộc, là người chủ tương lai, quyết định vận mệnh của đất nước. Người nói: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới[7]. Tương lai của nước nhà bị phụ thuộc chặt chẽ vào việc giáo dục, rèn luyện các em ngay từ nhỏ:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Người đặt niềm tin yêu mạnh mẽ vào trí tuệ và phẩm chất của công dân nhỏ tuổi. Trong bức thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập, Người khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.[8] Câu nói của Người đã khắc sâu trong tâm khảm của các thế hệ trẻ Việt Nam, trở thành động lực thôi thúc các em phấn đấu không ngừng trên mọi lĩnh vực, nhất là trong học tập góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà.
Thứ ba, trẻ em có những quyền cơ bản:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trẻ em ở một vị trí công dân nhỏ tuổi. Khi Nhà nước độc lập thì các em trở thành những tiểu quốc dân của một nước độc lập. Có thể thấy, ngay từ sớm, Người đã nhận thấy trẻ em là một cá thể có các quyền cơ bản của một con người và cần được tôn trọng. Theo Người, quyền của trẻ em gắn liền với quyền dân tộc, dân tộc không được giải phóng thì trẻ em không được bảo vệ, chăm sóc, không được hưởng các quyền lợi cơ bản của mình. Đất nước không được giàu mạnh thì trẻ em không được ấm no, hạnh phúc.  
Với Người, trẻ em là những chủ thể còn non nớt vể thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí đến việc bày tỏ ý kiến và tham gia những hoạt động tập thể. Quan điểm này của Người thấm đượm chủ nghĩa nhân văn và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Người nói:
“Trẻ em như búp trên cành,
 Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.[9]
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Người xác định là vấn đề mang tính chiến lược trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Điều đó được khẳng định ngay từ những năm tháng đầu tiên Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, dù trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trong Bản yêu sách tám điểm gửi đến Hội nghị Vécxây, Hồ Chí Minh không chỉ tố cáo tội ác của bọn thực dân đối với con người mà còn đòi các quyền tự do dân chủ cho người An Nam, trong đó có quyền “tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.[10]
Trong Chánh cương vắn tắt do Hồ Chí Minh soạn thảo, được thông qua tại Đại Hội thành lập Đảng, Người chủ trương“phổ thông giáo dục theo công nông hóa”.[11]
Trong Chương trình Việt Minh đã quy định rất rõ chính sách văn hóa, giáo dục đối với trẻ em:
“- Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bậc sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình…
- Học sinh. Bỏ học phí, bỏ khai sinh hạn tuổi. Mở thêm trường học. Giúp đỡ học trò nghèo.
- Nhi đồng. Được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục.
- Giúp đỡ các gia đình đông con.
- Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con.[12]
Ngay từ khi mới giành được độc lập, một trong những chính sách lớn đầu tiên của nước ta là “diệt giặc dốt”. Những phong trào rộng khắp như: bình dân học vụ, bổ túc văn hóa v.v. do Nhà nước phát động đã giúp 90% dân số mù chữ ở nước ta trong thời kỳ ấy được hưởng quyền giáo dục.
Quyền của trẻ em đã được thể chế hóa trong đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Bản Hiến pháp năm 1946 gồm 7 chương, 70 điều, trong đó, Chương 2 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Quyền được học tập của trẻ em được quy định cụ thể, rõ ràng tại Điều thứ 15 Hiến pháp năm 1946: Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Đây là những quy định mang tính pháp lý cao nhất lúc bấy giờ, khẳng định quyền được học tập, quyền được vui chơi, quyền được bảo vệ và chăm sóc v.v. của trẻ em Việt Nam. Quan điểm nhất quán về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp sau đó.
Thứ tư, trẻ em có trách nhiệm và bổn phận:
Bên cạnh việc khẳng định quyền của trẻ em, những lợi ích mà trẻ em được hưởng thụ thì Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của trẻ em đối với đất nước. Việc khẳng định trách nhiệm của trẻ em trong kháng chiến và kiến quốc thể hiện niềm tin sâu sắc của Người đối với trẻ em. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tuỳ theo sức của mình”.[13]
Trong bài thơ Trẻ con đăng trên báo Việt Nam độc lập (số 106) ngày 21/9/1941, Người kêu gọi các con trẻ nước ta phải đoàn kết lại để mà đấu tranh, góp phần đưa kháng chiến thắng lợi. Người đưa ra hình thức đấu tranh rất thiết thực và cụ thể: “Thi đua học tập, thi đua giúp tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ gia đình các thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”.[14] Đồng thời, Người cổ vũ, động viên khích lệ thiếu niên, nhi đồng tham gia vào đoàn thể cứu quốc, coi đó là một lực lượng giải phóng dân tộc: ““Nhi đồng Cứu quốc” Hội ta, Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh, Ấy là bộ phận Việt Minh”.[15]
Khi nước nhà độc lập, các em may mắn được tiếp nhận một nền giáo dục dân chủ mới, Người đặt trách nhiệm cho các em phải làm thế nào để đền đáp công lao của các anh hùng đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập Tổ quốc. Người khuyên các em phải nỗ lực cố gắng, ra sức học tập để kiến thiết đất nước, xứng đáng là con cháu Hồng - Lạc, “tiểu ông chủ” của một nước độc lập, tự do.
Khẳng định trẻ em là người chủ nước nhà, Người khuyên các em cần rèn luyện đạo đức cách mạng để trở thành công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Trong Thư gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (ngày 15/5/1961), Người nêu rõ 5 điều: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kêt tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Thật thà, dũng cảm”.[16]
Như vậy, gắn liền quyền và trách nhiệm của trẻ em, Hồ Chí Minh từng bước nâng cao ý thức tự giác của trẻ em để phát huy mọi khả năng của các em, để trau dồi kiến thức, phẩm hạnh của mình phục vụ cho Tổ quốc.
Thứ năm, Đảng, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, Người chỉ rõ: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.[17] Trước hết, các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Sau đó, các đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Đối với Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.
Muốn các em trở thành những công dân tốt, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể xã hội trong việc giáo dục trẻ em, khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân. Đối với các cán bộ phụ trách nhi đồng, Người lưu ý: giáo dục nhi đồng là một khoa học, cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu. Đồng thời, Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quan điểm hết sức sáng suốt. Nó thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với trẻ em.
Quan điểm Hồ Chí Minh về quyền của trẻ em là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm các nội dung toàn diện và sâu sắc về những vấn đề liên quan đến trẻ em: vị trí, vai trò; các quyền cơ bản như quyền sống, quyền được học tập, quyền được vui chơi giải trí, quyền được bảo vệ, chăm sóc v.v. Đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta hoàn thiện cơ sở pháp lý và hiện thực hóa quyền của trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
2. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em ở Việt Nam theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam, vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã nâng lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đường lối của Đảng được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng kể từ khi ra đời đến nay như: Chỉ thị số 17/CT/TW ngày 01/9/1947 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về Công tác thanh vận; Chỉ thị số 197/CT/TW ngày 19/3/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác thiếu niên, nhi đồng; Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng khóa VII (ngày 30/5/1994) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII (ngày 28/6/2000) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới v.v. Đây là tư tưởng xuyên suốt của Đảng qua các thời kỳ đại hội sau đó về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xác định sự nghiệp này được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đường lối của Đảng đã lần lượt được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia. 
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em (ngày 20/02/1990). Cho nên, Việt Nam phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật quốc tế về quyền trẻ em.
Cho đến nay, về cơ bản hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Quyền trẻ em đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế và ứng phó kịp thời với những mối quan hệ xã hội mới, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.
Trong hệ thống pháp luật, Hiến pháp là đạo luật cơ bản đồng thời là cơ sở pháp lý cao nhất đối với việc bảo đảm các quyền trẻ em. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa đầy đủ và toàn vẹn những giá trị tốt đẹp nhất của các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) về quyền của con người, đặc biệt đề cao quyền trẻ em. Hiến pháp năm 2013 đã cụ thể hóa đường lối của Đảng bằng việc quy định rõ: các quyền công dân, trong đó có các quyền trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển mới; quyền và bổn phận của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong việc bảo vệ quyền trẻ em; Hiến pháp coi quyền trẻ em là một bộ phận của quyền con người; đặt quyền và bổn phận trẻ em trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ của công dân và coi đó là một bộ phận không thể tách rời v.v.
Trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em như: Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hiện nay là Luật Giáo dục năm 2019; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Bộ luật Lao động năm 2012 và hiện nay là Bộ luật Lao động năm 2019; Bộ luật Dân sự năm 2005 và hiện nay là Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 v.v. Khái quát lại, quyền trẻ em được pháp luật Việt Nam hiện hành ghi nhận trên các khía cạnh cơ bản sau:
Quyền sống: đây là quyền đầu tiên trẻ em được hưởng và phải bảo vệ. Quyền sống của trẻ em gắn liền với quyền sống của con người nói chung và được quy định chặt chẽ trong Điều 19 Hiến pháp năm 2013, Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016: trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Ngoài ra, nội dung của quyền này còn được ghi nhận tại khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: mọi trẻ em đều bình đẳng trước các cơ hội được hưởng quyền học tập dù hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau. Đồng thời, Nhà nước và gia đình phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để mọi trẻ em trong độ tuổi được giáo dục phổ cập. Nội dung này được quy định rất rõ tại Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016, Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019.
Quyền được chăm sóc sức khoẻ: trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh; trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh và được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Điều này được cụ thể hóa trong Luật Trẻ em năm 2016 tại Điều 14, Điều 43 và Điều 84; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Điều 15 Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Trẻ em 2016 và Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (nay là Điều 24 và 27 Luật Giáo dục năm 2019) còn xác định trách nhiệm của Nhà nước và cơ sở giáo dục mầm non trong việc đảm bảo thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Quyền vui chơi, giải trí: trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi. Nội dung này được quy định tại Điều 17 Luật Trẻ em năm 2016.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều quyền khác của trẻ em được đảm bảo như: quyền được bảo vệ, quyền được khai sinh, quyền có quốc tịch, quyền có tài sản, quyền được bảo vệ, quyền được sống chung với cha mẹ v.v.
Có thể thấy, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về quyền trẻ em mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về quyền trẻ em giờ đây và mãi về sau vẫn giữ nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thời đại: “Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai”. Đó là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.
3. Kết luận
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng đấu tranh để đem lại các quyền cơ bản cho trẻ em bởi Người hiểu rằng trẻ em chính là chủ nhân tương lai của đất nước, quyết định sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Người. Với tầm nhìn vượt thời đại, cho đến nay, quan điểm của Người về quyền trẻ em chính là cơ sở khoa học đầu tiên để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Tiếp tục khai thác quan điểm của Người về quyền trẻ em và cụ thể hóa nó vào hệ thống pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng, Nhà nước và những người phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay./.

ThS. Nguyễn Thị Lý*
 
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.14, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 611.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 114.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 42.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 424.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 145.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 479.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 186.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 35.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 240.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 470.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 1.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 631 - 632.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 499.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 91.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 280.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 131.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, Hà Nội, tr. 578.
 
* Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội.

Xem thêm »