Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư phápLuật lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Đây là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (bao gồm: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp) trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp không chỉ thực hiện lập Lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp mà còn thực hiện xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp. Điều này có nghĩa là, thông tin trong lý lịch tư pháp không phải được lưu trữ mãi mãi mà tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật sẽ được xóa bỏ. Bài viết đề cập đến quy định của pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp, một số vấn đề đặt ra liên quan đến xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này. 1. Quy định của pháp luật về xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp
Ở mỗi quốc gia khác nhau, pháp luật đều có quy định việc xóa bỏ thông tin trong LLTP. Ở Việt Nam, cùng với việc quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin LLTP, lập LLTP, cập nhật thông tin LLTP về án tích và về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, pháp luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc xóa bỏ thông tin trong LLTP. Luật LLTP năm 2009 quy định “Trường hợp người bị kết án về một tội nhưng tội phạm này được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật hình sự thì thông tin về tội đó được xóa bỏ trong lý lịch tư pháp của người đó”[1], “Thông tin về việc cá nhân không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được xóa bỏ trong lý lịch tư pháp của cá nhân đó khi hết thời hạn theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án”[2]. Theo đó, việc xóa bỏ thông tin trong LLTP được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Người bị kết án (người có LLTP) chết[3]. Quy định này của pháp luật Việt Nam cũng giống với pháp luật của một số nước trên thế giới như Cộng hòa Pháp[4], Phần Lan[5] (tất cả các thông tin về một người sẽ bị xóa bỏ khỏi LLTP sau khi người đó chết), Cộng hòa Liên Bang Đức[6].
(ii) Tội phạm được xóa bỏ theo quy định của Bộ luật hình sự (LLTP của người bị kết án chỉ được lập trên cơ sở bản án tuyên duy nhất về một tội mà tội phạm đó được xóa bỏ theo quy định của pháp luật hình sự)[7]. Trong khi đó, pháp luật Cộng hòa Pháp quy định xóa bỏ thông tin trong LLTP khi tội phạm được xóa theo luật đặc xá, đại xá[8] “Phải rút khỏi lý lịch tư pháp những phiếu về hình phạt đã được đại xá (Luật số 92-1336 ngày 16/12/1992)"[9].
(iii) Khi có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và LLTP của người bị kết án chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định bị hủy thì LLTP của người đó được xóa bỏ trong cơ sở dữ liệu LLTP[10]. Cơ sở dữ liệu LLTP là tập hợp các thông tin LLTP về án tích, thông tin LLTP về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật LLTP[11]. Cơ sở dữ liệu LLTP bao gồm hồ sơ LLTP bằng giấy và dữ liệu LLTP điện tử[12]. Hồ sơ LLTP bằng giấy và dữ liệu LLTP điện tử đều là căn cứ để xác định một người có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản[13].
Giống như pháp luật Việt Nam, Pháp luật Cộng hòa Pháp quy định thông tin trong LLTP được xóa bỏ khi “Bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”[14].
(iv) Khi nhận được quyết định thi hành án tử hình do Tòa án cung cấp (LLTP của người bị tuyên án tử hình và Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp nhận được quyết định thi hành án tử hình do Tòa án cung cấp)[15].
(v) Khi hết thời hạn cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án (LLTP chỉ được lập trên cơ sở quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án, trong đó có nội dung cấm cá nhân thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã và đã hết thời hạn cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án)[16].
Liên quan đến cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, pháp luật Cộng hòa Pháp quy định: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ điều hành doanh nghiệp được xóa sau thời hạn 5 năm kể từ khi quyết định có hiệu lực pháp luật[17]. Luật số 92-1336 ngày 16/12/1992 "Cũng được rút khỏi lý lịch tư pháp: Những bản án tuyên về phá sản cá nhân hoặc cấm quyền theo Điều L.653-8 Bộ luật thương mại nói trên nhưng đã được xóa bằng một bản án về hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, hoặc một bản án xoá án, hoặc đã quá hạn 5 năm kể từ ngày những bản án đó đã trở thành nhất định, hoặc đã quá hạn 5 năm đối với bản án quyết định việc thanh lý tư pháp đối với một thể nhân, tính từ ngày bản án đó trở thành nhất định…. Tuy nhiên, nếu thời gian phá sản cá nhân hoặc cấm quyền là trên 5 năm thì những hình phạt có liên quan đến những biện pháp đó vẫn được ghi trong những phiếu LLTP trong thời gian đó”[18].
Ở một số nước trên thế giới, bên cạnh những quy định về xóa bỏ thông tin trong LLTP có sự tương đồng với pháp luật Việt Nam như đã nêu trên, pháp luật các nước cũng có những quy định khác với pháp luật Việt Nam, theo đó, tùy từng loại tội phạm khác nhau mà pháp luật đưa ra các thời hạn nhất định để xóa bỏ thông tin trong LLTP.
- Tại Phần Lan, pháp luật quy định các thông tin sẽ bị xóa khỏi LLTP[19]:
(i) Sau năm năm, các thông tin về án tù treo, phạt tiền, lao động công ích hoặc giám sát kèm theo án tù treo, hình phạt áp dụng với người chưa thành niên, phạt tiền thay vì áp dụng hình phạt với người chưa thành niên, miễn nhiệm, phạt tiền được ấn định trên cơ sở quy định điều chỉnh trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp.
(ii) Sau mười năm, các thông tin về án phạt tù không quá hai năm và lao động công ích; và
(iii) Sau hai mươi năm, các thông tin về án phạt tù từ hơn hai năm đến năm năm, và hủy bỏ bản án theo quy định tại chương 3, mục 3, Bộ luật Hình sự tính từ ngày bản án chung thẩm được thông qua.
- Tại Cộng hòa Pháp, các thông tin trong LLTP cũng được xóa bỏ khi thuộc một trong các trường hợp như:
(i) Xóa án tích theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án[20] “đã được xoá án đương nhiên hoặc do Toà án quyết định" hoặc được sửa đổi theo một quyết định về sửa lý lịch tư pháp[21].
(ii) Sau thời hạn 40 năm kể từ khi hình phạt được tuyên nếu đương sự không phạm tội mới và bị kết án trong thời gian đó[22] “Cũng được rút khỏi lý lịch tư pháp những phiếu về hình phạt đã được tuyên trên 40 năm mà sau đó không bị xử phạt đối với tội mới về trọng tội hoặc khinh tội, trừ những hành vi không được áp dụng thời hiệu”[23].
(iii) Khi bản án kèm theo án treo, được coi là chưa từng tồn tại[24] “Những hình phạt được hưởng án treo một phần hoặc toàn bộ, có hay không có thời gian thử thách, đã hết hạn quy định tại các Điều 133-13 và Điều 133-14 Bộ luật hình sự, tính từ ngày các hình phạt đó được coi là không có”[25], “Những hình phạt được hưởng án treo khi những hình phạt này được coi như không có”[26].
(iv) Bản án về tội vi cảnh được xóa 3 năm kể từ khi có hiệu lực pháp luật[27] “Những hình phạt vi cảnh sau 3 năm kể từ ngày việc xử phạt trở thành nhất định”[28].
(v) Quyết định miễn chấp hành hình phạt được xóa sau thời hạn 3 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật[29] “Những quyết định miễn hình phạt sau 3 năm kể từ ngày quyết định đó trở thành nhất định”[30].
(vi) Bản án nước ngoài được xóa sau thời hạn 40 năm[31].
(vii) Bản án đối với trẻ vị thành niên được xóa sau thời hạn 3 năm kèm theo một số điều kiện[32].
(viii) Quyết định xử lý kỷ luật được xóa khi tòa án ra quyết định công nhận đương sự chấp hành xong hình phạt[33] “Những quyết định về kỷ luật đã được xóa”[34].
Bên cạnh đó, pháp luật các nước cũng quy định việc xóa bỏ thông tin trong LLTP khi “Người bị kết án được 100 tuổi”[35] (Cộng hòa Pháp) hay pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức[36] (khi người có LLTP là những người già trên 90 tuổi).
