Diễn giả tham gia phiên thảo luận gồm có: bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam; ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Vũ Sĩ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ tài nguyên và Môi trường.
Tại phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khẳng định một môi trường thể chế thuận lợi sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nếu môi trường thể chế còn rào cản, vướng mắc không chỉ tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, chương trình chính sách của Chính phủ.
Phiên thảo luận tập trung hai mục tiêu: Nhìn nhận cụ thể hơn trong triển khai dự án đầu tư sử dụng đất các vấn đề pháp lý vướng mắc là gì, phổ biến ở khâu nào, quy trình nào; kiến nghị các giải pháp để giải quyết các vướng mắc này.
Từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng tính đồng bộ còn chưa cao. Vì vậy, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây, thể hiện sự cam kết đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Chia sẻ cụ thể về vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế, khâu này khá tốn thời gian. Thực tế cho thấy có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian…
Bày tỏ đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ “rườm rà” về thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép sẽ gây nên những rào cản.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Thủy nhận định.
Từ thực tiễn nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Liên quan tới những đề xuất này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023. Trong đó giao Chính phủ quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở và Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.
Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao… , Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp