Nghị định số 75/2018/NĐ-CP: Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu

18/05/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2018/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trang phục, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu trên mạng đường sắt quốc gia.

Theo Nghị định, tổ chức của lực lượng bảo vệ trên tàu do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trên tàu. Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ trên tàu được tổ chức thành các đội, tổ bảo vệ phù hợp với quy mô, đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ trên tàu là thành viên các đội, tổ bảo vệ phải đảm bảo các tiêu chuẩn là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trên tàu; đã được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ trên tàu, có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ trên tàu do cơ quan có thẩm quyền cấp; đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ an toàn giao thông đường sắt do doanh nghiệp kinh doanh vận tải tổ chức.
Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trên tàu
Lực lượng bảo vệ trên tàu có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề xuất, kiến nghị các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên tàu với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sau: Đe dọa an toàn chạy tàu; ném các vật từ trên tàu xuống; làm hư hỏng trang thiết bị đoàn tàu, mất vệ sinh trên tàu; gây rối trật tự công cộng trên tàu; đe dọa sức khỏe, tính mạng của hành khách và người đi tàu; trộm cắp tài sản của hành khách, nhân viên đường sắt, doanh nghiệp, hàng hóa, hành lý vận chuyển trên tàu; các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ trên tàu; các hành vi vi phạm pháp luật khác ở trên tàu.
Lực lượng bảo vệ trên tàu còn có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ng­ười thuê vận tải và hành khách đi tàu; hướng dẫn ng­ười thuê vận tải, hành khách đi tàu tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên tàu; trong việc nắm vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến đường sắt có các đoàn tàu chạy qua; trong việc rà phá, xử lý bom, mìn, vũ khí sinh học, hóa học, chất phóng xạ, xử lý hành lý, hàng hóa, bưu phẩm và các đồ vật khác chứa vật phẩm nguy hiểm khi vận chuyển trên tàu; hỗ trợ Trưởng tàu trong việc thực hiện quyền hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính ở trên tàu; trong việc giải quyết, khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt...
Nghị định nêu rõ, lực lượng bảo vệ trên tàu có quyền kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người thuê vận tải, hành khách đi tàu chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt và nội quy đi tàu của doanh nghiệp; kiểm soát người lên xuống tàu, kiểm tra hàng hóa, hành lý vận chuyển trên tàu. Trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy đi tàu thì thông báo ngay cho Trưởng tàu để xem xét lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng bảo vệ trên tàu có quyền bắt người phạm tội quả tang và thông báo ngay cho Trưởng tàu để lập biên bản vi phạm, bàn giao cho cơ quan Công an, hoặc Viện kiểm sát hoặc UBND khi tàu dừng tại ga gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp có lực lượng công an đang làm nhiệm vụ trên tàu thì bàn giao cho lực lượng công an xử lý. Lực lượng bảo vệ trên tàu tham gia xác minh những vụ việc xảy ra ở trên tàu theo yêu cầu của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; không được lợi dụng danh nghĩa lực lượng bảo vệ trên tàu để thực hiện hành vi trái pháp luật và xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chế độ, chính sách
Nghị định quy định, lực lượng bảo vệ trên tàu được huấn luyện, bồi d­ưỡng nghiệp vụ bảo vệ và chuyên môn kỹ thuật thuộc lĩnh vực công tác đang đảm nhận; được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và các loại trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định này để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng./.
 

Xem thêm »