Tại Nhật Bản, với triết lý tạo ra một xã hội nơi mọi người sẽ nhận được các thông tin và dịch vụ cần thiết để giải quyết các tranh chấp theo pháp luật phát sinh trên phạm vi cả nước, bao gồm cả lĩnh vực dân sự và hình sự, thì người dân bao gồm công dân Nhật Bản và người nước ngoài sống tại Nhật Bản cần hiểu rõ về chức năng, vai trò của pháp luật trong xã hội và hiểu được tại sao pháp luật lại cần thiết trong xã hội. Xuất phát từ lý do trên, Nhật Bản hiện nay đang duy trì và áp dụng thành công nhiều mô hình, cách làm nhằm cung cấp, giáo dục thông tin pháp luật cho người dân, cụ thể:
1. Mô hình trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản “Ho Terasu”
Nhằm thực hiện cải cách chế độ tư pháp theo hướng gần gũi, nhanh chóng và đáng tin cậy, tháng 4/2006, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản “Ho Terasu”. Trung tâm này đã được thành lập với 61 văn phòng trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Trung tâm sử dụng nguồn kinh phí nhà nước với đội ngũ là các luật sư làm việc toàn thời gian hoặc các luật sư làm việc theo hợp đồng từng vụ việc.
Các dịch vụ chính của Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản bao gồm: (i) Cung cấp thông tin về chính sách pháp luật và đầu mối liên hệ; (ii) Hỗ trợ pháp luật dân sự thông qua tư vấn pháp luật miễn phí hay trả trước hộ chi phí thuê luật sư cho những người không có điều kiện về kinh tế; (iii) Chỉ định người bào chữa; (iv) Giải pháp giảm tải cho hệ thống tư pháp thông qua bố trí văn phòng luật với các luật sư làm việc toàn thời gian ở các khu vực không có luật sư; (v) Hỗ trợ nạn nhân của các hành vi phạm tội thông qua hướng dẫn về đầu mối tham vấn và (vi) Hỗ trợ người bị nạn thông qua tư vấn pháp luật miễn phí cho các nạn nhân trong thảm họa quy mô lớn bất kể khả năng tài chính.
Việc cung cấp thông tin pháp luật của Trung tâm này được triển khai cho người dân một cách miễn phí từ tháng 10/2006 thông qua nhiều kênh đa dạng, thuận lợi cho người dân liên hệ như qua website, email, số điện thoại tổng đài… Đến năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và cung cấp thông tin cho trên 5 triệu lượt yêu cầu. Những thông tin được người dân yêu cầu cung cấp rất đa dạng nhưng phần lớn tập trung vào các lĩnh vực như: vay vốn, việc làm hoặc hôn nhân, gia đình. Thông qua việc cung cấp thông tin pháp luật, Trung tâm đã xây dựng và hình thành lên một kho cơ sở dữ liệu thông tin và các giải pháp liên quan đến chính sách pháp luật khổng lồ, lên đến 5.000 vụ việc và có khả năng cung cấp thông tin về đầu mối liên hệ giải quyết các vấn đề pháp lý từ dữ liệu của 22.000 vụ việc. Bên cạnh đó, các thông tin pháp luật được dịch ra nhiều loại ngôn ngữ khác nhau để đáp ứng cả yêu cầu của đối tượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hiện tại, Trung tâm có thể cung cấp thông tin từ 10 loại ngôn ngữ bao gồm: tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Việt Nam, Tagalog, Thái Lan, Indonesia và Nepal.
Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản còn cung cấp dịch vụ giáo dục pháp luật cho người dân, được lồng ghép song song với các hoạt động cung cấp thông tin. Từ năm 2006, Trung tâm đã tổ chức các khóa học về pháp luật ở các địa phương, chủ yếu cung cấp kiến thức pháp luật cần thiết trong đời sống thực tế cho các nhóm đối tượng là người trưởng thành. Từ năm 2000, hoạt động giáo dục pháp luật được xác định là một phần của “Dịch vụ cung cấp thông tin”. Từ năm 2018, Trung tâm thực hiện mở rộng các hoạt động giáo dục pháp luật tại các văn phòng trên toàn quốc nhằm nâng cao năng lực xử lý các vấn đề pháp lý của người dân nói chung. Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trung tâm hướng tới tổ chức giáo dục pháp luật cho người dân nói chung thông qua hình thức trực tuyến, cung cấp các bài giảng và khóa học theo yêu cầu của người dân. Các khóa học và bài giảng chủ yếu do các luật sư làm việc toàn thời gian tại trung tâm giảng dạy. Một số chủ đề giáo dục pháp luật được Trung tâm chú trọng thực hiện, bao gồm: (i) Di chúc, thừa kế; (ii) Phòng chống thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại do gian lận; (iii) Thiệt hại của người tiêu dùng trên mạng Internet; (iv) Vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội; (v) Thiệt hại do bạo lực và (vi) Bắt nạt trong học đường.
Trong tương lai, Trung tâm hướng tới tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật cho người dân nói chung thông qua liên kết với cơ quan liên quan như Hội đồng Phúc lợi xã hội, trong đó chủ yếu do các luật sư làm việc toàn thời gian thực hiện giảng dạy. Đối tượng được Trung tâm ưu tiên thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật là những nhân viên hỗ trợ cuộc sống cho những người đang gặp khó khăn trong xã hội để từ đó tạo lập một đội ngũ có thể nhanh chóng kết nối, hỗ trợ pháp luật cho những người yếu thế.
