Chính sách mới có hiệu lực tháng 02/2021

01/02/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong tháng 2, cụ thể:

Quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Nghị định số 142/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 12 năm 2020 quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử đối với  các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử theo quy định. Nghị định áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Nghị định này.
Nghị định cũng quy định cụ thể:
Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử được tiếp tục hoạt động cho đến khi giấy phép, giấy đăng ký hết thời hạn hiệu lực.
Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực vẫn chưa được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ, giấy đăng ký hoạt động hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử hoặc chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải bổ sung hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
Điều kiện đào tạo về vật lý y khoa đối với các cơ sở y học hạt nhân, cơ sở xạ trị được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2026.
Trường hợp các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật được viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021). Nghị định được áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị định gồm 05 Chương và 31 Điều, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật; (3) Tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; (4) Tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; (5) Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại việt nam; (6) Dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài; (7) Lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; (8) Tổ chức thực hiện; (9) Điều khoản thi hành.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định áp dụng đối với: Người lao động, người học nghề, tập nghề theo khoản 1 Điều 2 của Bộ luật Lao động; Người sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 2 của Bộ luật Lao động; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định này.
Quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Nghị định số 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 12 năm 2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2021 và thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007.
Nghị định được ban hành nhằm thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020) và Luật đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021). Nghị định gồm 07 chương và 55 Điều quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Thành lập, cơ cấu tổ chức của quỹ đầu tư phát triển địa phương; (3) Danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của quỹ đầu tư phát triển địa phương; (4) Hoạt động đầu tư; (5) Hoạt động cho vay; (6) Hoạt động nhận ủy thác và ủy thác; (7) Chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, báo cáo và giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động; (8) Giải thể quỹ đầu tư phát triển địa phương; (9) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; (10) Tổ chức thực hiện.
Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ theo Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội ngày 14 tháng 6 năm 2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Nghị định số 150/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2020 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Nghị định gồm 07 chương và 45 Điều về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Xử lý tài chính khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi; (4) Bán cổ phần lần đầu, quản lý sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập, bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và công ty cổ phần; (5) Chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và người lao động; (6) Tổ chức thực hiện; (7) Điều khoản thi hành.
Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm  2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương và 30 Điều quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; (3)  Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; (4) Cấp giấy phép lao động; (5) Cấp lại giấy phép lao động; (6) Gia hạn giấy phép lao động; (7) Thu hồi giấy phép lao động; (8) Tuyển dụng, quản lý người lao động việt nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại việt nam; (9) Điều khoản thi hành.
Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 12 năm 2020 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2021. Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành các Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 21/2015/QĐ-TTg, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
Quyết định gồm 09 Điều quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cụ thể: (1) Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; (2) Chức năng, nhiệm vụ; (3) Vốn điều lệ; (4) Cơ cấu tổ chức quản lý; (5) Điều lệ tổ chức và hoạt động; (6) Tổ chức thực hiện; (7)  Hiệu lực thi hành; (8) Điều khoản chuyển tiếp; (9) Trách nhiệm thi hành.
Ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển
Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2020 ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Quyết định được ban hành nhằm thay thế Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg, Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg, bảo đảm triển khai hiệu quả Luật công nghệ cao cũng như các chính sách khác của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025
Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2020 về Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. Quyết định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ được giao tại Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về xây dựng, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Quyết định áp dụng đối với: Các dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 3 của Quyết định này; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Huỳnh Lê
 
 

Xem thêm »