Đặc điểm về nội dung giáo dục pháp luật cho người lao động

30/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong giáo dục pháp luật (GDPL), một trong những nguyên tắc cơ bản cần được tuân thủ xuyên suốt trong quá trình tổ chức GDPL đó là nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng được GDPL. Đối với mỗi nhóm đối tượng khác nhau cần phải xây dựng các hình thức, phương pháp GDPL riêng thích hợp với đặc điểm của đối tượng đó. Do vậy, cần nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng thông qua việc điều tra, khảo sát toàn diện, tìm hiểu sâu về đặc thù văn hoá, tâm lý, lối sống, công việc, trình độ, nhận thức… của các đối tượng từ đó xây dựng nội dung, hình thức, phương pháp GDPL phù hợp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Nội dung GDPL cho người lao động (NLĐ) được xác định trên các vấn đề cơ bản sau: (1) nội dung pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống và làm việc của NLĐ (ii) nội dung pháp luật liên quan đến nhiệm vụ chính trị của địa phương, doanh nghiệp, đất nước trong từng thời điểm cụ thể cần được truyền tải đến NLĐ (iii) dự thảo văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ, doanh nghiệp (iv) nội dung pháp luật liên quan trực tiếp tới những vấn đề nóng, những vấn đề NLĐ quan tâm hoặc cần định hướng tới NLĐ; (v) Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật...
Ở Việt Nam, quyền lao động và việc làm của công dân đều được các bản Hiến pháp ghi nhận. Chính vì vậy, GDPL trước tiên cần tiếp cận theo hướng đảm bảo quyền của NLĐ. Theo đó, pháp luật bảo vệ quyền của NLĐ bao gồm các quy phạm có nội dung ngăn ngừa sự xâm hại các quyền của NLĐ và các quy định bảo vệ quyền của NLĐ, cơ chế bảo vệ quyền của NLĐ được thực hiện trên thực tế. Việc tiếp cận trên cơ sở quyền của NLĐ là vấn đề cốt lõi của GDPL nhằm tạo ra hiệu quả thiết thực, có giá trị gia tăng trong công tác này. 
1. Giáo dục các văn bản có liên quan trực tiếp đến người lao động
Một trong những đặc điểm của GDPL cho NLĐ đó là giáo dục các văn bản liên quan trực tiếp đến NLĐ. Việc GDPL các văn bản liên quan trực tiếp đến NLĐ, đặc biệt là các quy định đảm bảo quyền cho NLĐ, trình tự, thủ tục thực hiện quyền. 
Nội dung GDPL cho NLĐ bám sát vào nhu cầu của NLĐ. Tuy nhiên, nội dung GDPL phải căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm của NLĐ, trong đó cần phân chia thành các mức độ khác nhau. Đó là: (i) mức độ tối thiểu, cơ bản phải GDPL cho NLĐ để họ có biết, hiểu được quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình về các quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. (ii) mức độ biết, hiểu các quy định pháp luật, thông tin pháp luật liên quan đến cuộc sống của họ. (iii) mức độ biết, hiểu các quy định pháp luật, thông tin pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành, nghề nghiệp họ đang làm, mối QHLĐ họ đang tham gia. (iv) mức độ biết, hiểu và sử dụng được các quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. (v) mức độ biết, hiểu, sử dụng pháp luật và có ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà biết tôn trọng quyền và lợi ích của mọi người.