2. Kinh nghiệm thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật tại các cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp Nhật Bản
Hoạt động giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp Nhật Bản thực hiện là việc giáo dục nhằm giúp những người dân nói chung (không phải là chuyên gia pháp luật) hiểu được các quy định và hệ thống pháp luật, giá trị cơ bản của pháp luật, có được cách suy nghĩ phù hợp với các quy định pháp luật. Ở Nhật Bản, từ xưa đã xây dựng được văn hóa tuân thủ pháp luật thông qua giáo dục tại gia đình, trường học và các hoạt động của cộng đồng địa phương. Từ nền tảng này, trên cơ sở cải cách hệ thống tư pháp với định hướng “thiết lập nền tảng Quốc dân” cho phép việc tham gia sâu hơn của người dân vào hoạt động tư pháp thông qua tăng cường các cơ hội học tập liên quan đến pháp luật, tư pháp, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã triển khai lựa chọn những vấn đề gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, phù hợp với sự phát triển của trẻ em và học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hoạt động này của Bộ Tư pháp Nhật Bản có mục tiêu giúp nâng cao hiểu biết của học sinh, trẻ em về luật pháp và các quy định không thể thiếu khi các em ra ngoài xã hội, xây dựng ý thức tôn trọng các quan điểm trái chiều, tạo điều kiện cho sự phát triển và nuôi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề một cách phù hợp với pháp luật. Đây là nền tảng để đạo tạo ra đội ngũ nhân lực góp phần xây dựng nên một xã hội tự do và công bằng.
Hoạt động giáo dục pháp luật tại Bộ Tư pháp Nhật Bản được triển khai kể từ năm 2003. Để tham mưu cho Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật, Bộ đã cho thành lập một số tổ chức nghiên cứu (như: Hội Nghiên cứu giáo dục pháp luật thành lập tháng 7/2003 và Hội đồng Thúc đẩy giáo dục pháp luật thành lập tháng 5/2005). Các cơ quan nghiên cứu này có cơ cấu gồm nhiều thành phần bao gồm đại diện từ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và các chuyên gia, giáo viên… với trách nhiệm nghiên cứu và tham mưu thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật có hiệu quả; lựa chọn những vấn đề gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi để thực hiện giáo dục tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nội dung chính trong giáo dục pháp luật tập trung vào một số vấn đề như: (i) Ý nghĩa, vai trò của pháp luật và cách biên soạn các quy định pháp luật tốt hơn; (ii) Khái niệm cơ bản về luật tư như nguyên tắc tự do hợp đồng; (iii) Giá trị cơ bản, nền tảng của pháp luật như: tôn trọng cá nhân, tự do, bình đẳng... và (iv) Vai trò của tư pháp và đặc trưng của hoạt động xét xử.
Các hoạt động giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp Nhật Bản tập trung vào một số hình thức như: (i) Biên soạn và phân phát giáo trình giáo dục pháp luật trên website một cách công khai để mọi gia đình, nhà trường có thể tiếp cận và sử dụng; (ii) Giới thiệu các tiết học mẫu về giáo dục pháp luật trong nhà trường; (iii) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực giảng dạy về pháp luật của giáo viên; (iv) Cử các nhân viên của Bộ Tư pháp đến tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật tại chỗ và (v) Tổ chức quảng bá hoạt động giáo dục pháp luật thông qua sử dụng nhân vật biểu tượng “Hourisu-kun”. Những hoạt động này của Bộ Tư pháp đã góp phần xây dựng “văn hóa tuân thủ pháp luật”
[1] cho người dân tại Nhật Bản.
Việc tổ chức giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp Nhật Bản có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Nhật Bản (cơ quan chủ quản trong lĩnh vực giáo dục) để bảo đảm việc tổ chức, triển khai thực hiện thuận lợi và có hiệu quả.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
3.1. Về công tác PBGDPL
Trên cơ sở cách thức hình thành, xây dựng và tổ chức các hoạt động của Trung tâm “
Ho Terasu” và cơ chế giáo dục pháp luật tại nhà trường tại Bộ Tư pháp Nhật Bản, một số gợi mở và kinh nghiệm cho Việt Nam trong định hướng triển khai công tác PBGDPL cụ thể như sau:
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xây dựng, lưu trữ dữ liệu về các hoạt động PBGDPL, thông tin, nhu cầu pháp luật của người dân để giúp nâng cao hiệu quả hoạt đông quản lý trong công tác PBGDPL.
- Cách thức sử dụng đội ngũ luật sư, người có kiến thức pháp luật trong tham gia các hoạt động PBGDPL thông qua cơ chế hợp tác, hợp đồng.
- Hoạt động PBGDPL không chỉ giới hạn cho công dân, người dân Việt Nam mà còn mở rộng đến các đối tượng là người nước ngoài đang làm việc sinh sống tại Việt Nam. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, số lượng người lao động nước ngoài tại mỗi quốc gia sẽ có xu hướng tăng lên và việc cung cấp thông tin pháp luật cho đối tượng này sẽ là xu thế tất yếu/
- Các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội sẽ là đối tượng trọng tâm, cần ưu tiên cho hoạt động PBGDPL.
3.2. Về giáo dục pháp luật trong nhà trường
Một trong những yếu tố giúp Nhật Bản có được sự thành công trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường tới từ cơ chế phối hợp, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường một cách chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhật Bản xác định hoạt động giáo dục pháp luật là một cách thức quan trọng giúp đẩy mạnh xây dựng và hình thành văn hóa chấp hành pháp luật trong xã hội và người dân. Do đó, công tác này rất được coi trọng tại Nhật Bản và được tổ chức dưới rất nhiều mô hình, cách thức đa dạng từ các hoạt động chính khóa tới ngoại khóa. Các mô hình này hoàn toàn có thể được áp dụng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.