Thuế thu nhập cao đánh vào người thu nhập thấp!

19/05/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Dự luật thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính vừa đưa ra khiến dư luận, nhất là tầng lớp nhân dân lao động xôn xao. Với mức quy định này, Bộ Tài chính đã chủ trương tận thu với cả người nghèo.

Theo dự thảo thuế thu nhập cá nhân sắp tới đây trình Quốc hội xem xét, mức khởi điểm thu nhập chịu thuế là 3 triệu đồng thay vì mức 5 triệu đồng như trước đây.

Với tình hình thu nhập và giá cả hiện nay, việc dự luật đưa ra con số như thế này đã khiến không ít người dân hoang mang lo lắng.

Không cần phải có một kiến thức kinh tế cao siêu, một người dân thường cũng sẽ suy ra được rằng khi chỉ số tiêu dùng tăng lên, thì mức khởi điểm thu nhập chịu thuế phải tăng mới là tỷ lệ thuận hợp lý.

Cho nên khi chỉ số tiêu dùng đang lên cao nhưng mức thu nhập chịu thuế lại hạ thấp rõ ràng là một quy trình ngược. Ngoài phép tính ngược thấy rõ, quy định này đã đi ngược lại với quyền lợi của đại đa số quần chúng nhân dân lao động.

Tuy nhiên, mức thu nhập chịu thuế là 3 triệu đồng hay 5 triệu đồng cũng không quan trọng, mà quan trọng hơn là xác định mức đó là mức cao hay thấp, bằng thực tiễn cuộc sống. Mức thu nhập 3 triệu đồng vẫn có thể phải chịu thuế, nếu cơ quan soạn thảo luật chứng minh được một cách thuyết phục rằng đó là mức thu nhập cao.

Trong chương trình xây nhà cho người thu nhập thấp ở TP.HCM,  một căn hộ chung cư trả góp bán cho người nghèo có giá từ 350 đến 400 triệu đồng.

Tính sơ, để mua được căn hộ, trước mắt người mua phải bỏ ra 1/3 số tiền trị giá căn nhà, khoảng 170 triệu đồng. Số còn lại cộng với tiền lãi trả góp trong vòng 10 năm khoảng 300 triệu nữa, vị chi mỗi tháng trả khoảng 2,5 triệu đồng.

Để mua được căn hộ này, người mua phải có thu nhập ít nhất mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng. Vì nếu chỉ có 3 triệu thì sau khi trả nợ hàng tháng, sẽ trắng tay không lấy gì nuôi mình hàng ngày. Đối tượng này được TP.HCM xác định là “nghèo”. Những căn hộ này được bán cho người nghèo.

Còn nhớ, khoảng năm 2003, tạp chí Tiếp Thị Gia Đình có đưa ra một nội dung tư vấn “Làm thế nào để chi tiêu với 2 triệu đồng/tháng?”.

Trong mẩu tư vấn này, tạp chí đã đưa ra bảng liệt kê các khoản chi tiêu sít sao. Tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, tiền điện nước, tiền xăng xe… được tính toán khá tỉ mỉ. Nhìn bảng kê này người ta có thể yên tâm mà nghĩ rằng: “Hóa ra TP.HCM cũng chẳng có gì là khó sống hay ghê gớm”. Dân nhập cư nhìn vào đây cũng có thể hy vọng tìm được kế sinh nhai nơi xứ sở phồn hoa đô hội.

Thế nhưng sau khi đọc kỹ, trong bảng thống kê không hề thấy bất cứ mục nào nói tới việc chi tiêu cho học hành của con cái; không thấy có mục nào chi cho việc gửi xe máy, vá săm, thay nhớt xe, mua thuốc cảm cúm, hay thay bóng đèn điện quang bị cháy. Tuyệt nhiên không thấy có khoản nào để mua giày dép, kể cả quần áo cũng không!

Trong bảng này cũng không hề thấy có khoản nào chi cho tấm vé xem phim, ca nhạc, bóng đá…, dẫu rằng mỗi tháng chỉ một lần.

Nghĩa là nếu có gia đình, thì chắc chắn con cái phải chịu dốt, còn nếu độc thân thì cũng hoàn toàn đoạn tuyệt với việc tiếp xúc các loại hình văn hóa nghệ thuật, giao lưu. Còn khi bất thình lình bị cảm cúm hay hỏng xe, thì đành kêu trời hoặc trông mong vào lòng thương hại nào đó.

Lúc đó đồng tiền còn có giá hơn bây giờ. Sau 3 năm, khi mọi thứ đều tăng giá, nếu thu nhập có tăng thêm 1 triệu nữa, có lẽ bảng tư vấn chi tiêu kia cũng không thể linh động hơn. Bởi 2,7 triệu đồng ngày hôm nay so với 2 triệu của năm 2003 cũng không khác nhau là mấy. Liệu tiện tặn có đủ cho cuộc sống trong thời buổi củi quế gạo châu?

Không rõ người soạn thảo văn bản luật có quan niệm thế nào về tình hình kinh tế đất nước và đời sống nhân dân lao động hiện nay. Nên nhớ một điều rằng, người có thu nhập ở mức 3 triệu đồng đa số là tầng lớp nhân dân lao động và công chức trung bình. Người dân lao động hoàn toàn không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Người lao động ở các đô thị lớn lại không có nhà mà phải ở nhà thuê. Tất cả mọi chi tiêu của cả gia đình, rủi ro hoạn nạn, bệnh tật ốm đau, học hành của con cái, nhà trọ nhà thuê đều trông mong tất cả ở khoản thu nhập này.

Vì vậy quy định mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 3 triệu đồng, không khác nào một cú đánh nữa vào cuộc sống vốn dĩ đã khốn khó của người dân nghèo.

Đến giờ này, diễn biến dầu thô cùng với vàng và đồng đôla vùn vụt tăng giá vẫn cứ là sự kiện nóng hổi của cả nước. Việc tăng giá xăng cùng với việc chỉ số lạm phát những năm qua tăng lên, khiến cuộc sống của người dân ngày càng bị thu hẹp. Làm luật liên quan đến đời sống cộng đồng mà không thấu hiểu đời sống xã hội, chỉ căn cứ trên ý chí của mỗi cá nhân mình, là sự vô tâm, vô cảm.

Để góp thêm ý kiến cho bản dự thảo, xin đưa ra 3 câu hỏi cho nhà làm luật:

1/Căn cứ vào nền kinh tế chung, các nhà làm luật có cho rằng, thu nhập 3 triệu đồng là thu nhập khá?

2/Giả sử với mức thu nhập chỉ với 3 triệu/tháng, liệu người soạn thảo luật có dám khẳng định rằng gia đình mình sẽ sống sống được với mức thu nhập này?

3/Vì sao vật giá tăng lên nhưng việc mở rộng đối tượng chịu thế lại bằng cách hạ thấp mức khởi điểm chịu thuế thu nhập xuống?

Thuế là khoản thu mục tiêu nhằm để phát triển xã hội. Thế nhưng nếu xác định không có căn cứ khoa học và không dựa trên thực tiễn, có thể xảy ra tình trạng ngược lại, đó là kìm hãm phát triển, xã hội bất an.

(Theo VietnamNet)

Xem thêm »