Tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

23/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1. Đặt vấn đề
Thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) nói riêng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt trong suốt quá trình xây dựng, đổi mới đất nước. Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định một trong các tiêu chí đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là thực hiện dân chủ ở cấp xã (tiêu chí 4) và chỉ tiêu công khai các thông tin (thuộc tiêu chí 2 về tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật). Quy định này xuất phát từ vị trí, vai trò của chính quyền địa phương cấp xã, không chỉ là cầu nối giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn cấp xã mà còn đại diện cho Nhà nước và nhân danh Nhà nước thực thi quyền lực nhà nước; trực tiếp tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại cơ sở.
Cùng với đó, thể chế hóa kịp thời các định hướng, yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”,“bảo đảm quyền của công dân, để công dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”…, Quốc hội khoá XV (kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022) đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023, trong đó dành riêng chương II để quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã. Các văn bản nêu trên được ban hành và có hiệu lực thi hành vào các thời điểm khác nhau, do đó, việc triển khai thực hiện trên thực tế, nhất là các quy định mới về thực hiện dân chủ ở cấp xã theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có những tác động đến Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
2. Một số tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Các tiêu chí đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg tập trung vào trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, công việc được giao trên tinh thần theo đúng quy định pháp luật; trọng tâm là các lĩnh vực thiết yếu có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân như xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính theo thẩm quyền; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở cấp xã; thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân… Trong đó, tiêu chí về thực hiện dân chủ với 05 chỉ tiêu được xác định trên cơ sở tiếp cận phù hợp với Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Các tiêu chí, chỉ tiêu này đánh giá mức độ thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong triển khai các hoạt động tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân; tổ chức các nội dung để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, quyết định; Nhân dân bàn, biểu quyết; Nhân dân tham gia ý kiến; Nhân dân giám sát. Từ sau ngày 01/7/2022, việc triển khai các nội dung sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Qua rà soát, nghiên cứu, về cơ bản, các quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong tổ chức thực hiện các nội dung để Nhân dân biết (công khai thông tin), Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để phục vụ đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg không có mâu thuẫn, chồng chéo. Tuy nhiên, một số nội dung, điểm mới cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong tổ chức thực hiện trên thực tế, đó là:
 - Về nội dung thực hiện dân chủ ở cấp xã. Trên cơ sở phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”, thực hiện dân chủ ở cấp xã theo quy định của Luật bao gồm: (i) Công khai thông tin để Nhân dân biết; (ii) Nhân dân bàn và quyết định; (iii) Nhân dân tham gia ý kiến: (iv) Nhân dân kiểm tra, giám sát. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá chính quyền địa phương cấp xã trong  triển khai trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cấp xã: (i) Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân; (ii) Công khai thông tin để Nhân dân biết; (iii) Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp; (iv) Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết; (v) Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến; (vi) Tổ chức để Nhân dân thực hiện giám sát.
Xét về phạm vi, các nội dung thực hiện dân chủ ở cấp xã phục vụ đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật đã đảm bảo yêu cầu cụ thể, định lượng, rõ ràng, phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cũng còn có điểm chưa thống nhất, chủ yếu xuất phát từ một số điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg chưa quy định các nội dung Nhân dân kiểm tra theo quy định tại Điều 30 của Luật. Do đó, chưa đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ trong đánh giá trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã. Đồng thời, quy định về Nhân dân giám sát theo Luật được tiếp cận rộng hơn, đảm bảo bao trùm, toàn diện, đó là Nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đối với quy định trước đây, Nhân dân chỉ giám sát việc thực hiện các nội dung Nhân dân biết, Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp; Nhân dân bàn, biểu quyết; Nhân dân tham gia ý kiến. Như vậy, quy định về đánh giá, xã, phường, thị  trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng cần có điều chỉnh để thống nhất với Luật Dân chủ ở cơ sở.
- Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã trong tổ chức thực hiện các nội dung để Nhân dân biết, Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp và có nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, có một số trách nhiệm và nhiệm vụ mới cần được cụ thể hóa và xác định là chỉ tiêu đánh giá cấp xã nhằm đảm bảo toàn diện hơn, đầy đủ hơn, cụ thể như tạo lập và bảo đảm vận hành ổn định, thường xuyên hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của Nhân dân, tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh để người dân có thể trực tiếp bày sự đánh giá, nhận xét đối với hoạt động của chính quyền địa phương; xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã; tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư thuộc phạm vi cấp xã…
- Về quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định quyền thụ hưởng của công dân bao gồm các nội dung: (i) Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (ii) Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; (iii) Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc: (iv) Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.
 Việc bổ sung quyền thụ hưởng của công dân (Điều 7) trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thực hiện có hiệu quả, thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Quy định này có tác động thúc đẩy, góp phần đổi mới toàn diện công tác tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở. Tuy nhiên, “quyền thụ hưởng” của công dân cần được tiếp tục cụ thể hóa rõ hơn và xác định là chỉ tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở phục vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, góp phần thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Một là: Rà soát, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc hoàn thiện quy định thực hiện tinh thần đánh giá đầy đủ, toàn diện trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện dân chủ ở cấp xã. Qua đó, góp phần thể chế hóa và triển khai kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 27/NQ-TW; tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản trên thực tế. Cần mở rộng phạm vi, nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu về thực hiện dân chủ ở cấp xã phục vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bổ sung một số nội dung, chỉ tiêu về “quyền thụ hưởng của công dân”, các nội dung Nhân dân kiểm tra; các nhiệm vụ mới của Ủy ban nhân dân cấp xã trong bảo đảm và tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã; hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, chấm điểm một số chỉ tiêu có liên quan đến tổ chức Hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân.
Hai là: Nghiên cứu trong thời gian tới đề xuất thay đổi cơ chế đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng độc lập, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan. Đồng thời, để đảm bảo có thời gian, điều kiện nguồn lực thực hiện tốt công tác này, có thể cân nhắc tới việc hàng năm thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, tuy nhiên việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận sẽ được thực hiện trong thời gian dài hơn.
Ba là: Nâng cao trách nhiệm và sự tham gia của các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương trong quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra kết quả và triển khai các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung và các tiêu chí, chỉ tiêu về thực hiện dân chủ ở cấp xã nói riêng thuộc chức năng và phạm vi quản lý. Phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp, Nội vụ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế và giải pháp thực hiện các tiêu chí về dân chủ ở cấp xã và kết quả cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
4. Kết luận
Trong bối cảnh triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến công tác này trong thời gian tới.
Đặc biệt, triển khai đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện, coi đây là trách nhiệm của chính quyền và cán bộ, công chức trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh cho người dân tại cơ sở.
*TS. Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
**ThS. Nguyễn Thị Thạo – Chánh Văn phòng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
***TS. Trần Văn Duy – Chuyên viên chính, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Xem thêm »