Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), việc xác định đúng và trúng nội dung PBGDPL là yếu tố quan trọng đầu tiên, bảo đảm cần thiết để thực hiện hoạt động PBGDPL đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Xác định chính xác nội dung PBGDPL sẽ góp phần quyết định thành công mục tiêu của công tác này là tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.
Để đổi mới toàn diện công tác PBGDPL, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Kết luận đã xác định rõ: “Nội dung PBGDPL cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”.
Trên cơ sở đó, nhằm kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 80-KL/TW, ngày 06/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW trong đó cần thiết phải“Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn”. Theo đó, khi thực hiện thông tin, phổ biến về các lĩnh vực pháp luật, chuyên đề khác nhau cần gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đối tượng PBGDPL; thông tin tới Nhân dân về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Vậy việc xác định nội dung PBGDPL phải dựa trên các tiêu chí nào?
1. Tính phù hợp với đối tượng PBGDPL
Việc lựa chọn nội dung PBGDPL trước hết phải xuất phát từ đối tượng được PBGDPL là ai? Trình độ nhận thức, điều kiện hoàn cảnh sống của họ như thế nào? Họ có quan tâm đến lĩnh vực pháp luật dự kiến được phổ biến không? Vướng mắc nào họ thường gặp? Tùy theo đối tượng PBGDPL mà nội dung phổ biến pháp luật có thể nông, sâu khác nhau. Để xác định được mức độ thích hợp cho từng đối tượng thì cần nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, đặc điểm của đối tượng. Khi thực hiện PBGDPL phải xuất phát từ các yêu cầu sau:
- Yêu cầu phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới được thông qua/ban hành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhóm đối tượng cần được phổ biến;
- Trình độ văn hóa và nhận thức của đối tượng được phổ biến.
Ví dụ: Đối với người lao động, nội dung PBGDPL cần mang tính định hướng rõ ràng để họ dễ tiếp nhận như tìm hiểu quy định về pháp luật lao động, luật bảo hiểm xã hội….
- Điều kiện, hoàn cảnh thực tế để quyết định nội dung, hình thức phổ biến.
- Chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và những điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức ở địa phương để tổ chức cho phù hợp.
2. Tính phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước
Xác định nội dung PBGDPL không chỉ xuất phát từ đối tượng cần phổ biến mà còn phải căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước. Trong từng năm, giai đoạn hoặc từng thời điểm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nội dung pháp luật cần thiết phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và lợi ích chung của xã hội để tổ chức truyền thông, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật qua đó giúp cho việc quản lý nhà nước được thuận lợi.
Ví dụ: Trước đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các địa phương đã tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Tính phù hợp, khả thi trong điều kiện của địa bàn thực hiện
Khi tiến hành PBGDPL phải tính đến tính phù hợp, khả thi trong điều kiện của địa bàn thực hiện, cụ thể như sau:
- Căn cứ vào vị trí địa lý, sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.
- Căn cứ vào phong tục, tập quán của nơi tiến hành PBGDPL.
Ví dụ: Đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nội dung PBGDPL tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân...
4. Tính hiệu quả, diện bao quát của nội dung PBGDPL
Tính hiệu quả, diện bao quát của PBGDPL thể hiện ở một số tiêu chí sau:
- Số lượt người được phổ biến về văn bản pháp luật hoặc số nội dung pháp luật cần PBGDPL phù hợp, có liên quan đến đối tượng.
- Tác động của những văn bản pháp luật được phổ biến, tuyên truyền trong việc thực hiện pháp luật và chính sách của Nhà nước ở địa phương.
- Sau khi PBGDPL, những biểu hiện tiêu cực, khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn tranh chấp trong các quan hệ được giảm đi.
- Những người tốt, việc tốt trong thực thi pháp luật ở những địa bàn được PBGDPL có chiều hướng phát triển tốt.
- Thông qua công tác PBGDPL, người dân tại địa bàn quan tâm hơn tới việc tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật…
Để xác định được nội dung PBGDPL phù hợp với địa bàn PBGDPL, đòi hỏi người thực hiện PBGDPL có hiểu biết về xã hội, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Bởi pháp luật luôn gắn với đời sống xã hội, quan hệ mật thiết tới các hiện tượng khác của xã hội như: đạo đức, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Chính vì thế, khi thực hiện công tác PBGDPL ở từng vùng miền, người làm công tác PBGDPL cũng cần phải biết được phong tục tập quán của dân tộc đó và vùng miền đó, để mang lại hiệu quả cao nhất là đưa đến người dân những quy định pháp luật mà họ quan tâm.
Thời gian tới, để đánh giá đúng hiệu quả công tác PBGDPL, thì mỗi cấp ủy, chính quyền cần tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn… từ đó thúc đẩy công tác này đi vào thực chất, có chiều sâu, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp Nhân dân./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật