Hiện nay, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp ở Việt Nam và trên thế giới. Việc xét xử trực tuyến phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội.
Để triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến, ngày 10/8/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 58/TANDTC-TĐKT hướng dẫn về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong thời gian từ 10/8/2022 đến ngày 30/9/2022, mỗi đơn vị Tòa án nhân dân phải tổ chức ít nhất từ 03 phiên tòa trực tuyến trở lên (đặc biệt quan tâm tổ chức xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính); đây là tiêu chí bắt buộc để các đơn vị, cụm thi đua bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng năm 2022.
Quy định này nhằm cụ thể nội dung chính sách lớn của nhà nước về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã được ban hành trước đó tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Theo nội dung Nghị quyết, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Để thực hiện Nghị quyết nêu trên, liên cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư Pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tại Thông tư đã quy định rõ các thành phần tham gia phiên tòa cũng yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ quy định nội quy phòng xử án; luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu; không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa; người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng…
Việc ban hành các quy định nêu trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến với tinh thần đảm bảo chặt chẽ, chắc chắn. Công tác triển khai phiên tòa trực tuyến sẽ được thực hiện rộng rãi ở các địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với các quy định pháp luật về tố tụng./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật