Giáo viên dạy nghề được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

10/04/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 43/2008/NĐ-CP ngày 8/4/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 62, 72 Luật Dạy nghề về chính sách đối với giáo viên dạy nghề và chính sách đối với giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật.

Quy định cụ thể các mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên dạy nghề

Theo Nghị định, giáo viên dạy nghề (kể cả giáo viên tập sự, thử việc) được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong trường hợp dạy thực hành tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở dạy nghề (chỉ với những nghề có một trong 4 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) và dạy thực hành tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các nghề được quy định tại Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, động hại, nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.

Nghị định quy định rõ 4 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm: Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc bụi độc, dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm; dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép; dạy thực hành những nghề phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép; dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Mức hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên dạy nghề tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở dạy nghề gồm 4 mức theo hệ số từ 0,1 đến 0,4; còn đối với giáo viên dạy thực hành tại doanh nghiệp được tính theo các mức như người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh.

Giáo viên dạy nghề cho người tàn tật được hưởng phụ cấp đặc thù

Giáo viên chuyên trách và giáo viên tham gia dạy nghề trong các cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, khuyết tật được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối với giáo viên chuyên trách dạy nghề hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật, phụ cấp đặc thù gồm các mức từ 35% đến 65% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), phụ thuộc vào tỷ học viên là người tàn tật, khuyết tật trong lớp.

Giáo viên dạy thực hành nghề cho người tàn tật, khuyết tật trong các nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì ngoài chế độ phụ cấp đặc thù trên còn được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Không tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với các phụ cấp trên.

(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »