Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí

08/11/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 01/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Theo đó, Thủ tướng đã Chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Chủ tịch UBND cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

a. Bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí.

Đến ngày 30/11//2007 nếu tỉnh, thành phố nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí và lệ phí, nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay.

b. Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định.

c. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu từ nguồn thu dịch vụ của các hợp tác xã, chỉ đạo thực hiện công khai các nguồn thu và nội dung chi tiêu để người dân được biết và tham gia giám sát.

d. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách và quy định của pháp luật đối với từng khoản thu phí, lệ phí; các khoản đóng góp và giá một số dịch vụ phải trả. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Tăng cường trách nhiệm của các Sở và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong kiểm tra, giám sát việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

e. Chỉ đạo việc kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định trên đây; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2007 về kết quả thực hiện rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp của nhân dân ở địa phương; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2007.

b. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí, lệ phí báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết.

c. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương hướng dẫn việc miễn các khoản phí, lệ phí theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn, cụ thể:

- Miễn phí an ninh, trật tự đối với các tổ chức, cá nhân

- Miễn phí phòng, chống thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân

- Miễn lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với: Khai sinh; kết hôn; khai tử; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi, bổ sung hộ tịch; cấp sổ hộ khẩu gia đình; cấp Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể; cấp Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn; cấp chứng minh nhân dân.

- Miễn lệ phí địa chính khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn (hoặc sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp), trừ hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh./.

Chí Linh

Xem thêm »