Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg: Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

10/04/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 08/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế


Quy chế này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán khác không phải của Việt Nam (trọng tài quốc tế). Quy chế này không áp dụng đối với các việc giải quyết khiếu kiện về đầu tư được giải quyết tại trọng tài, tòa án hoặc cơ quan, tổ chức của Việt Nam theo pháp luật của Việt Nam.
 Về nguyên tắc phối hợp, cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp đầy đủ, hiệu quả, kịp thời trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam.
 Cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước, bí mật thông tin, tài liệu có được trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đúng quy định trong tố tụng trọng tài quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả phát sinh do không phối hợp hoặc phối hợp không đúng các nguyên tắc nêu trên.
Quy chế quy định cụ thể nội dung phối hợp gồm:  Trao đổi thông tin, tài liệu giữa các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài nhằm phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế.
 Bên cạnh đó, phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: cử người có đủ năng lực của cơ quan, tổ chức mình tham gia Tổ công tác liên ngành giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế khi được cơ quan chủ trì yêu cầu; tham gia thương lượng, hòa giải các tranh chấp đầu tư quốc tế; xây dựng và thực hiện chiến lược, lộ trình, các bước giải quyết việc tranh chấp đầu tư quốc tế; thu thập và cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng cứ và tài liệu phục vụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; xử lý các nội dung liên quan đến phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế; thực hiện các công việc khác trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
 
Cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
 Quy chế cũng quy định cụ thể cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Theo đó, cơ quan chủ trì là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) có biện pháp bị kiện hoặc đe dọa bị kiện, trừ trường hợp quy định.
 Trong trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế có các biện pháp bị kiện của hai hoặc nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh, các cơ quan này phải thống nhất cơ quan chủ trì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo ý định khởi kiện.
 Trường hợp không thống nhất được cơ quan chủ trì, cơ quan nhận được thông báo ý định khởi kiện thông báo cho cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan có liên quan nhiều nhất tới biện pháp bị kiện và có năng lực phù hợp nhất để giải quyết vụ tranh chấp đầu tư quốc tế.
 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh chủ trì đàm phán, ký hoặc thay mặt Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ký hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với nhà đầu tư nước ngoài là cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, cam kết đó.
 Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Nhà nước, Chính phủ Việt Nam liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật quản lý nợ công, tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến việc áp dụng pháp luật về tài chính, thuế.
Trong trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế phức tạp có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại, an ninh hoặc quốc phòng, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì.
 
 

Xem thêm »