2. Giáo dục các quy định, thông tin pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người lao động
Giáo dục pháp luật trước tiên hướng tới việc đảm bảo quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chính vì vậy, NLĐ cần được trang bị quy định pháp luật để bảo vệ quyền, quy định pháp luật liên quan tới cuộc sống của họ. GDPL thực hiện theo nguyên tắc nội dung phù hợp với hình thức, đặc điểm của đối tượng GDPL nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng cũng như mục đích của công tác GDPL. Trong đó, tập trung giới thiệu về hiến pháp, các quy định pháp luật liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại, tố cáo, dân chủ ở cơ sở, các quy định về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và trình tự, thủ tục thực hiện quyền... GDPL các quy định này nhằm giúp cho NLĐ thực hiện nghĩa vụ của công dân, bảo vệ quyền của mình và biết tôn trọng quyền của người khác, hạn chế các rủi ro khi tham gia vào các quan hệ xã hội…
3. Giáo dục các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành nghề, công việc người lao động đang thực hiện
Bên cạnh GDPL các quy định liên quan đến cuộc sống của NLĐ nói chung, một trong những đặc điểm về nội dung GDPL cho NLĐ đó là giáo dục các quy định pháp luật gắn bó trực tiếp đến lĩnh vực ngành nghề, công việc NLĐ đang thực hiện. Trong đó, trọng tâm GDPL về các quy định về BLLĐ năm 2019 và các văn bản có liên quan với những quy định về độ tuổi lao động, giao kết hợp đồng lao động, nội dung giao kết hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp trong lao động, an toàn lao động, chế độ luật quy định cho NLĐ, chế độ riêng đối với lao động nữ, người khuyết tật, bảo hiểm, việc làm, đình công, thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đại diện cho NLĐ, mối QHLĐ giữa NLĐ, NSDLĐ, cán bộ công đoàn…Bên cạnh đó, giáo dục quy định pháp luật liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế... Các quy định này thể hiện tính đặc thù của NLĐ, sự khác biệt so với các đối tượng khác như cán bộ, công chức, viên chức…Đây là các quy định có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền, nghĩa vụ lợi ích hợp của NLĐ.
Các quy định về quyền của NLĐ, cơ chế bảo vệ quyền là những nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đồng thời là mục tiêu của GDPL cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ cần được nắm rõ các quyền, nghĩa vụ ở các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2015, Luật Đầu tư năm 2015, Luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của BLLĐ như: Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn - Vệ sinh lao động năm 2015...
4. Giáo dục, thông tin các quy định pháp luật về người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn
Người lao động không chỉ có trách nhiệm tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến bản thân mình mà còn cần biết các quy định pháp luật liên quan đến quyền nghĩa vụ của NSDLĐ, cán bộ công đoàn bởi họ cùng trong QHLĐ. Quyền, nghĩa vụ của người này khi thực hiện sẽ có tác động ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là 3 đối tượng trong QHLĐ. Bởi vậy, các chủ thể giáo dục cần thông tin, giáo dục đầy đủ các nội dung của ba bên để đối tượng giáo dục biết, hiểu và tôn trọng quyền, nghĩa vụ của các bên. Việc vi phạm pháp luật về lao động, vi phạm, ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của các bên trong QHLĐ đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa NSDLĐ và NLĐ làm cho QHLĐ trong doanh nghiệp không còn giữ được sự hài hòa, ổn định. Nhiều vụ việc tranh chấp lao động xảy ra, các cuộc đình công của NLĐ mà nguyên nhân bắt nguồn từ QHLĐ chưa tốt. Tình trạng đó làm thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là của NLĐ chưa được đảm bảo, tính nghiêm minh của pháp luật chưa được tôn trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình trật tự, an ninh xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp. 
Chính vì vậy, cần giáo dục cho NLĐ biết quy định về quyền, nghĩa vụ của NSDLĐ nói chung và cụ thể trong lĩnh vực lao động nói riêng. Tránh việc không hiểu và tôn trọng quyền của nhau sẽ dẫn đến khoảng cách và bất động giữa NLĐ và NSDLĐ ngày một lớn hơn, mâu thuẫn phát sinh, tranh chấp xảy ra, các hoạt động bình thường của doanh nghiệp bị cản trở, hiệu quả sản xuất, kinh doanh suy giảm sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ quyền lợi của chủ doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
5. Giáo dục pháp luật cho người lao động về công ước quốc tế, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, tham gia có liên quan đến người lao động
 Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA, cụ thể:
- Hiệp định CPTPP: Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm. Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.
- Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.
