Đảm bảo tính khả thi, phù hợp về nội dung, cách thức đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

20/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Để xây dựng nông thôn mới, cùng với các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao còn có tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới được triển khai thực hiện từ giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo toàn diện, phù hợp thực tế với 09 tiêu chí lớn (Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó đã bổ sung mới tiêu chí thành phần huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào chí 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công. Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tiếp tục kế thừa tiêu chí thành phần về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó khẳng định ý nghĩa, sự cần thiết của thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng từ cấp xã đã mở rộng đến cấp huyện để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Triển khai nhiệm vụ, các bộ, ngành có liên quan đã và đang tích cực, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí thuộc chức năng quản lý của mình, tạo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng huyện và xã nông thôn mới được kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn nội dung và cách thức đánh giá huyện, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay nội dung và cách thức đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện  theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Còn huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật lần đầu tiên được quy định tại Quyết định số 320/QĐ-TTg. Để có sự thống nhất, thông suốt, đặt trong tổng thể đánh giá các tiêu chí huyện đạt nông thôn mới và xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thiết nghĩ nội dung và cách thức đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần bám sát một số yêu cầu như sau:
1. Mục đích đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao của chính quyền trong tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm, thực hiện các quyền của người dân. Như vậy sẽ đảm bảo thống nhất với mục đích đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ cho người dân. Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Theo đó để nhất quán, việc thực hiện và đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền huyện trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, đảm bảo tổ chức thi hành pháp luật một cách hiệu quả để phục vụ người dân là cần thiết và phù hợp.
2. Nội dung của huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo gọn nhẹ, định lượng, phù hợp, khả thi, tập trung vào các nhiệm vụ giao cho chính quyền huyện. Các tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, y tế - văn hóa – giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nội dung thành phần 9.6 thuộc tiêu chí 9 cùng với 05 nội dung khác: (i) Đảng bộ, chính quyền huyện được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (ii) Tổ chức chính trị - xã hội của huyện được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (iii) Trong 02 năm liên tục trước năm công nhận không có công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Đảm bảo an ninh, trật tự; (v) Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên.  
Hơn nữa nội dung của tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tránh trùng lắp, chồng chéo với các tiêu chí khác thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới để không gây lãng phí thời gian, công sức; đồng thời đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện. Trong đó chính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, chính quyền cấp huyện không chỉ trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà còn có vai trò, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã trên địa bàn triển khai nhiệm vụ, do vậy cần tính tới yếu tố này khi xác định nội dung của tiêu chí đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp. Có thể tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền huyện trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; triển khai công tác tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…. Trong đó chú trọng tới việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong một số lĩnh vực quan trọng như đất đai, môi trường, tài nguyên…; việc ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, đánh giá, công nhận cấp xã và huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hoạt động cung cấp thông tin pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; việc triển khai các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính… Thông qua đó tăng cường trách nhiệm của chính quyền, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thúc đẩy việc bảo đảm, thực hiện các quyền của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
3. Cách thức đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực sự thuận lợi, chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm và quy trình triển khai, không tạo áp lực, phù hợp với điều kiện tinh gọn bộ máy tổ chức, biên chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Việc đánh giá, công nhận huyện đạt nông thôn mới được thực hiện thống nhất và tuân theo quy trình chung tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay quy định này đang được cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nội dung thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, do đó không nhất thiết phải có quy trình riêng để đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mà được thực hiện thống nhất trong quy trình chung về huyện đạt nông thôn mới.
Điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần tương thích với điều kiện công nhận huyện nông thôn mới cũng như xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Huyện được công nhận đạt nông thôn mới phải đáp ứng 05 điều kiện: Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới;  có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên) và đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng 03 điều kiện: Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó có thể đặt ra điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dựa trên kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã trên địa bàn và kết quả thực hiện nội dung tiêu chí thuộc trách nhiệm của huyện. 
4. Thời gian, số liệu phục vụ đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phù hợp, đáp ứng tiến độ đánh giá huyện đạt nông thôn mới. Thời gian  tổ chức đánh giá huyện nông thôn mới mang tính động còn đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định cụ thể là từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá. Mốc thời gian lấy số liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là kết quả thực tế tính từ ngày  01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá, do đó quy trình đánh giá, công nhận, công bố kết quả được tiến hành vào đầu năm liền kề sau năm đánh giá.
Do thời điểm khác nhau nên xảy ra trường hợp khi đánh giá huyện nông thôn mới sẽ chưa có kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá. Để tạo thuận lợi, đáp ứng tiến độ đánh giá huyện nông thôn mới, có thể xem xét mốc thời gian lấy thông tin, số liệu phục vụ đánh giá huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng lấy kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn của năm trước liền kề năm đánh giá, đồng thời sử dụng số liệu thống kê về hoạt động của ngành tư pháp theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, như vậy mới đảm bảo hoàn thành các thủ tục, quy trình trong năm đánh giá.
5. Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định đầu tiên tại Quyết định số 320/QĐ-TTg, đây là vấn đề mới chưa được kiểm nghiệm thực tế, việc xác định nội dung, cách thức đánh giá và triển khai các hoạt động phục vụ công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khó tránh khỏi những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, do đó cần làm từng bước, với phạm vi và lộ trình phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện nội dung và cách thức đánh giá cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế, không gây áp lực cho địa phương.

Xem thêm »