Ngày 18/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã họp với các chuyên gia pháp luật và đại diện các cơ quan hữu quan để thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo Nghị định gồm 69 điều thuộc 7 chương: Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính; Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; Tố cáo và giải quyết tố cáo; Tiếp công dân; Quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Xử lý vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo và Điều khoản thi hành. Nội dung Dự thảo Nghị định này không chỉ kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định hiện hành (Nghị định số 53/2005/NĐ - CP) mà còn quy định chi tiết và hướng dẫn nhiều nội dung mới về cơ chế, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết khiếu nại tố cáo… để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo đã được Quốc hội thông qua năm 2005.
Các đại biểu tập trung thảo luận về 7 nội dung mới được quy định trong Dự thảo Nghị định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; người đại diện thực hiện việc khiếu nại và việc uỷ quyền khiếu nại; vai trò của Luật sư; uỷ nhiệm gặp gỡ, đối thoại; công khai quyết định giải quyết khiếu nại; khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức và xử lý trách nhiệm người không giải quyết khiếu nại… Nhiều đại biểu quan tâm, góp nhiều ý kiến về trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thanh tra, nêu những kiến nghị cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi của các văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phù hợp với tình hình xã hội và yêu cầu của công tác quản lý hành chính nhà nước hiện nay./.
(Theo website Chính phủ)