2. Một số vấn đề đặt ra liên quan đến xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay
Qua tìm hiểu, nghiên cứu quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia về xóa bỏ thông tin trong LLTP, tác giả thấy rằng, pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước có những quy định tương đối giống nhau như quy định về xóa bỏ thông tin trong LLTP khi có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và LLTP của người bị kết án chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định bị hủy hay khi người có LLTP chết.… So với pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam quy định tương đối đầy đủ về thủ tục, thẩm quyền xóa bỏ thông tin trong LLTP cũng như tiêu hủy hồ sơ LLTP bằng giấy và xóa bỏ dữ liệu LLTP điện tử[37]. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về xóa bỏ thông tin trong LLTP, chúng tôi thấy rằng có một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục có sự nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi, bổ sung để tiếp tục có sự hoàn thiện hơn nữa các quy định này, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định giữa các văn bản pháp luật của Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về độ tuổi của người có LLTP trong việc được xóa bỏ thông tin trong LLTP. Trong khi đó, pháp luật các nước đều có quy định về việc xóa bỏ thông tin trong LLTP khi người có LLTP là người già trên 90 tuổi (Cộng hòa Liên bang Đức) hoặc đến 100 tuổi (Cộng hòa Pháp).
Thứ hai, Luật LLTP chưa có hướng dẫn xóa bỏ thông tin trong LLTP đối với trường hợp người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích.
Theo quy định của Luật LLTP, LLTP chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[38], trừ ba trường hợp sau đây thì sẽ không lập LLTP[39]:
(i) Nhận được quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù trong trường hợp người đang chấp hành án phạt tù chết, thông báo phạm nhân chết nhưng chưa nhận được bản án hoặc các quyết định, giấy chứng nhận khác có liên quan đến án tích của người đó.
(ii) Nhận được bản án có hiệu lực pháp luật tuyên bị cáo vô tội hoặc tuyên miễn trách nhiệm hình sự.
(iii) Nhận được quyết định thi hành bản án hoặc quyết định thi hành án tử hình nhưng chưa nhận được bản án hoặc các quyết định, giấy chứng nhận khác có liên quan đến án tích của người đó.
Ngoài ba trường hợp nêu trên, đối với người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, người được miễn hình phạt và người dưới 18 tuổi bị kết án vẫn thuộc trường hợp lập LLTP. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích[40]. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này”.
Như vậy, kể từ thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành, đối với người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, cơ quan, người có thẩm quyền cần làm rõ những trường hợp này có phải lập LLTP hay không. Về vấn đề này, hiện nay có hai ý kiến khác nhau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, những trường hợp này vẫn phải lập LLTP vì phù hợp với một trong những nguyên tắc quản lý LLTP quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật LLTP “Lý lịch tư pháp chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…”.
- Ý kiến thứ hai cho rằng, những trường hợp này không phải lập LLTP vì LLTP theo quy định của Luật LLTP là “lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”[41]. Kết hợp cả quy định về khái niệm LLTP và nguyên tắc quản lý LLTP theo quy định của Luật LLTP, thì phải coi đây là một trong những trường hợp không phải lập LLTP. Những trường hợp này nếu đã lập LLTP thì cần xác định thuộc một trong các trường hợp xóa bỏ thông tin trong LLTP vì đều “không bị coi là có án tích”, “được coi là không có án tích”.
3. Một số đề xuất, kiến nghị, góp phần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về xóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp
Để việc xóa bỏ thông tin trong LLTP bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định giữa các văn bản pháp luật về LLTP và Bộ luật hình sự, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, trong thời gian tới đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền:
Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp xóa bỏ thông tin trong LLTP như quy định về xóa bỏ thông tin trong LLTP đối với người đã bị kết án (người có LLTP) khi người đó là người cao tuổi[42] (người già). Việc quy định về xóa bỏ thông tin trong LLTP đối với người cao tuổi (người già) cần nghiên cứu, căn cứ trên cơ sở tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục có sự tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các quy định pháp luật về LLTP, qua đó, tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định cụ thể về việc lập hay không lập LLTP đối với (i) người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt. (ii) Người dưới 18 tuổi bị kết án vì những trường hợp này đều “không bị coi là có án tích”, “được coi là không có án tích”. Tác giả cho rằng, những trường hợp này không lập LLTP (cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP vẫn tiếp nhận các thông tin LLTP nhưng cập nhật, lưu trữ riêng để phục vụ cho công tác tra cứu thông tin để cấp Phiếu LLTP), bảo đảm phù hợp, thống nhất với khái niệm về LLTP – là lý lịch về án tích theo quy định của Luật LLTP, đồng thời vẫn bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quản lý LLTP. Trường hợp vẫn lập/đã lập LLTP[43] đối với (i) người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt. ii) Người dưới 18 tuổi bị kết án, thì cần nghiên cứu sửa đổi khái niệm về LLTP theo quy định của Luật LLTP, đồng thời, nghiên cứu, cân nhắc bổ sung hướng dẫn việc xóa bỏ thông tin trong LLTP đối với các trường hợp này vì đây đều là những trường hợp “không bị coi là có án tích”, “được coi là không có án tích”./.
Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp.
[1] Xem: Điều 35 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[2] Xem: Điều 39 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[3] Xem: Điểm g khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 20 và điểm a khoản 1 Điều 24 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[4] Xem: Gạch đầu dòng thứ mười hai, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[5] Xem: Mục 10 Luật lý lịch tư pháp năm 1993 (được sửa đổi năm 2002).
[6] Xem: Điều 24 Luật về đăng ký lý lịch tư pháp trung ương về người phạm tội và đăng ký về việc đưa vào cơ sở giáo dục (BZRG) năm 1984 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016).
[7] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 24 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[8] Xem: Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[9] Xem: Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[10] Xem: Điểm d khoản 1 Điều 13, điểm c khoản 1 Điều 24 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[11] Xem: Khoản 1 Điều 11 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[12] Xem: Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp.
[13] Xem: Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lý lịch tư pháp.
[14] Xem: Gạch đầu dòng thứ hai, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[15] Xem: Điểm d khoản 1 Điều 24 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[16] Xem: Điểm đ khoản 1 Điều 24 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[17] Xem: Gạch đầu dòng thứ mười, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[18] Xem: Khoản 1 Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[19] Xem: Mục 10 Luật Lý lịch tư pháp năm 1993 (được sửa đổi năm 2002).
[20] Xem: Gạch đầu dòng thứ ba, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[21] Xem: Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[22] Xem: Gạch đầu dòng thứ tư, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[23] Xem: Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002) .
[24] Xem: Gạch đầu dòng thứ năm, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[25] Xem: Khoản 3 Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[26] Xem: Khoản 3 Điều 775A – 1A Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[27] Xem: Gạch đầu dòng thứ sáu, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[28] Xem: Khoản 5 Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[29] Xem: Gạch đầu dòng thứ bảy, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[30] Xem: Khoản 4 Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[31] Xem: Gạch đầu dòng thứ tám, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[32] Xem: Gạch đầu dòng thứ chín, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[33] Xem: Gạch đầu dòng thứ mười một, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[34] Xem: Khoản 2 Điều 769 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (được sửa đổi bởi Pháp lệnh số 2000-916 ngày 19/9/2000, Điều 3 (V) Công báo ngày 22/9/2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002).
[35] Xem: Gạch đầu dòng thứ mười hai, điểm 3.3.1 mục 3.3 của “Kỷ yếu hội thảo về lý lịch tư pháp”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội, ngày 08/11/2010.
[36] Xem: Điều 24 Luật về đăng ký lý lịch tư pháp trung ương về người phạm tội và đăng ký về việc đưa vào cơ sở giáo dục (BZRG) năm 1984 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016).
[37] Xem: Khoản 2,3,4,5 Điều 24 và khoản 3,4 Điều 26 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[38] Xem: Khoản 1 Điều 4 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[39] Xem: Điều 12 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
[40] Xem: Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[41] Xem: Khoản 1 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[42] Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.
[43] Kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành (01/01/2018).