Bàn về một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay

20/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực tiễn cho thấy sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do vậy, cần bám sát kết quả tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân (sau đây gọi là Chỉ thị số 32-CT/TW); Thông báo Kết luận số 74-TB/TW và Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư; kết quả tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 48- NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW; bám sát Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, phân tích dự báo yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong thời gian tới, nhất là trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (theo Nghị quyết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII) để đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong thời gian tới. Cần nghiên cứu gắn đổi mới PBGDPL với đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, với giáo dục và đào tạo để xây dựng nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện; tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng của Đảng và cả hệ thống chính trị, với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, cụ thể là:
Thứ nhất, về quan điểm: PBGDPL là bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện; một bộ phận của tổ chức thi hành pháp luật, gắn với chu trình chính sách công và là một nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là bộ phận của công tác tuyên giáo, dân vận của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự thống nhất về chính trị trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các thiết chế chính trị, xã hội và từng người dân đều có trách nhiệm tích cực, chủ động tự học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật; tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, về mục tiêu: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đối với công tác PBGDPL, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn đổi mới công tác PBGDPL với đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng của Đảng và cả hệ thống chính trị. Thực hiện bước chuyển từ mô hình chủ yếu tuyên truyền, phổ biến, truyền bá pháp luật, sang cung cấp thông tin về pháp luật, chú trọng giáo dục ý thức pháp luật, lối sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội, tiến tới xây dựng một xã hội pháp quyền.
Thứ ba, về các nhiệm vụ và giải pháp:
- Tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL; ban hành các chương trình, kế hoạch và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;
- Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL, trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL để làm rõ khái niệm, đặc trưng, nguyên tắc PBGDPL; xác định phạm vi các quan hệ xã hội và đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đáp ứng đầy đủ hơn cho hoạt động PBGDPL, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật... Hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và cá nhân đáp ứng yêu cầu xã hội hoá công tác PBGDPL.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL, trọng tâm là kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử.
- Hoàn thiện chế định giáo dục pháp luật trong nhà trường, nhất là giáo dục chuyên ngành luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với xây dựng nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện hiện nay.
- Xác định rõ phạm vi trách nhiệm của Nhà nước, của cá nhân và của các chủ thể trong PBGDPL tương ứng với từng hình thức PBGDPL cụ thể.
- Cấp ủy các cấp chú trọng thực hiện công tác PBGDPL, yêu cầu cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành pháp luật.
- Tham mưu xây dựng Đề án ban hành Chỉ thị của Cấp ủy cấp tỉnh thực hiện PBGDPL thường xuyên.
- Cấp ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp thực hiện PBGDPL, trong đó thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các về đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm”.
- Cơ quan tuyên giáo thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí tham gia truyền thông, PBGDPL.
- Cấp ủy các cấp tăng cường kiểm tra công tác PBGDPL ở các cấp ủy, đơn vị, cơ quan thuộc phạm vi quản lý.
- Các ban, bộ, ngành tăng cường phối hợp với cấp ủy các cấp thực hiện công tác PBGDPL...
Thứ tư, về trách nhiệm tổ chức thực hiện: Quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quán triệt, phổ biến, tổ chức việc học tập văn bản; ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, giao trách nhiệm cho: (i) Đảng đoàn Quốc hội trong lãnh đạo việc thể chế hóa thành pháp luật và giám sát tối cao việc triển khai thực hiện; (ii) Ban cán sự đảng Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật; trong đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như trong xây dựng, triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL và bảo đảm nguồn lực, kinh phí cho việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong phạm vi cả nước và trong từng ngành, lĩnh vực; (iii) Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL gắn với các phong trào tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên và nhân dân tuân thủ và chấp hành hiến pháp và pháp luật, tham gia PBGDPL; (iv) Các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, nhất là triển khai các Luật PBGDPL, các Chương trình, Đề án về PBGDPL và các hoạt động PBGDPL cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với quá trình đổi mới công tác PBGDPL gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng để đạt được mục tiêu đề ra trong các văn bản, nghị quyết của Trung ương./.
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »