Thông tư số 07/2019/TT-BTP: Góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác đăng ký

04/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 25/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Thông tư số 07/2019/TT-BTP gồm 03 Chương, 24 Điều BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Thông tư quy định rõ các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm:
a) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất;
b) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất;
c) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất;
d) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
đ) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
e) Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật;
g) Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký;
h) Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp;
i) Xóa đăng ký thế chấp.
Trường hợp đăng ký thế chấp theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thì thực hiện như đối với đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là nhà ở, công trình xây dựng.
Việc đăng ký thế chấp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện đối với các trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác hoặc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của cả bên thế chấp và của người khác.
Trường hợp có yêu cầu dừng, tạm dừng đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền
Thông tư hướng dẫn các Văn phòng đăng ký đất đai nhận được văn bản yêu cầu dừng, tạm dừng việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự, Thừa phát lại của Văn phòng thừa phát thì từ chối đăng ký khi có yêu cầu đăng ký. Trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, cá nhân khác có thẩm quyền theo quy định của luật có văn bản yêu cầu dừng, tạm dừng việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai có quyền yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền này xác định rõ thẩm quyền, các trường hợp dừng, tạm dừng đăng ký được áp dụng theo quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật khác có liên quan.
Đăng ký thế chấp trong trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung; trong trường hợp tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp gồm nhiều loại tài sản khác nhau
Thông tư hướng dẫn Văn phòng đăng ký đất đai vẫn thực hiện đăng ký thế chấp đối với một số trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ ghi họ, tên một người nhưng thông tin về bên thế chấp trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ghi đầy đủ họ, tên của các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp thông tin về tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tài sản khác thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp nhưng trong Phiếu yêu cầu các bên chỉ kê khai thông tin về tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định: Trường hợp đất, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng chung, quyền sở hữu chung của các thành viên hộ gia đình là người sử dụng đất, của nhóm người sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 167 của Luật đất đai năm 2013 mà một hoặc một số thành viên của hộ gia đình, của nhóm người sử dụng đất có yêu cầu đăng ký thế chấp đối với phần quyền sử dụng đất, phần tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của mình thì trước khi đăng ký thế chấp, người có yêu cầu phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp có sự thay đổi thông tin về bên thế chấp, tài sản thế chấp
Việc dồn điền, đổi thửa, đo đạc, xác định lại diện tích, kích thước, thay đổi thông tin đơn vị hành chính hoặc thông tin khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trên thực tế dẫn đến sự thay đổi thông tin về bên thế chấp và tài sản thế chấp so với Giấy chứng nhận. Do đó, Thông tư quy định các trường hợp phải thực hiện việc xác nhận thay đổi hoặc đăng ký biến động đất đai trước khi thực hiện đăng ký thế chấp; các trường hợp có thể thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi với thủ tục đăng ký thế chấp.
Đăng ký thế chấp trong một số trường hợp cụ thể
Nhằm tạo điều kiện để người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai thuận lợi hơn trong việc đăng ký, Thông tư hướng dẫn chi tiết việc đăng ký trong một số trường hợp mà Nghị định 102/2017/NĐ-CP chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa rõ như: Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai [Điều 14); Đăng ký thế chấp trong trường hợp tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở mà tài sản đó đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận [Điều 15); Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký [Điều 16); Ghi nội dung đăng ký thế chấp trong trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đã hình thành và được chứng nhận quyền sở hữu [Điều 17); Chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở [Điều 18); Xóa đăng ký thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP [Điều 19).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2019 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

                  Phạm Phúc Thịnh- Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm
 

Xem thêm »