Kinh nghiệm ASEAN về vận hành FTZ, giá trị và khuyến cáo cho Việt Nam và Đà Nẵng trong triển khai thí điểm FTZ

22/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nói chung và tại ASEAN nói riêng đã có các mô hình Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) thành công và trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế cho đất nước. Điều này đặt ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức trong việc thành lập và quản lý FTZ. Hiện nay, bài toán đó đang được Quốc hội, Chính phủ tin tưởng đặt lên vai địa phương làm thí điểm là Đà Nẵng. Bài viết này xin góp một phần nhỏ để cùng giải bài toán thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm từ một số nước ASEAN trong vận hành FTZ.

1. Kinh nghiệm của các quốc gia ASEAN về việc vận hành FTZ
Tại ASEAN, một số quốc gia có đường bờ biển dài và hệ thống cảng biển phát triển cũng đã xây dựng thành công các FTZ, tiêu biểu nhất là: FTZ Batam, Bintang của Indonesia; FTZ Clark, Subic của Philippines; FTZ Port Klang, Tanjung Pelepas ở Malaysia; Và đặc biệt là Singapore với các khu tự do thương mại được tối ưu hóa vai trò xuất nhập khẩu, trở thành một trung tâm phân phối hàng hóa nổi tiếng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Hiện Singapore đang là cảng biển đứng thứ hai Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được xếp là Trung tâm Logistics châu Á với hơn 5.000 công ty, tập đoàn đa quốc gia tham gia hoạt động logistics.
Chính sách chung của các quốc gia này đối với FTZ đó là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thương mại và trung chuyển hàng hóa tại Khu vực này, bao gồm việc hạn chế tối đa hoặc gỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, giúp cho hàng hóa lưu thông tại khu vực này thực sự được “tự do”.
- Kinh nghiệm của Singapore
Thành công vượt bậc của Singapore trong việc phát triển các FTZ đến từ tầm nhìn phát triển FTZ từ sớm của Singapore, với việc ban hành luật về Khu thương mại tự do ngay từ năm 1966, tức chỉ một năm sau khi tách ra độc lập từ Malaysia. Năm 1969, FTZ đầu tiên được thành lập tại Singapore, kể từ đó đến nay, đã có 9 FTZ được thành lập, trải đều khắp các khu vực trên cả nước[1].
Theo nguyên tắc chung, tất cả hàng hóa (trừ một số mặt hàng được miễn thuế theo quy định) khi nhập khẩu vào Singapore đều phải chịu thuế hàng hóa dịch vụ (Goods and Services Tax – GST) ở mức phổ biến là 7%[2]. Tuy nhiên, khi hàng hóa được nhập khẩu và lưu trữ trong FTZ, doanh nghiệp còn được hưởng ưu đãi tạm hoãn thuế GST. Doanh nghiệp sẽ không phải nộp khoản thuế này nếu thực hiện việc tái xuất khẩu hàng hóa ra khỏi FTZ và chỉ phải nộp thuế nếu hàng hóa đó rời khỏi FTZ và nhập vào lãnh thổ hải quan để tiêu thụ.[3]
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi liên quan đến đầu tư, phát triển FTZ, đặc biệt là ưu đãi về thuế được Chính phủ Singapore tập trung cho các doanh nghiệp logistics phát triển mạnh, có quy mô lớn, đang kinh doanh hiệu quả, có cam kết làm ăn lâu dài và định hướng mở rộng tại Singapore. Việc ban hành và thực thi chính sách ưu đãi thuế này, mặc dù trái với quy tắc thông thường, đó là dành các chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và yếu, nhưng lại cho thấy tầm nhìn của chính phủ trong định hướng phát triển dài hạn của Singapore.
- Kinh nghiệm của Malaysia
Malaysia cũng đã ban hành Đạo luật Khu vực Tự do năm 1990, trong đó có quy định trực tiếp các vấn đề liên quan đến hoạt động, quản lý, duy trì và mở rộng các FTZ. Chính phủ Malaysia đặt trọng tâm chính sách phát triển FTZ cho các ưu đãi thương mại xuyên biên giới, thủ tục hải quan, thuế và miễn thuế. Các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra trong FTZ được thực hiện với mức kiểm tra hải quan tối thiểu và miễn thuế đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, cụ thể: Tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia FTZ sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế như: Miễn 100% tất cả các loại thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến xuất - nhập khẩu sản phẩm; được phép đầu tư 100% vốn sở hữu nước ngoài; không giới hạn về quản lý ngoại tệ; được phép bán hàng cho thị trường nội địa tối đa 20% tổng doanh số cho các công ty công nghiệp chế xuất và dịch vụ; được hưởng ưu đãi thuế hấp dẫn do Chính phủ Malaysia đưa ra[4]. Các ưu đãi cụ thể phù hợp với nhà đầu tư được xây dựng thông qua Cơ quan Phát triển Công nghiệp Malaysia (MIDA).
