Từ ngày 1/1/2008, nhiều chính sách mới đi vào cuộc sống

02/01/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Từ 1/1/2008, nhiều chính sách mới của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, trong đó có chính sách tăng mức tiền lương tối thiểu từ 450 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng/tháng.

Tăng mức lương tối thiểu lên 540 đồng/tháng

Theo các Nghị định 166, 167 và 168/2007/NĐ-CP ngày 16-11-2007 của Chính phủ, từ 1-1-2008, người lao động trong khối cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật sẽ được tăng mức lương tối thiểu từ 450 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng/tháng.

Người lao động làm việc trong công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động mức lương tối thiểu từ 540 nghìn - 620 nghìn đồng/tháng. Mức lương tối thiểu áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam là 800 nghìn -1 triệu đồng/tháng tùy khu vực trong nước.

Tại Nghị định 184/2007/NĐ-CP  ngày 17-12-2007, tăng thêm 20% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng hiện hưởng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách

Theo Chỉ thị 20/2007/CT-TTg ngày 24-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ, cũng từ 1-1-2008, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ triển khai việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách làm việc trong các cơ quan Trung ương, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND các cấp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, thị xã, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.

Đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông

Cũng từ 1-1-2008, theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ, ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh bị đình chỉ lưu hành.

Riêng xe mô tô 3 và 4 bánh tự chế, xe máy 3 và 4 bánh tự chế do thương binh, người khuyết tật điều khiển theo Công điện của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được lưu hành đến hết tháng 6-2008. Trong thời gian được lưu hành, chủ xe mô tô 3 và 4 bánh tự chế, xe máy 3 và 4 bánh tự chế (thương binh, người khuyết tật) phải thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe và sử dụng theo mục đích của pháp luật.

Thời gian qua, số xe mô tô 3 và 4 bánh tự chế, xe máy 3 và 4 bánh tự chế sử dụng cho mục đích đi lại rất ít, đa số loại xe này được dùng để kinh doanh vận chuyển hàng hóa và phần lớn số xe này chưa có đăng ký, lại được dùng để chở hàng cồng kềnh như sắt thép, khung nhôm, rau quả...

Tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung

Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch mua sắm tài sản, kết quả đấu thầu, danh sách đơn vị trúng thầu, danh sách các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản, hàng hoá được mua sắm theo phương thức tập trung đều phải được công khai định kỳ 6 tháng và hàng năm theo các hình thức: phát hành ấn phẩm; niêm yết công khai; công bố trong hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức; công khai trên trang thông tin điện tử.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2008, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đăng ký sẽ bắt đầu thí điểm hình thức này.

Giá đất cao nhất trong khung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 67,5 triệu đồng

Từ 1-1-2008, giá đất cao nhất trong khung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 67,5 triệu đồng, bằng với mức trần quy định của Chính phủ.

Đây là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng, lệ phí trước bạ; tiền thuê đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ người dân khi nhà nước thu hồi đất.

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, khung giá đất 2008 có mức tăng bình quân khoảng 20% so với phương án giá đang thực hiện năm 2007. Giá đất ở tại một số đường phố thuộc các quận nội thành có mức cao tối đa là 67,5 triệu đồng/m2 là Hàng Đào, Hàng Ngang và một số tuyến phố lớn tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá đất khu vực quận 1 tăng cao nhất, nhiều tuyến đường tăng gần 50% so giá quy định năm 2007. Riêng ba tuyến đường Ðồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ có giá cao nhất, tăng từ mức 43 triệu đồng/m2 lên 67,5 triệu đồng/m2.
(Theo website Chính phủ)

Xem thêm »