Quy định về tổ chức, hoạt động của Tổ hợp tác

15/10/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 10/10/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác. Theo đó, Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện tham gia và tán thành các nội dung của hợp đồng hợp tác đều có thể trở thành tổ viên tổ hợp tác. Một cá nhân có thể là thành viên của nhiều tổ hợp tác.

Tổ hợp tác tự quyết định việc họp toàn thể tổ viên một năm một lần hay nhiều lần. Tổ trưởng Tổ hợp tác triệu tập họp tổ bất thường khi: Có phát sinh vướng mắc cần thiết phải họp tổ để giải quyết; có yêu cầu của đa số tổ viên hoặc đa số thành viên ban điều hành (nếu có).

Tổ hợp tác được lựa chọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, hoạt động không giới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi tổ hợp tác chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác. Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.

Khi chấm dứt hoạt động, trong thời hạn 7 ngày làm việc Tổ hợp tác phải thông báo bằng văn bản về chấm dứt hoạt động của mình cho UBND cấp xã, nơi đã chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ chung của tổ; nếu tài sản chung của tổ không đủ trang trải các khoản nợ thì lấy tài sản riêng của các tổ viên để thanh toán. Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung của tổ vẫn còn thì tài sản còn lại được chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị tài sản góp vào tổ của mỗi tổ viên, trừ trường hợp có thoả thuận khác.                                           

Chí Linh

Xem thêm »