2. Những kinh nghiệm giá trị và và khuyến cáo cần tham khảo cho Việt Nam và Đà Nẵng
a) Những kinh nghiệm giá trị
FTZ có nhiều tiềm năng mang tính đột phá để trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế không chỉ cho địa phương mà còn các khu vực lân cận. Tuy nhiên thực tiễn triển khai xây dựng FTZ tại các quốc gia trên thế giới đã cho thấy, sự thành công của FTZ đòi hỏi phải xác định được nhóm đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước muốn thu hút tới hoạt động tại các FTZ và xây dựng đồng bộ một loạt các chính sách hỗ trợ cùng quy định pháp luật đi kèm.
- Đối với lựa chọn nhóm đối tượng doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư xây dựng FTZ:
Việc lựa chọn doanh nghiệp theo quy mô, lĩnh vực được hưởng các chính sách ưu tiên đầu tư vào FTZ là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi mỗi lựa chọn sẽ tạo ra những phương hướng phát triển riêng và lan tỏa sang các ngành nghề khác có liên quan trong khu vực địa lý lân cận.
- Chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước:
Hiện trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung đang dần hình thành rất nhiều FTZ với vô số các cơ chế hấp dẫn cũng như sự cạnh tranh về mặt địa lý. Việc hình thành FTZ ở Việt Nam hiện nay được xem là muộn hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới (đi sau hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ), do vậy cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam cũng như tăng tính cạnh tranh so với các FTZ khác trong ASEAN.
Một ví dụ từ Singapore, hiện các doanh nghiệp đa quốc gia nói chung, các doanh nghiệp logistics nói riêng vẫn đang được Khuyến khích chuyển trụ sở đến nước này. Chính phủ Singapore đã đưa mức thuế suất doanh nghiệp 17%[5] - đây là mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất trong Khu vực ASEAN. Mức thuế suất này được áp dụng đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp, thay vì doanh thu.
Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài được tạo điều kiện phát triển tại FTZ, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước cũng có thể được hưởng lợi thông qua những hoạt động khác trong chuỗi logistics khi có các chính sách thúc đẩy phù hợp.
Tại Malaysia, các cá nhân của Malaysia đang kinh doanh vận tải liên quan đến hành khách hoặc hàng hóa bằng đường biển bằng tàu của Malaysia thuộc sở hữu hoặc thuê tàu sẽ được miễn thuế đối với 70% thu nhập. Đối với dịch vụ logistics tích hợp, cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động như giao nhận hàng hóa, vận tải và kho bãi sẽ được miễn thuế cho 70% thu nhập trong 5 năm kể từ ngày bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh và được trợ cấp thuế đầu tư.[6]
- Chính sách thu hút nhân lực:
Các đối tượng được thu hút đầu tư, xây dựng tại FTZ chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, vấn đề tạo dựng chính sách, quy định nhằm thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, đặc biệt là nhóm nhân tài, nhân lực chất lượng cao đặc biệt cần được chú trọng.
Singapore ngay từ những ngày đầu đất nước được độc lập đã luôn chú trọng việc thu hút nhân tài trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới. Họ hiện đang thiết lập mức thuế thu nhập cá nhân lũy tiến đối với người nước ngoài cư trú tại Singapore từ 0 – 22%, đối với người nước ngoài không cư trú tại Singapore là 15%[7]. Đây được coi là mức thuế tương đối cạnh tranh so với các quốc gia khác trong Khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia,… Cùng với các quy định, chính sách tạo điều kiện cho tuyển dụng mở cửa, giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài, nguồn nhân lực logistics của Singapore đã phát triển đáng kể, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển FTZ.
- Chính sách về đất đai:
Chính sách về đất đai là luôn là một vấn đề quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là logistics bởi nhu cầu đối với việc thuê kho bãi và xây dựng khu chế xuất,… Hai ưu đãi mà các doanh nghiệp thường mong muốn được hưởng khi hoạt động tại các FTZ bao gồm: được miễn, giảm tiền thuê đất; và đảm bảo thời gian thuê đất đủ lâu, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển.
- Chính sách hỗ trợ khác:
Để tăng tính cạnh tranh của các FTZ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong FTZ, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có thể cân nhắc tham khảo một số chính sách hỗ trợ khác hiện đang được các nước áp dụng, bao gồm:
+ Miễn thuế nhập khẩu khi hàng hóa được gia công trong FTZ đạt yêu cầu tỷ lệ chuyển đổi được nhập vào lãnh thổ hải quan để tiêu thụ (hiện đang được áp dụng tại FTZ Hải Nam, Trung Quốc. Hàng hóa được gia công trên 30% tại Khu thương mại tự do này còn được miễn thuế khi bán vào nội địa Trung Quốc[8])
+ Áp dụng chính sách tài chính, cho vay ưu đãi đối với các hoạt động FTZ kết hợp với Khuyến khích sự phát triển của ngành vận tải biển trong nước: mua, thuê tàu vận tải của các công ty trong nước; xây dựng nhà máy đóng tàu,… (hiện đang được Malaysia áp dụng)
b) Khuyến cáo cần tham khảo
Mặc dù tiềm năng lợi ích mà FTZ mang lại cho các quốc gia là vô cùng lớn, tuy nhiên đi kèm với đó là một số rủi ro mà các nhà xây dựng chính sách cần lưu ý sau đây:
- Nguy cơ trở thành kho lưu trữ, phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc thiết lập kiểm tra hải quan ở mức tối thiểu đối với hàng hóa dịch vụ lưu thông trong FTZ có thể tạo ra cơ hội để những doanh nghiệp kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lợi dụng. Do vậy Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến việc xử lý tem mác, đảm bảo quy cách hàng hóa dịch vụ khi hàng hóa, dịch vụ từ FTZ được đưa vào thị trường nội địa, cũng như cách can thiệp phù hợp đối với việc kiểm soát hàng hóa dịch vụ nhập khẩu vào FTZ.
- Nguy cơ trở thành điểm trung gian cho các các doanh nghiệp lẩn tránh các chính sách, pháp luật về thuế. Các doanh nghiệp buôn lậu có thể thao túng giá trị hàng hóa và tỷ lệ chuyển đổi trong quá trình gia công để được hưởng những ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan.
          3. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp khi đồng hành cùng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về FTZ
Xét trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước chạy đà tạo lập thể chế, chính sách, hướng tới xây dựng và phát triển FTZ tại một số địa phương có tiềm năng, mở ra cơ hội phát triển cho cả Khu vực lân cận, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng của cả nước, căn cứ các mục tiêu được đề ra tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình), Bộ Tư pháp với vai trò chủ trì thực hiện có trách nhiệm thực hiện những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, đó là:
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung các quy định, công ước quốc tế liên quan đến FTZ mà Việt Nam ký kết tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
- Định hướng triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các Bộ, ngành hiện đang xây dựng các chính sách có liên quan đến FTZ, các địa phương được lựa chọn làm nơi thí điểm xây dựng FTZ thời gian tới.
- Nâng cao hiểu biết, hạn chế những rủi ro, vướng mắc pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi FTZ, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về FTZ kịp thời nhằm tận dụng thời cơ phát triển kinh tế, phục vụ doanh nghiệp phát triển.
Việc tạo lập thể chế phục vụ cho việc xây dựng, duy trì và phát triển FTZ tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là một vấn đề mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, cần sự chung tay và phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Do vậy, Bộ Tư pháp, với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics nói riêng cũng như các địa phương trong việc tạo lập và thực thi những thể chế, chính sách, hướng tới việc thành lập các FTZ đạt những thành quả tốt nhất.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Free Zones in Singapore (2023), https://opencompanysingapore.com/free-zones-in-singapore/, truy cập lần cuối ngày 14/6/2024
[2] CorporateServices (2022), Singapore Corporate Tax Rate, Exemptions, Filing Requirements - Complete Guide, https://www.corporateservices.com/singapore/corporate-tax-in-singapore/
[3] Ngô Xuân Thanh (2024), Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính phát triển dịch vụ logistics và bài học cho Việt Nam, https://tapchitaichinh.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-chinh-sach-tai-chinh-phat-trien-dich-vu-logistics-va-bai-hoc-cho-viet-nam.html; truy cập lần cuối ngày 14/6/2024
[4] All you need to know about Free Trade Zone in Malaysia (2023), https://www.dhl.com/discover/en-my/logistics-advice/import-export-advice/duty-free-zones-in-malaysia, truy cập lần cuối ngày 14/6/2024
[5] CorporateServices (2022), đã dẫn.
[6] Ngô Xuân Thanh (2024), đã dẫn.
 
[7] CorporateServices (2022), đã dẫn.
[8] Sơn Hà, (2024), Khu thương mại tự do của Đà Nẵng sẽ là “đô thị kinh doanh tích hợp”, https://vnexpress.net/khu-thuong-mai-tu-do-cua-da-nang-se-la-do-thi-kinh-doanh-tich-hop-4755342.html, truy cập lần cuối 14/6/2024

Xem thêm »