Các Hiệp định sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam liên quan đến hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng sản phẩm hiện nay còn thấp; thị trường dịch vụ tài chính trong nước chưa thực sự phát triển, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ đội ngũ cán bộ và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hạn chế gian lận thương mại…
Trước những cơ hội và thách thức bởi các Hiệp định thương mại tự do mang đến cho nền kinh tế, doanh nghiệp và NLĐ của Việt Nam, các chủ thể GDPL cần có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về việc thông tin, giáo dục cho NLĐ, NSDLĐ, tổ chức đại diện cho NLĐ. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng thì các doanh nghiệp, NSDLĐ, NLĐ không chỉ nắm vững các quy định pháp luật của quốc gia mà còn phải biết, hiểu, nắm vững các Công ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiện nay, NLĐ có tay nghề cao sẽ được các doanh nghiệp thu hút và có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho NLĐ, bởi họ chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Chính vì vậy, NLĐ có thể trau dồi, tích lũy kiến thức, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân để có thể đáp ứng được các thách thức và đón nhận các cơ hội của các Hiệp định TMTD thế hệ mới đang tạo ra.. 
6. Thông tin về thực tiễn thực hiện pháp luật của người lao động trong các doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp, NLĐ luôn nằm trong mối QHLĐ và cuộc sống cũng gắn với sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Tình hình thực tiễn thực hiện pháp luật của doanh nghiệp tốt hay không tốt không chỉ phụ thuộc vào NSDLĐ, tập thể lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ. Thông tin về thực tiễn thi hành pháp luật thể hiện tính công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ các nội dung về pháp luật từ xây dựng pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật. Khi NLĐ nắm được tình hình thi hành pháp luật của doanh nghiệp sẽ giúp cho NLĐ hiểu được NSDLĐ đang thực hiện quyền, nghĩa vụ như thế nào đối với tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nói chung và bản thân NSDLĐ nói riêng? họ tôn trọng quyền của NLĐ hay đang vi phạm quyền của NLĐ? Doanh nghiệp đã và đang thực hiện nghiêm túc các quy định về pháp luật doanh nghiệp, thuế, môi trường, luật lao động, bảo hiểm… hay đang vi phạm các quy định đó? NLĐ cũng nhận thấy được việc mình đang tuân thủ hay không tôn trọng và vi phạm pháp luật hoặc do không có ý thức tìm hiểu pháp luật dẫn đến những hạn chế trong hiểu biết và thi hành pháp luật, ảnh hưởng đến bản thân mình, người xung quanh và sự phát triển chung của doanh nghiệp. Nhà nước pháp quyền với nguyên tắc về thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, việc tuân thủ pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy tình hình thi hành pháp luật của doanh nghiệp sẽ có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, đến xây dựng thói quen, nét văn hóa trong chấp hành pháp luật. Do đó, thông tin về tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng, là đặc điểm riêng về GDPL cho NLĐ trong các doanh nghiệp.
7. Giáo dục các thông tin pháp luật, kỹ năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Mục tiêu của GDPL, không chỉ giáo dục các quy định pháp luật luật thực định, mà còn cần giáo dục các thông tin pháp luật, thông tin về tình hình xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật có liên quan đến đối tượng được giáo dục. Bên cạnh đó, để đối tượng giáo dục và cụ thể đối với NLĐ có thể có đầy đủ kiến thức, thông tin pháp luật và cách thức, phương pháp để có thể sử dụng pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thực hiện các trình tự, thủ tục theo luật định khi tham gia các quan hệ xã hội có liên quan đến pháp luật, thì GDPL cho NLĐ cần giáo dục các kỹ năng, phương pháp để sử dụng pháp luật trong bảo vệ quyền của mình. Việc GDPL về kỹ năng được thực hiện song song với giáo dục quy định pháp luật, thông tin pháp luật. NLĐ nắm vững quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của mình, có thông tin pháp luật, đặc biệt thông tin liên quan đến bản thân, NSDLĐ, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp cho NLĐ có xử sự phù hợp với pháp luật, bảo vệ quyền của mình và biết, hiểu, tôn trọng quyền của NSDLĐ...
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, việc bảo vệ quyền của NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp phải song hành với việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ. Nếu chỉ bảo vệ quyền của NLĐ mà không quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ sẽ làm cho quan hệ lao động thiếu lành mạnh, xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các nhà đầu tư không muốn mở rộng đầu tư, mở rộng kinh doanh, điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các bên và sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

                                                                    Ngô Quỳnh Hoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
 
 

Xem thêm »