Thực thi Luật Chứng khoán sẽ góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch của nền kinh tế và doanh nghiệp

29/05/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Chứng khoán ra đời sẽ giúp phân định rõ vai trò của từng thị trường vốn, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong nền kinh tế và cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời rất cần thiết cho việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đa số các đại biểu Quốc hội khẳng định như vậy khi thảo luận về dự án Luật Chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt Chính phủ trình bày vào ngày 26/5, tại Hội trường Ba Đình.

Tiếp tục ngày làm việc thứ 10 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI, các đại biểu sôi nổi thảo luận dự án Luật Chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày.

Hiện nay, thị trường chứng khoán nước ta còn nhỏ bé, chưa trở thành kênh huy động vốn dài hạn có hiệu quả cao cho đầu tư phát triển. Từ thực trạng đó, trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Chứng khoán nêu rõ sự cần thiết phải ban hành Luật Chứng khoán, quy định rõ ràng về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán...

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Nội dung Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh thêm sự cần thiết ban hành Luật. Đó là, sẽ hình thành mô hình thị trường vốn, tạo lập và vận hành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán phát triển nhanh và ổn định; tạo tâm lý yên tâm cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh, đầu tư vào thị trường chứng khoán và bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; giúp cho công dân dễ dàng hiểu biết về chứng khoán, thị trường chứng khoán, cơ sở pháp lý để công chúng tham gia thị trường chứng khoán khi có điều kiện.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước yêu cầu của cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các cam kết về hệ thống pháp luật phục vụ cho tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì việc ban hành Luật Chứng khoán là rất cần thiết. 

Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm thảo luận các vấn đề: Chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng, thị trường giao dịch chứng khoán, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát, công bố thông tin và thanh tra xử lý vi phạm…

 

Đại biểu Tào Hữu Phùng (tỉnh Hà Tây)

Các đại biểu Tào Hữu Phùng, Nguyễn Ngọc Trân đề nghị cần giao cho Uỷ ban chứng khoán Nhà nước một số chức năng và thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cần thiết và thực quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề nghiệp vụ chứng khoán. Về lâu dài, khi thị trường chứng khoán đã phát triển ổn định sẽ sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường.

Thay mặt Ban Soạn thảo và Đoàn Thư ký, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng tiếp thu ý kiến của các đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cũng giải thích thêm một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đặc biệt là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được giao cho Đoàn Thư ký, Ban Soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua.

 

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »