Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006, ngày 28/12/2007, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao ký ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đóng vai trò rất tích cực trong hoạt động TGPL, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, dân chủ hoá đời sống pháp luật, thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước. TGPL trong các giai đoạn tố tụng giữ vị trí đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện quyền bào chữa và tăng cường yêu cầu tranh tụng trong xét xử. Với việc ban hành Thông tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh trong việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trong việc cử người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị hại, nguyên đơn dân sự... là người được TGPL. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung chính của Thông tư:
Phần I. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm (Điều 7 Luật TGPL). Phần nàyquy định Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm phối hợp với các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong việc cung cấp, niêm yết Bảng thông tin về TGPL, địa chỉ liên lạc của Trung tâm, Chi nhánh; cung cấp mẫu đơn đề nghị TGPL; Hộp tin TGPL, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về TGPL; phổ biến các quy định về TGPL khi có yêu cầu...
Phần II: Cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng (Điều 39 Luật TGPL): quy định trình tự, thủ tục, trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án trong việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng, hiệu lực của giấy chứng nhận tham gia tố tụng, tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên... Thông tư quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định cử người tham gia tố tụng của Trung tâm, Chi nhánh. Để bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, do có yêu cầu gấp về thời hạn, Thông tư quy định khi nhận được quyết định cử người tham gia tố tụng thì Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận trong thời hạn 24 giờ. Thông tư quy định Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia từ giai đoạn nào của quá trình tố tụng sẽ do cơ quan đó cấp và giấy chứng nhận tham gia tố tụng có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, kể cả đối với vụ án cần điều tra bổ sung, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư bị thay đổi không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng.
Phần III: Các hoạt động phối hợp về TGPL trong các giai đoạn của tố tụng (khoản 3 Điều 21, Điều 29, Điều 39, khoản 3 Điều 43 Luật TGPL): quy định việc thực hiện các hoạt động phối hợp cụ thể. Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra người có yêu cầu TGPL, bảo đảm giúp đỡ đúng đối tượng là người được TGPL; cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên có đủ tiêu chuẩn. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm cấp các quyết định tố tụng cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp, người đại diện là Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên; Toà án thông báo lịch xét xử cho Trung tâm, Chi nhánh và Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên đối với những vụ việc mà Trung tâm, Chi nhánh cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng...
Phần IV: Tổ chức thực hiện: quy định trách nhiệm của liên ngành Trung ương trong việc quán triệt, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc ngành mình trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Thông tư. Để thuận lợi cho việc theo dõi, thống kê, sơ kết, tổng kết, báo cáo, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm, chỉ đạo thống nhất công tác phối hợp và có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong hoạt động cụ thể, liên ngành quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh với sự tham gia của đại diện các ngành; Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương do 1 lãnh đạo Bộ Tư pháp kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh do Giám đốc Sở Tư pháp đảm nhận; quy định trách nhiệm của Hội đồng và các đơn vị tham mưu giúp Hội đồng; quy định về kinh phí hoạt động phối hợp...
Phần V: Hiệu lực thi hành: Thông tư liên tịch có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Vũ Hồng Tuyến