Nghị định 136/2018/NĐ-CP: Sửa điều kiện cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

06/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

​ Chính phủ vừa ban hành Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó sửa đổi điều kiện để được cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.


Cụ thể, tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau đây: Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải đáp ứng các điều kiện sau: Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên (bỏ quy định có ít nhất 4 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề); đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất (quy định cũ thi công khoan ít nhất 5 công trình khoan nước dưới đất).
Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì trực tiếp thi công ít nhất 5 công trình (quy định cũ trực tiếp thi công ít nhất 10 công trình) khoan nước dưới đất (bỏ quy định phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề).
Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa, phải đáp ứng điều kiện có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên (quy định cũ có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên) thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình (quy định cũ 5 công trình) khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên.
Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn, phải đáp ứng điều kiện có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan (bỏ quy định có ít nhất 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề); đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.
Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước. Cụ thể, cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước; dự án lập quy hoạch tài nguyên nước./.
 

Xem thêm »